Theo dõi trên

Hàm Tân: Kết hợp các loại hình thủy lợi cho phát triển nông nghiệp

21/05/2018, 09:34 - Lượt đọc: 102

BT- Địa hình vùng khô hạn Hàm Tân, nước là yếu tố quan trọng cho huyện thiên về sản xuất nông nghiệp. Bởi thế người dân đang mong chờ sự phát huy đồng bộ của hệ thống hồ Sông Dinh 3, cung cấp nước ngày càng nhiều hơn cho sản xuất nông nghiệp…

                
   Màu xanh cây trái hai bên tuyến kênh.

Từ hệ thống thủy lợi chính

Mùa này đi ngang qua khu vực nông nghiệp phía tây huyện Hàm Tân, mọi người dễ dàng nhận thấy kênh chính Tây trải dài như che chở cho những đồng đất khô cằn hai bên. Hệ thống này từ hồ chính dẫn qua nhiều nơi như trại Z30D, thị trấn Tân Nghĩa, xã Tân Hà, Tân Xuân, Sơn Mỹ, Tân Thắng... đem theo nguồn nước tưới mát cây trồng. Hai bên tuyến kênh này, cây ăn trái, hoa màu đã phủ xanh nhiều nơi, tỏa bóng mát trong mùa hè khô khốc… Tác dụng của hệ thống thủy lợi đang ở giai đoạn đầu, bởi nguồn kinh phí đầu tư cũng còn hạn chế, các kênh nhánh chưa được xây dựng hoàn chỉnh, nước tưới chưa vươn đều khắp. Trong mùa khô này, Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân Văn Quý Ngọc đã kiến nghị Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận mở 5 điểm cống xả trên kênh chính Tây để tiếp nước cho nhân dân sản xuất nông nghiệp. Sau đó, Chi nhánh khai thác công trình thủy lợi khu vực La Gi - Hàm Tân xây dựng hoàn chỉnh điểm cống, mở 4/5 cống qua khu vực xã Tân Xuân cung cấp nước sản xuất mùa khô ở xã này. Cùng với đó, chi nhánh này khắc phục những hỏng hóc đoạn cuối tuyến, đưa nước về đập Cô Kiều phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong thời gian nắng nóng kéo dài… Hiện nay, hệ thống kênh chính Tây đang cung cấp nước tưới 800 ha cây trồng lâu năm (thanh long, đu đủ, xoài…), cây màu, lúa đông xuân. Trong khi tuyến kênh chính Đông chưa hình thành, bởi thế diện tích tưới mới hơn 1/3 năng lực thiết kế hồ chứa nước Sông Dinh 3 tưới 2.282 ha. Mùa khô này, tích trữ nước lòng hồ khá dồi dào đang ở cao trình 42 m, hoàn toàn cấp đủ nước khi hệ thống tưới đồng bộ… Tương tự, hệ thống các kênh nhánh đập dâng Sông Phan cũng chưa được xây dựng hoàn thiện, nên chỉ tưới bổ sung khoảng 100 ha cây thanh long vào mùa khô so năng lực thiết kế tưới 670 ha. Chủ tịch UBND huyện Văn Quý Ngọc đã kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai trong buổi về làm việc mới đây tại Hàm Tân: “Tỉnh cần ưu tiên đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các tuyến kênh chính, kênh nhánh hệ thống hồ Sông Dinh 3, đập dâng Sông Phan, đáp ứng tưới tiêu theo năng lực thiết kế, phục vụ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện nông nghiệp”. 

Đến thủy lợi nhỏ

Cùng với đó, để đảm bảo nước tưới sản xuất các mùa vụ, Hàm Tân phát động phong trào làm thủy lợi nhỏ gắn xây dựng nông thôn mới. Ở xã Tân Thắng, nhân dân tự nguyện đóng góp 20% trong nguồn vốn khoảng 1,6 tỷ đồng, nâng cấp, kiên cố hóa tuyến kênh mương nội đồng N3 dài 1.300 m; xúc tiến nạo vét 2 tuyến kênh dài 1.200m. Người dân xã Tân Hà cũng góp tỷ lệ phần trăm như trên trong nguồn kinh phí hơn 4 tỷ đồng kiên cố tuyến kênh nội đồng 1.700 m… Thông qua phong trào xây dựng nông thôn mới do địa phương phát động, nhân dân các xã, thị trấn  tận dụng điều kiện thiên nhiên sẵn có chủ động làm thủy lợi nhỏ đáp ứng tưới tiêu trong năm, nhất là mùa khô. Điển hình xã Tân Đức, người dân tự nguyện góp 300 triệu đồng xây dựng đập dâng giữ nước lưu vực sông Giêng tưới 200 ha. Xã Thắng Hải làm đập tràn qua sông Chùa trữ nước tưới 100 ha cây ăn trái: nhãn xuồng, đu đủ, xoài. Thị trấn Tân Minh góp 100 triệu đồng xây đập tràn qua sông Dinh tưới 30 ha cây lâu năm. Cùng với đó, nhân dân các địa phương Tân Nghĩa, Sông Phan, Tân Phúc, Tân Xuân, Tân Hà, Tân Đức đào 22 ao trữ nước tưới 110 ha đất sản xuất nông nghiệp. Người dân xã Tân Thắng cũng nạo vét 4 tuyến kênh dài 2.100 m tưới tiêu trong mùa khô. Hệ thống thủy lợi nhỏ trên đã góp phần tưới gần 500 ha trong tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân, cũng như giúp nhiều địa phương hoàn thiện tiêu chí thủy lợi về xây dựng nông thôn mới trong năm nay… Tuy nhiên, ông Văn Quý Ngọc, Chủ tịch huyện vẫn còn băn khoăn, cho rằng: Các tuyến chính như kênh chính Tây về Cô Kiều, Suối Đó của hồ nước Sông Dinh 3, kênh Sông Phan từ đập dâng Sông Phan thiết kế cao trình đáy thấp hơn so với cao trình mặt bằng chung đất sản xuất nông nghiệp các địa phương, gây khó khăn cho đấu nối với kênh chính khi làm kênh thủy lợi nhỏ từ kinh phí nhân dân.

T.Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàm Tân: Kết hợp các loại hình thủy lợi cho phát triển nông nghiệp