Theo dõi trên

 Khát vọng nông nghiệp công nghệ cao

20/02/2017, 15:19 - Lượt đọc: 92

BTO - Những ngày đầu năm 2017, người dân khu Lê (Bình Thuận) ngạc nhiên khi chứng kiến dòng nước uốn lượn, chảy về sa mạc cát đã bao đời khô hạn. Là Phóng viên theo dõi chủ trương này nhiều năm qua, tôi cũng rất đỗi vui mừng.

         
   

         

         Nước về trên sa mạc cát khu Lê sẽ tạo    ra nhiều cơ hội mới cho phát triển nông nghiệp ở phía bắc Bình Thuận    (ảnh Q.H).

Nước, không còn là khát vọng

Ngồi trong chiếc ô tô cà tàng, xiêu vẹo trên con đường vừa mới mở, giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận Nguyễn Hoàng Tuấn vừa chỉ tay xuống dòng kênh, hào hứng khoe: Anh nhìn đấy, ước mơ của biết bao đời người dân khu Lê đã thành hiện thực rồi đấy. Giờ thì dòng nước chảy trên sa mạc cát, tưởng chừng không bao giờ, đã hiện ra trước mắt bà con.

Theo ông Tuấn, khu Lê Hồng Phong (còn gọi là khu Lê) là vùng căn cứ địa kháng chiến. Trong chiến tranh, bà con nơi đây đã chia sẻ từng can nước cho bộ đội trong những cánh rừng Ô Rô. Giải phóng hơn 40 năm qua, người dân vẫn chỉ một khát khao là làm sao có nước về những cánh đồng cát khô hạn quanh năm. Những dự án nước sinh hoạt nhỏ lẻ đã được thực hiện. Nhưng chỉ đáp ứng phần nào nước sinh hoạt của bà con. Còn nước để sản xuất nông nghiệp thì đành bó tay. Vì thế mà đất khô cằn vẫn mãi là khô cằn, trong khi đời sống của người dân chậm phát triển. Đây cũng là khát khao của bao thế hệ cán bộ lãnh đạo tỉnh Bình Thuận trong mấy chục năm qua.

    
  

      “Bây giờ ngoài việc quy hoạch đồng cỏ, là phải chọn giống cỏ phù hợp và   chuyển     giao kĩ thuật trồng cho bà con. Trước mắt sớm triển khai đồng cỏ công   nghệ cao tại khu vực Sông Bình, Sông Lũy và khu Lê vì nơi đây chủ động   nguồn nước. Có như vậy mới phát triển nhanh đàn bò sữa, bò thịt của   người dân và doanh nghiệp. Tôi nghĩ đây là hướng đi mới, phải làm ngay,   không chần chừ gì nữa”- Chủ tịch     UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai chia sẻ với PV.

   

“Là đơn vị trực tiếp thực hiện dự án này, chúng tôi rất đỗi vui mừng và tự hào. Giọt nước mát đang chảy về sa mạc cát khu Lê như những lời tri ân sâu nặng các thế hệ cách mạng đã ngã xuống trong chiến tranh trên chính mảnh đất này”- ông Tuấn xúc động nói.

Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng Trần Thanh Hoan, vui mừng chia sẻ tiếp: “Mừng lắm chứ anh. Bao đời nay bà con ở đây thiếu nước sinh hoạt. Sản xuất nông nghiệp vô cùng khó khăn vì thiếu nước. Khoan giếng phải 60m tới 80 m mới có nước. Giờ nước chảy về tận nơi như thế quá mừng đi chứ anh”.

Theo chủ tịch xã Hòa Thắng, do thiếu nước nên nền sản xuất nông nghiệp của bà con nơi đây nhỏ lẻ, manh mún. Chủ yếu nông nghiệp vẫn là cây mì, cây dưa vì nó chịu được hạn. Hay sau này bà con trồng đậu phộng phải khoan giếng mới có nước tưới. Giá trị kinh tế của những cây trồng này không cao.

“Giờ nước về chắc chắn sẽ làm thay đổi tư duy sản xuất, thay đổi tập quán làm ăn của bà con và còn mở ra nhiều triển vọng mới khi chủ động nguồn nước”- chủ tịch xã Hòa Thắng nói.

Còn nhớ cách đây hơn một năm, khi đó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương đi thị sát công trình này. Ông Phương đã chỉ đạo phải khai thác lợi thế khi thi công kênh dẫn nước để mở đường. Vì con kênh dài tới 27 km, chỉ còn khoảng 9 km nữa là tới địa điểm dự án sân bay Phan Thiết. Theo cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Phương, nếu có nước, lại có một con đường chạy dọc giữa đại ngàn sa mạc cát, vốn không có dân sinh sống, sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới, thuận lợi cho chính sách đầu tư của tỉnh.

