Theo dõi trên

Hoạt động tín dụng tăng trưởng khá và đúng định hướng

09/07/2019, 09:16

BT- Trong 6 tháng đầu năm 2019, hoạt động của các chi nhánh ngân hàng nói riêng, hoạt động tín dụng nói chung trên địa bàn tỉnh Bình Thuận diễn ra khá ổn định. Các tổ chức tín dụng tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh huy động vốn, mở rộng tín dụng an toàn và có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, công nghệ cao, nông nghiệp sạch, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ xuất khẩu... Các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho khách hàng khi gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền cơ chế, chính sách đến doanh nghiệp, người dân. Đồng thời góp phần hạn chế, đẩy lùi nạn “tín dụng đen”. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đã đẩy mạnh thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển mạng lưới ATM và POS trên địa bàn tỉnh.

                
Giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT    Bình Thuận. Ảnh: Đ.H

Một thuận lợi đáng ghi nhận là mặt bằng lãi suất diễn biến tương đối ổn định so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, lãi suất huy động đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,5 -5,5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 5,5 - 6,5%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 6,6 -7,3%/năm. Lãi suất cho vay các khoản vay mới ở các lĩnh vực ưu tiên ngắn hạn 6,5 - 7,5%/năm, các lĩnh vực khác từ 9 - 10%/năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến từ 10 - 11,5%/năm.

Trong 6 tháng qua, các tổ chức tín dụng đã tiếp tục đẩy mạnh quan hệ khách hàng, tạo nguồn cho vay phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương. Đến ngày 30/6/2019, nguồn vốn huy động đạt 38.883 tỷ đồng, tăng 14,5% so với đầu năm (cùng kỳ năm trước chỉ tăng 6,1%). Các tổ chức tín dụng tiếp tục mở rộng cho vay với phương châm “an toàn và hiệu quả”, gắn với việc thực hiện tốt các chính sách của Trung ương và địa phương. Đến 30/6/2019, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 52.753 tỷ đồng, tăng 13,7% so với đầu năm (cùng kỳ năm trước chỉ tăng 7,44%).

Vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gắn với thực hiện các chính sách của Trung ương và địa phương. Trong đó: Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 28.753 tỷ đồng, chiếm 55,6% tổng dư nợ; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 745 tỷ đồng, chiếm 1,44% tổng dư nợ; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 11.802 tỷ đồng, chiếm 22,8% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay các đối tượng chính sách xã hội đạt 2.569 tỷ đồng.

Đối với chính sách tín dụng về ưu đãi phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đến nay, dư nợ đạt 987,6 tỷ đồng. Trong đó, cho vay đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là 301,2 tỷ đồng, cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ 673,6 tỷ đồng, cho vay nâng cấp tàu 12,8 tỷ đồng. Nợ xấu 16,88 tỷ đồng (5 tàu), nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ 25,4 tỷ đồng (31 tàu).

Về việc cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Quyết định số 813/QĐ-NHNN và Nghị quyết số 30/NQ-CP, đến nay dư nợ cho vay 398 tỷ đồng phục vụ nuôi tôm giống, tôm thịt, nuôi tôm giống công nghệ cao, trồng 420 ha thanh long ruột tím hồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Riêng nghiệp vụ cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, hiện đang được triển khai tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với dư nợ 12,99 tỷ đồng/29 hộ. Nguồn vốn này được Trung ương phân bổ cho tỉnh 15 tỷ đồng.

Về chất lượng tín dụng, các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng. Đến cuối tháng 6/2019, nợ xấu trên địa bàn là 378 tỷ đồng, chiếm 0,73% tổng dư nợ, tỷ lệ nợ xấu giảm 0,08% so với đầu năm.

Ngoài ra, thực hiện chủ trương của Trung ương và của địa phương, tiếp tục tăng cường đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển lương qua tài khoản, thanh toán qua POS. Mạng lưới ATM, POS tiếp tục được mở rộng, hoạt động thông suốt và an toàn. Đến cuối tháng 6/2019, trên địa bàn có 172 máy ATM, tăng 1 máy so với đầu năm và 1.560 máy POS, tăng 60 máy so với đầu năm, hầu hết máy POS được kết nối liên thông giữa các ngân hàng với nhau, góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Bình Thuận cũng đã chỉ đạo và hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện tốt các quy định về lãi suất huy động ngoại tệ, quy định cho vay bằng ngoại tệ, các quy định về mua bán ngoại tệ; đồng thời thường xuyên theo dõi hoạt động của các đại lý đổi ngoại tệ... Những việc làm trên đã giúp cho việc quản lý ngoại tệ trên địa bàn tỉnh đúng quy định pháp luật.

Huỳnh Thanh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hoạt động tín dụng tăng trưởng khá và đúng định hướng