Theo dõi trên

Kết nối hơn để vượt qua “bão” dịch

11/06/2021, 09:03

BT- Dù chưa có ca bệnh nằm trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này nhưng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của Bình Thuận cũng chịu ảnh hưởng không khác gì thời điểm năm ngoái, khi có 9 ca bệnh. Chỉ khác, lúc này mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và ngân hàng đã ở tâm thế sẵn sàng, kết nối chặt chẽ hơn để cùng vượt qua khó khăn bằng những việc làm cụ thể.

Xoài ở Thắng Hải, Hàm Tân khó tiêu thụ trong những ngày qua.

Làm nhẹ ảnh hưởng dịch

Nếu năm ngoái trái thanh long bị cảnh ùn ứ trong tiêu thụ thì năm nay tình cảnh ấy xảy ra với trái xoài. Tháng 5, thời điểm các vườn xoài trên địa bàn tỉnh vào mùa thu hoạch thì cũng là khi dịch bùng phát tại các tỉnh, thành khác khiến lưu thông hàng hóa không thể thông suốt, xoài bị ứ đọng tại các vườn. Rất rõ là tại xã Thắng Hải - Hàm Tân, nơi trồng các loại xoài có giá trị kinh tế cao, phải bọc giấy từng trái, mỗi trái nặng cả ký nhưng không có thương lái mua như mọi năm. Cuối cùng, các hộ dân ở đây cũng bán được nhưng với giá rất thấp, chỉ 7.000 đồng/kg. Còn các giống xoài bình thường khác thì chín cây, rụng đỏ cả vườn, góc xóm làng quê ở các xã thuộc Hàm Tân. Lúc này, cán bộ tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Tân đã xuống những xã có diện tích xoài nhiều khảo sát từng hộ dân bị thiệt hại, hướng dẫn cách chứng minh bị thiệt hại do ảnh hưởng Covid- 19 để có cách hỗ trợ, tư vấn cách trả nợ cũng như cho vay vốn mới để tiếp tục sản xuất.

Trong khi đó, lĩnh vực du lịch cũng gần như đứng im, khi chính quyền không cho đón khách đến từ các vùng dịch nhưng vùng dịch lúc này lại ở TP. Hồ Chí Minh, nơi cung cấp lượng khách chủ yếu cho du lịch Bình Thuận. Thành ra, như nhiều chủ cơ sở du lịch nói là năm nay Bình Thuận không có ca bệnh nào nhưng hậu quả mang lại cũng giống như năm trước, lúc có đến 9 ca Covid-19. Như đã quen đối phó với ảnh hưởng từ dịch bệnh năm ngoái, trước tình hình trên, các doanh nghiệp du lịch lại cắt giảm nhân viên, lưu giữ các lao động nhất định để bảo trì resort, khách sạn. Hầu hết họ cũng đã tìm đến ngân hàng vay vốn để trả lương cho người lao động.

Chị Oanh, chủ một khách sạn ở Mũi Né - TP. Phan Thiết cho biết, từ cuối năm ngoái, sau khi cầm cự không nổi trước sự vắng khách do dịch bệnh cứ chập chờn nên chị đã đến một ngân hàng và được cho vay với định mức 500 triệu đồng. Từ đó, hàng tháng, chị ra ngân hàng rút tiền trả lương cho nhân viên chờ đến ngày có khách trở lại sau khi cộng đồng miễn dịch. Chị cho biết, lúc trước bình thường ngân hàng không bao giờ đồng ý cho vay tiền như thế để trả lương nhân viên. Nhưng nay trong cảnh dịch bệnh, chuyện vay như thế đã được chấp nhận, đã tạo điều kiện rất nhiều cho các doanh nghiệp duy trì được chờ đến thời điểm khôi phục kinh doanh khi dịch dứt.

Theo các cán bộ tín dụng ở một số chi nhánh ngân hàng, khi tiếp cận các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đã vay vốn bị ảnh hưởng dịch Covid-19 hoặc các khách hàng này chủ động gặp, lúc nắm tình hình riêng cụ thể, cán bộ tín dụng tư vấn hướng dẫn được hỗ trợ, các khách hàng đã lựa chọn giải pháp rất phù hợp. Nhờ vậy, không chỉ khách hàng tránh được nợ xấu mà chính ngân hàng cũng hạn chế mức thấp nhất có thể để không tăng tỷ lệ nợ xấu chung, nhất là trong hoàn cảnh dịch bệnh tái đi tái lại.

 Nhờ những tiếp nối 

Những hoạt động mang tính hỗ trợ trên của các ngân hàng đều thực hiện theo chỉ đạo có tính tiếp nối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Nếu năm ngoái, lúc dịch bệnh mới phát, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020 về Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 thì sang đầu năm 2021, tiếp tục có Thông tư số 03/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư 01. Đồng thời đó, còn có nhiều công văn, văn bản hướng dẫn khác. Như đầu tháng 6 này, thời điểm đợt dịch lần thứ 4 bùng phát lan ra hơn 30 tỉnh, thành thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Văn bản số 3947, yêu cầu các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai các biện pháp tăng cường phòng chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Cụ thể, các tổ chức tín dụng tiếp tục tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới và các biện pháp hỗ trợ khác, dựa vào năng lực và khả năng tài chính. Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp. Đồng thời cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, các khách hàng trên địa bàn để tìm hiểu nhu cầu, không để xảy ra tình trạng chậm tiêu thụ nông sản, gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng do không tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng…

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục bám sát các thông tư, các công văn của NHNN và văn bản hướng dẫn của Hội sở chính triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên đã góp phần đưa chỉ tiêu kinh tế quan trọng của tỉnh tăng trưởng khá. 6 tháng đầu của năm 2021, bên cạnh hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, các ngân hàng đã mở rộng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng huy động vốn và dư nợ cao hơn so với cùng kỳ năm trước, vốn tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên gắn với việc triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Đến ngày 2/6/2021, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 578,7 tỷ đồng/5.680 khách hàng; giảm lãi vay cho 2.703 khách hàng với số tiền lãi được giảm là 1,18 tỷ đồng; cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với lãi suất thấp hơn so với trước khi dịch bệnh xảy ra, doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến ngày 26/5/2021 là 21.003 tỷ đồng/6.660 khách hàng.

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kết nối hơn để vượt qua “bão” dịch