Theo dõi trên

Hút hàng… khi thanh long tăng giá

28/02/2017, 08:49 - Lượt đọc: 48

BT- Thời điểm này, khắp nơi tại các vùng trồng thanh long trong tỉnh cũng đang rộ lên tin vui: Thanh long tăng giá. Dẫu biết sự biến động lên xuống của giá cả thanh long có thể thay đổi từng ngày, thậm chí từng giờ, nhưng theo bà con thì vui được lúc nào hay lúc đó.

                
Ảnh: Đ. Hòa

Hồi hộp giá cả

Thông tin từ các hộ mới xuất bán thanh long cho hay, hiện tại giá bán thanh long xuất khẩu đã nhích lên 20.000 đồng/kg, tăng so thời điểm trước Tết Nguyên đán 2017 khoảng 6.000 - 7.000 đồng/kg nên nông dân chắc chắn sẽ có lãi khá. Tuy nhiên, như lời chị Trang (xã Hàm Thắng, Hàm Thuận Bắc), dù “hét” giá như vậy, nhưng thực tế có rất ít hộ trồng thanh long đáp ứng về số lượng và chất lượng. Không ít gia đình hiện chủ yếu bán với giá từ 15.000 - 18.000 đồng/kg vì bị thương lái ép giá với đủ lý do như tai không đẹp, trái nhỏ, nấm… Ngay cả gia đình chị Trang, dù chong đèn 200 trụ thanh long cũng bị “gãy” trong đợt vừa rồi nên chỉ thu được khoảng một nửa sản lượng so những pha trước và bán trước thời điểm tăng giá hiện tại với 14.500 đồng/kg. Riêng hộ chị Thủy cùng xã với 600 trụ thanh long, ở thời điểm này cũng không có hàng bán vì không đúng “pha” chong đèn… Vì vậy, khi giá thanh long tăng, họ cũng chỉ biết… tiếc. Rõ ràng, điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn luôn đúng trong trường hợp này.

Có mặt tại vùng trồng thanh long huyện Hàm Thuận Bắc, chúng tôi cảm thấy vui lây khi tận mắt chứng kiến một số gia đình đang tập trung nhân lực thu hoạch những trái thanh long đang kỳ chín mọng, rực rỡ một màu đỏ tươi. Cùng với đó là nụ cười trên môi với sự phấn khởi vì đã khá lâu, thanh long mới được tăng giá bất ngờ như vậy. Ngược lại, điều lo ngại của các hộ dân là khoảng trong 2 tháng tới, khi thanh long bắt đầu bước vào vụ mùa và lứa chong đèn đúng thời điểm cho thu hoạch, chắc chắn sản lượng thanh long sẽ nhiều và đến lúc đó không biết giá cả sẽ biến động ra sao. 

Không chủ quan về sâu bệnh

Ngoài giá cả, tình hình sâu bệnh trên cây thanh long cũng đang là vấn đề đáng quan tâm của ngành nông nghiệp và bà con nông dân. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, đến nay diện tích thanh long nhiễm bệnh đốm nâu trên toàn tỉnh là 2.497,5 ha, chủ yếu nhiễm nhẹ với 2.340 ha, so cùng kỳ năm 2016 tăng 1.861,5 ha. Ngoài ra, bệnh thối rễ, teo tóp cành với diện tích nhiễm 515 ha, phân bố tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và thị xã La Gi.

Để đối phó với dịch bệnh trên thanh long, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã đề nghị các Trạm bảo vệ thực vật tiếp tục theo dõi sát diễn biến bệnh trên vườn; tuyên truyền, phổ biến “Quy trình kỹ thuật quản lý bệnh đốm nâu hại thanh long” cho người dân. Đối với bệnh thối rễ, teo tóp cành, xử lý nguồn bệnh bằng thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ nấm + thuốc trừ tuyến trùng) và phục hồi bộ rễ bằng các thuốc kích thích sinh trưởng hoặc các loại phân bón có khả năng kích thích ra rễ. Riêng những cây bị nặng có thể phun thêm phân bón qua lá để hồi phục. Sau khi  cây đã phục hồi rẽ có thể bón thêm các phân có chứa hàm lượng lân cao như: Super lân, lân nung chảy, phosphrite... hoặc bón thêm phân hữu cơ khoáng hay hữu cơ vi sinh, tránh bón phân NPK, vôi với hàm lượng cao dễ gây tổn thương cho rễ mới hồi phục. Mặt khác, vệ sinh vườn, cắt tỉa cành, quả bị bệnh và tiến hành ủ bằng chế phẩm BIO-ADB để diệt nấm bệnh. Tuyệt đối không để cành, trái bị bệnh hại nặng trong vườn thanh long, hoặc vứt bỏ tại lề đường, bờ mương, bờ sông và kênh rạch vì đây là nguồn bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan theo gió và nước.

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hút hàng… khi thanh long tăng giá