Theo dõi trên

Hướng đến chăn nuôi gia súc bền vững

27/07/2016, 08:52

BT- Đợt nắng hạn kéo dài thời gian qua, có thể thấy nhu cầu về thức ăn cho đàn gia súc trên địa bàn tỉnh là rất cấp bách. Để tạo sự bứt phá trong phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng bền vững, việc phát triển các mô hình đồng cỏ chăn nuôi rất cần thiết.

                
      
Anh Huỳnh Chí Linh (Lương Sơn) chuyển đổi    trồng cỏ trên diện tích đất hoa màu kém hiệu quả.

Trồng cỏ vỗ béo bò

Bắc Bình là một trong những địa phương có đàn gia súc có sừng nhiều nhất tỉnh. Để duy trì đàn, huyện đẩy mạnh phát triển các mô hình trồng cỏ thâm canh trên những mảnh đất kém hiệu quả. Đây được xem là giải pháp linh hoạt, ứng phó kịp thời với hạn hán chủ động nguồn thức ăn cứu đàn gia súc của ngành nông nghiệp huyện. Đi dọc hai bên đường quốc lộ 1A qua địa bàn thị trấn Lương Sơn, xã Hồng Thái chúng ta dễ dàng bắt gặp những con bò béo tròn bên những ruộng cỏ xanh mướt trải dài tít tắp.

Anh Huỳnh Chí Linh ngụ ở tổ 1, khu phố Lương Hòa, thị trấn Lương Sơn nhớ lại: Trước đây, cứ vào mùa nắng hạn thức ăn cho đàn bò thiếu trầm trọng, anh phải “chạy đôn, chạy đáo” thu mua rơm về làm thức ăn cho chúng. Thời điểm nắng hạn gay gắt từ tháng 4 đến tháng 7, mỗi tuần anh mua thêm một xe máy cày rơm với giá cao cho bò ăn nhưng vẫn không thấm vào đâu. Vì vậy, anh đã chuyển đổi 6 ha đất trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng cỏ VA06 cho hiệu quả kinh tế cao. “Đàn bò hơn 10 con của gia đình tôi béo tròn nhờ chủ động nguồn thức ăn xanh quanh năm. Nhờ trồng cỏ, các hộ chăn nuôi đã cải thiện được giống bò “cóc” trước kia, còn bán cỏ cho các xã lân cận cho thu nhập khá”, anh Linh cho biết thêm. Theo ông Trần Văn Hùng – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lương Sơn cho hay: “Với thổ nhưỡng đất cát pha phù hợp trồng các giống cỏ như VA06, cỏ voi, cỏ sả. Chính mô hình trồng cỏ nuôi bò vỗ béo tăng thêm thu nhập cho bà con. Đến nay, toàn thị trấn có khoảng 60 ha trồng cỏ, cơ bản đáp ứng đủ nguồn thức ăn cho khoảng 3.800 con bò”.

Toàn huyện Bắc Bình có tổng đàn bò 61.000 con, trong đó giống bò lai sind chiếm 25% và khoảng 300 con bò Úc. Để phát triển chăn nuôi bền vững, thời gian qua Phòng Nông nghiệp huyện hỗ trợ các xã tiền mua giống trồng. Đây là một trong những cách làm có hiệu quả trong điều kiện đồng cỏ tự nhiên khan hiếm.

Phát triển chăn nuôi bền vững

Đến nay, trời có mưa, cây cỏ phục hồi phát triển trở lại bổ sung thêm nguồn thức ăn đáng kể cho đàn gia súc trên địa bàn tỉnh. Nhưng đợt nắng hạn hoành hành vừa qua khiến nhiều hộ chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do gia súc chết, sức khỏe bị giảm sút. Nông dân và ngành chức năng, các địa phương đã nỗ lực cứu đàn gia súc. Trong đó, các giải pháp thực hiện như di chuyển đàn gia súc đến nơi có nước đối với bò, dê, cừu. Xây dựng hồ, bể chứa nước phục vụ chăn nuôi hạn chế phát triển đàn mùa khô. Về nguồn thức ăn, ngoài tận dụng phế phẩm nông nghiệp khác như rơm, thân bắp, rau lang, các hộ chăn nuôi trồng cỏ bổ sung thức ăn xanh…

Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp trước mắt, về lâu dài để duy trì đàn gia súc cần phát triển vùng chuyên canh trồng cỏ ở những địa phương có số lượng đàn gia súc lớn. Trồng cỏ chủ động thức ăn là điều kiện tiên quyết để chuyển từ chăn nuôi quảng canh, nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung mang tính sản xuất hàng hóa. Hiện nay, một số giống cỏ đang trồng tại tỉnh sức chịu hạn vẫn kém, chỉ phù hợp với những vùng có đủ nước. Tại một số vùng chuyên canh trồng cỏ trên cả nước đang nhân rộng giống cỏ cao lương ngọt Sweet jumbo (trồng phổ biến ở Australia) nhờ ưu điểm dễ trồng, dễ chăm sóc, năng suất đạt từ 250 - 400 tấn/ha/năm, cao hơn cỏ voi VA06 mà bà con nông dân trong tỉnh đang trồng hiện nay. Ngành nông nghiệp cần nghiên cứu, định hướng hỗ trợ giống giúp người chăn nuôi giảm bớt khó khăn.

    
    Đợt nắng hạn vừa qua, toàn tỉnh chết 50 con bò, 40 con heo, 25 con dê,   2.000 con gà và 1.500 con vịt. Do thiếu thức ăn, nước uống đã làm cho   hơn 5.600 gia súc, gia cầm giảm sút sức khỏe rất dễ xảy ra dịch bệnh.  

Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng đến chăn nuôi gia súc bền vững