Giám đốc Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết thêm, trước mắt phải tạo quỹ đất dự phòng để làm đường. Hai bên kênh dẫn nước sẽ chừa ra mỗi bên 100 m để chờ con đường của tương lai không xa. Nếu hoàn chỉnh con đường “xuyên sa mạc” theo kênh dẫn nước thì quỹ đất hai bên kênh nước này sẽ có giá trị rất cao. Sau này khi có sân bay Phan Thiết, du khách từ Đà Lạt xuống Mũi Né, đến sân bay Phan Thiết (nằm ở xã Thiện Nghiệp, TP.Phan Thiết) sẽ đi từ ngã ba QL1 thị trấn Lương Sơn, theo đường kênh này tới sân bay chỉ 40 km.

“Anh thấy sao khi có con đường “ôm” theo con kênh nước chảy giữa sa mạc? Không chỉ mở lối cho nông nghiệp, mà còn gợi mở cho ngành du lịch của tỉnh đó. Hình ảnh đó không xa vời nữa, mà nó sẽ thành hiện thực ”- ông Tuấn nói.

Kì vọng “nông nghiệp công nghệ cao”

Những ngày đầu năm 2017, khi đi thị sát việc vận hành hệ thống trạm bơm nước về khu Lê, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai liên tục nhắc tới cụm từ “nông nghiệp công nghệ cao”. Theo ông Nguyễn Ngọc Hai, nếu không có sự bứt phá từ công nghệ cao thì nền nông nghiệp của tỉnh hiện nay sẽ mãi giậm chân tại chỗ. Sản xuất lúa nằm trong quỹ an ninh lương thực ổn định, nhưng đột phá từ cây lúa không hiệu quả. Còn sản xuất thanh long đã giảm bởi nhiều yếu tố, trong đó có dịch bệnh và thị trường tiêu thụ. Như vậy nông nghiệp Bình Thuận sẽ phải dựa vào công nghệ cao. Ông Hai chia sẻ tiếp: “Với người nông dân ở Đà Lạt, họ đã thích nghi với nông nghiệp công nghệ cao lâu rồi. Mình thì bây giờ mới bắt đầu, dù là muộn nhưng vẫn còn kịp và phải bắt tay làm ngay”. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai, hiện nay tại xã Sông Bình (H.Bắc Bình) đang hình thành Khu công nghiệp. Nó sẽ tạo cú hích cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, tại khu công nghiệp Sông Bình được hình thành nhà máy chăn nuôi bò sữa, bò thịt và chế biến sữa thành phẩm.

         
   

         

         Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai thị sát dự án chăn    nuôi bò ở xã Sông Bình, huyện Bắc Bình (ánh Q.H).

“Một dự án chăn nuôi bò sữa của doanh nghiệp tới mười nghìn con bò sữa; 2 triệu lít sữa/ năm. Dự án này nhân rộng cho người dân cùng triển khai với hai mươi nghìn con nữa. Vì vậy phát triển đồng cỏ để nuôi bò ở khu Lê khi có nước về là rất phù hợp và phải làm ngay. Năm nay tỉnh sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách mới để quy hoạch đồng cỏ trên quy mô lớn nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và khuyến khích bà con cùng làm. Chỉ có thể phát triển nông nghiệp theo xu thế dựa vào khoa học công nghệ hiện đại mới có giá trị cao cho nông nghiệp. Tôi đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp và sớm ban hành chính sách phát triển đồng cỏ, chăn nuôi bò và phát triển đàn bò sữa. Không làm cái gì mà dễ cả, nhưng nếu không làm thì khó mong chờ sự bứt phá cho nền nông nghiệp vốn đang chậm phát triển như hiện nay ”- Chủ tịch tỉnh Bình Thuận chia sẻ đầu năm.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hai, dự án chăn nuôi bò sữa, bò thịt hiện đã bắt đầu hình thành và khá suôn sẻ. Doanh nghiệp đã nhập về trên 5.000 con bò giống từ Úc để nhân giống. Hiện người dân khu vực Bắc Bình đã bắt đầu mua bò giống và được chuyển giao quy trình chăn nuôi bò giống mới. Triển vọng thay đổi nền sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi đang rất tốt.

 “Tôi kì vọng vào sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh. Chúng ta không còn chờ gì nữa mà phải làm ngay khi nước đã về, dự án đã có. Chính phủ đã dành riêng gói 50 nghìn tỷ để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Như vậy người dân và doanh nghiệp sẽ được tiếp cận nguồn tín dụng vay ưu đãi của Chính phủ. Cần phải đổi mới cách suy nghĩ, cách làm và điều chỉnh lại lại cơ cấu nông nghiệp”- Chủ tịch Nguyễn Ngọc Hai chia sẻ những ngày đầu năm.

Quốc Hanh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
 Khát vọng nông nghiệp công nghệ cao