Theo dõi trên

Hồng môn Đà Lạt trên đất La Gi

28/09/2020, 08:59 - Lượt đọc: 18

BT- Mạnh dạn bỏ ra gần 100 triệu đồng để đưa hồng môn đỏ Đà Lạt về trồng, bà Nguyễn Thị Thu Hương (thôn Phước Tiến, xã Tân Phước, thị xã La Gi) đã tạo dựng được thương hiệu và có mức thu nhập ổn định từ giống hoa này.

Không kiêu sa như lan, cũng chẳng có hương nồng nàn như cúc, ly, nhưng vườn hồng môn đỏ của bà Hương lại có nét cuốn hút đặc trưng, mà hễ ai vào thăm cũng muốn lưu lại vài tấm hình. Bởi loại hoa này có hình trái tim, màu đỏ tươi và khá lạ mắt.

Bà Hương chia sẻ: Vốn chỉ quen với nuôi gà, nuôi vịt, trồng điều, nhưng khi bước sang tuổi ngũ tuần đau ốm thường xuyên, hai vợ chồng thấy không thể kham nổi công việc nặng nên chuyển hướng trồng hoa. Đầu tiên là trồng lan denro, nhưng giữa năm 2019, khi lên Đà Lạt và tiếp cận với hoa hồng môn, bà đã thích ngay giống này. Gần 1 tuần ở lại thành phố sương mù chỉ để lui tới nhà vườn hỏi thăm cách chăm sóc, đặt giống, chế tạo phân sinh học, phun tưới, từ đó có sự so sánh, điều chỉnh cho phù hợp với khí hậu nắng nóng tại La Gi. Khu nhà lưới và hệ thống phun tưới tự động ngay lập tức được lắp đặt và 500 cây giống đầu tiên được đưa về. Sau 2 tháng, cây sinh trưởng và phát triển tốt, bà quyết định mua thêm 600 chậu nữa.

“Trồng hoa hồng môn không tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh và có hoa quanh năm. Thời gian đầu chưa được thị trường biết đến, tôi phải tới các shop, tiệm hoa ở chợ chào hàng, còn bây giờ 1 tuần cắt hơn 600 hoa vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Lý do hoa rất lâu (gần 1 tháng), giá bằng với hoa nhập từ Đà Lạt về, mỗi hoa từ 5.000 – 7.000 đồng, tùy loại to, nhỏ”, bà Hương chia sẻ.

Theo các shop hoa, hồng môn đỏ tuy không có mùi thơm, nhưng chính màu sắc của nó đã mang một vẻ sang trọng khó cưỡng, thường được dùng kết hợp với các loài hoa khác để làm quà trong các dịp khai trương, buổi lễ, hội nghị. Ngoài ra loài hoa này còn tượng trưng cho tình cảm nồng cháy, lâu bền; biểu tượng của sức sống, giảm stress và căng thẳng; biểu tượng của sự hiếu khách và khả năng lọc không khí rất tốt.

Dù thị trường đang hút hàng, nhưng bà Hương thông tin trên địa bàn thị xã chưa có nhà vườn nào mạnh dạn đầu tư quy mô lớn, mà đa số dừng ở việc trồng làm cảnh. Bởi nếu trồng hồng môn phải đầu tư nhà lưới, nếu không sẽ bị cháy lá non, còn phun tưới bằng phân hóa học nhiều, cây nhanh lớn nhưng dễ bị nấm ở gốc, úng nước chết. Theo kinh nghiệm của bà, cây giống sau khi đưa về sẽ trồng trong giá thể là vỏ và bánh dầu đậu phộng. Không sử dụng phân hóa học bón cho cây mà dùng phân dê đã được xử lý bằng vôi, ủ trong thời gian 1,5 tháng. Đồng thời kết hợp phun hỗn hợp từ bánh dầu đậu phộng đã được ngâm trước đó. Lưu ý thời gian thu hoạch hoa nên vào buổi sáng hoặc chiều mát.

Từ khi trồng hoa hồng môn, nguồn thu nhập của gia đình bà Hương đã ổn định hơn. Sau khi trừ chi phí còn lãi 4,5 triệu đồng/tháng. Mới đây, bà xây dựng thêm khu nhà lưới rộng gần 100 m2 và lấy 250 giống cây về trồng. Việc mạnh dạn đầu tư phát triển hoa hồng môn của bà Nguyễn Thị Thu Hương cũng được Hội Liên hiệp Phụ nữ La Gi đánh giá cao, tiêu biểu cho ý chí khởi nghiệp, vươn lên trong lao động, sản xuất của hội viên, phụ nữ.  

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hồng môn Đà Lạt trên đất La Gi