Theo dõi trên

Hướng đến phát triển bền vững

19/03/2019, 08:16 - Lượt đọc: 24

BT - Với bờ biển dài 192 km, vùng lãnh hải rộng hơn 52.000 km2, Bình Thuận là một trong những ngư trường giàu có nhất nước. do đó có nhiều lợi thế trong phát triển ngành thủy sản, trong đó chế biến thủy sản là nhân tố hàng đầu, quyết định cho sự phát triển…

Chế biến nước mắm, xuất khẩu tăng trưởng khá

Nghề chế biến nước mắm cổ truyền có tuổi đời hàng trăm năm tại Phan Thiết - Bình Thuận. Sản xuất nước mắm tại tỉnh theo phương pháp cổ truyền (cài ém, lên men tự nhiên). Việc sản xuất nước mắm trước đây thường sử dụng mái (chum), mỗi mái muối được khoảng 200-300 kg cá, lên men ngoài trời, sản phẩm chủ yếu là nước mắm xá, phân phối và tiêu thụ bằng bồn hoặc can nhựa. Để đáp ứng yêu cầu thị trường, những năm gần đây việc lên men cá chuyển dần sang sử dụng hồ xi măng với sản lượng mỗi hồ lên đến hàng tấn. Sử dụng hồ lớn để chế biến nước mắm giảm được công lao động, thuận lợi trong khâu quản lý an toàn thực phẩm, nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng nước mắm cổ truyền. Nhờ sự chuyển đổi mô hình sản xuất, sản lượng nước mắm tăng nhanh từ 8 triệu lít năm 2001; 21,5 triệu lít năm 2005; 30 triệu lít năm 2010 và đến nay đạt 38 triệu lít. Nghề sản xuất nước mắm đi vào nề nếp và ổn định hơn từ khi có khu quy hoạch sản xuất nước mắm.

Chế biến thủy sản ở Công ty Đầm Sen.

Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch cùng với việc nước mắm Phan Thiết đăng ký quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh phát triển nghề sản xuất nước mắm và quảng bá sản phẩm nước mắm đến các thị trường trong và ngoài nước. Việc tiêu thụ nước mắm dần chuyển sang dạng đóng chai hoàn chỉnh đã mang lại lợi ích kinh tế cho người sản xuất. Nhiều sản phẩm nước mắm Phan Thiết có chất lượng, mẫu mã đẹp đã khẳng định được thương hiệu như: Con cá vàng, Hòn Mê, Phan Thiết Mũi Né, Biển Rạng...được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 40 cơ sở chế biến nước mắm quy mô doanh nghiệp, 209 cơ sở quy mô hộ gia đình, 57 cơ sở được cấp chỉ dẫn địa lý nước mắm Phan Thiết. Đặc biệt, đã có 4 doanh nghiệp có chứng nhận HACCP (hệ thống quản lý chất lượng), được xuất khẩu nước mắm trực tiếp sang thị trường nước ngoài.

Phát triển ổn định

Ngành chế biến thủy sản Bình Thuận phát triển mạnh nhất vào những năm 2000, chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp. Cuối năm 2007, cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ và một số thị trường áp dụng hàng rào kỹ thuật đã ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu thủy sản Bình Thuận. Trong gần 3 năm xuất khẩu thủy sản Bình Thuận đạt mức tăng trưởng thấp và giảm ở nhiều thị trường quan trọng. Giá trị xuất khẩu năm 2008 khoảng trên 79 triệu USD, năm 2009 chỉ còn 54,2 triệu USD. Đây là giai đoạn khó khăn nhất và đã có nhiều doanh nghiệp phá sản vì thua lỗ. Đến năm 2010, xuất khẩu thủy sản dần ổn định và duy trì mức tăng trưởng cho đến nay. Hiện toàn tỉnh có 14 doanh nghiệp/21 địa điểm chế biến thủy sản xuất khẩu. Năm 2018, sản phẩm thủy sản chế biến khoảng 51,70 ngàn tấn, giá trị xuất khẩu đạt 145,77 triệu USD (tăng 3,6% so với năm 2017), chiếm 33,3% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh.

Chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa bắt đầu phát triển vào khoảng cuối năm 2008, do gặp khó khăn trong việc xuất khẩu nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng sản xuất các mặt hàng phục vụ cho thị trường nội địa. Hiện nay, sản phẩm nội địa chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong tổng số sản phẩm chế biến. Dòng sản phẩm nội địa phong phú, đa dạng như: lẩu thủy sản, cá mai tẩm mè ăn liền, mực rim me, ghẹ sữa sấy khô ăn liền, cá bống nướng ăn liền... Một số sản phẩm phục vụ nhanh nhu cầu của người tiêu dùng đã được gắn tem nhận diện, truy xuất nguồn gốc bằng điện thoại thông minh có khả năng cạnh tranh cao. Sản phẩm nội địa của Bình Thuận đã có mặt tại các siêu thị của các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ có uy tín tại Việt Nam.

Hướng đến phát triển bền vững

Muốn nâng sức cạnh tranh, các doanh nghiệp chế biến cần mạnh dạn đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại, chú trọng tăng giá trị sản phẩm chế biến. Để nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững là phải thực hiện tốt liên kết 4 khâu: khai thác - thu mua - chế biến - tiêu thụ. Đây là xu hướng phát triển hiện nay và phù hợp với định hướng chung quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2011-2020. Thực hiện việc liên kết tốt sẽ giúp các doanh nghiệp ổn định được nguồn nguyên liệu đầu vào, đây là yếu tố quyết định cho sự phát triển. Mặt khác, để nâng cao uy tín và đáp ứng yêu cầu các thị trường khó tính, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm công tác bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Những năm qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản đã phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến thủy sản thực hiện các mô hình chuỗi liên kết. Đến nay, đã xây dựng 11 chuỗi thủy sản tiêu thụ nội địa: 6 chuỗi nước mắm với sản lượng 6,6 triệu lít/năm; 2 chuỗi thủy sản đông lạnh sản lượng 21.883,7 tấn; 3 chuỗi thủy sản khô sản lượng 827,9 tấn. Hỗ trợ kết nối và hoàn thiện 10 chuỗi thủy sản xuất khẩu với sản lượng: 630 tấn thủy sản khô, 3.060 tấn thủy sản đông lạnh, 630 tấn đồ hộp. Hiện nay, 100% cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu đã được chứng nhận HACCP, một số cơ sở chứng nhận ISO.

Với sự đầu tư mang tính chiều sâu của các doanh nghiệp trong chế biến thủy sản, cộng thêm chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ của tỉnh, hy vọng thời gian tới ngành chế biến thủy sản Bình Thuận, nhất là chế biến các sản phẩm tinh, sản phẩm có giá trị gia tăng cao phát triển mạnh xứng đáng với tiềm năng lợi thế của tỉnh.

Trần Thi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng đến phát triển bền vững