Theo dõi trên

“Gián điệp” giã cào bay

15/10/2017, 09:51

BTO - Tại vùng biển La Gi, thường xuyên xảy ra tình trạng giã cào bay hoạt động sai tuyến khiến các ngư dân nhiều phen “ôm nợ” giữa biển vì gặp phải “hung thần bay” kéo, phá rách nát hết ngư lưới cụ. Dân biển kêu trời không thấu, nhà chức trách đau đầu tìm giải pháp nhưng không quản được “giặc” giã cào giữa biển. Mặc dù, lực lượng kiểm ngư thường xuyên vào cuộc, nhưng tình trạng này vẫn luôn tiếp diễn...Để tìm nguyên nhân, chúng tôi đã có cuộc tìm hiểu hàng tháng trời tại cảng cá La Gi và những khu vực lân cận...

         

Thị xã La Gi hiện có 96 chiếc ghe giã cào (48 cặp).  Những tàu này chỉ được cấp phép đánh bắt ở ngoài khơi và ở một số vùng biển nhất định. Nhưng theo thực trạng hiện nay, nhiều tàu “giã cào bay” đã bất chấp quy định, “ép sát bờ” để nhanh chóng “vơ vét” tận thu triệt để các nguồn lợi thuỷ sản. Theo các ngư dân, những tàu giã cào bay thường hoạt động vào ban đêm, theo từng cặp tàu, ở giữa kéo theo lưới dạ để tận thu các loại hải sản từ lớn đến nhỏ, tận diệt tất cả không chừa thứ gì. Khai thác “cạn nhẵn” nguồn hải sản, đi đến đâu gây “nhiễu loạn” ở đó, ngư dân chỉ biết “than trời”.Với tốc độ lớn, khai thác kiểu “chụp giật”, “vơ vét” như vậy, hơn nữa việc khai thác ở ven bờ và vùng lộng, các tàu giã cào bay đã làm tổn hại nghiêm trọng nguồn lợi thuỷ sản trong mùa sinh sản. Thậm chí, trong lúc hành nghề, các tàu giã cào bay còn  kéo phăng tất cả ngư lưới cụ của ngư dân...Nhiều lần bị kéo hết ngư lưới cụ, ngư dân Võ Hồng Sơn, thôn Tam Tân, xã Tân Phước, thị xã La Gi bức xúc cho biết: “ rất nhiều lần anh  rơi vào cảnh lao đao vì bị tàu giã cào bay kéo rách, nát ngư lưới cụ, thiệt hại mỗi lần phải hơn chục triệu đồng, phải nghỉ ở nhà cả tháng trời để làm lại lưới đánh bắt, trong khi nghề biển là nguồn thu nhập chính của gia đình anh và cũng là nguồn duy nhất để nuôi con cái ăn học.”

Ngư dân Ngô Thống– Thôn Tam Tân – Xã Tân Phước bức xúc kể thêm: Nhà ông có 5 người con trai, đều làm nghề đi biển, và cả 5 đứa đều đã từng bị tàu giã cào bay kéo mất ngư lưới cụ , đã vậy bắt tại trận trên ghe các tàu giã cào còn chối, quá đáng hơn họ còn đem ngư cưới cụ kéo được đi bán ve chai”.

Theo số liệu Từ trạm quản lý và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản La Gi, năm 2015, lực lượng kiểm ngư thị xã đã phát hiện 11 trường hợp với 12 chiếc tàu giã cào hoạt động sai tuyến, thu phạt hơn 520 triệu đồng; năm 2016, phát hiện 9 trường hợp vi phạm với 9 cặp giã cào bay hoạt động sai tuyến thu phạt hơn 600 triệu đồng. Riêng năm 2017, tính đến thời điểm này, thì lực lượng kiểm ngư La Gi vẫn chưa phát hiện được trường hợp tàu giã cào bay nào hoạt  động sai tuyến , điều này hoàn toàn mâu thuẫn trước sự bức xúc về nạn cào bay đang khai thác “lộng hành” như phản ánh của ngư dân địa phương.  Đi tìm nguyên nhân sâu xa cho vấn đề này,  qua nhiều tháng trời tìm hiểu từ nhiều người dân khu vực cảng cá và các xã phường ven biển...thì được biết: có một nhóm người làm nghề mật báo cho các chủ tàu giã cào bay,  ngư dân gọi nghề này là nghề “canh kiểm ngư”, một số khác gọi họ là “ gián điệp” giã cào bay, khi phát hiện thấy lực lượng kiểm ngư chuẩn bị đi tuần tra trên biển thì những người  làm nghề “canh kiểm ngư” này chỉ cần nhấc điện thoại lên thông báo thì các tàu cào bay” dễ dàng tẩu thoát...

Chúng tôi được biết nhóm ngườilàm nghề “ canh kiểm ngư” gồm khoảng 20 người do một người tên S khoảng 60 tuổi, dáng người cao, nước da ngâm đen cầm đầu, chuyên hoạt động ở cảng cá La Gi và bến tàu Bình Tân và các khu vực ven biển La Gi... ÔngS phân chia nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên về địa bàn hoạt động và cách thức thông tin với nhau trên điện thoại...

Trong vai người đi dạo mát, chúng tôi theo dõi được nhóm người này có cả nam lẫn nữ, già có, trẻ có, trung tuổi có thường xuyên giả dạng ngươi đi câu, hay những đôi tình nhân đơn giản đang hóng mát ở đầu bờ kè, Một số khác lại “túc trực trước nhà các anh  kiểm ngư, hay thậm chí họ “đóng quân”  trước trạm quản lý và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản La Gi là nơi mà  lực lượng kiểm ngư thị xã làm việc... Với mục đích duy nhất là nắm rõ lịch trình làm việc, tuần tra của lực lực kiểm ngư thị xã hòng thông báo tình hình kịp thời đến các tàu giã cào bay.  Khi lực lượng kiểm ngư chuẩn bị đi tuần, dù ngày hay đêm, chúng chỉ cần nhấc điện thoại lên và nói những câu hết sức đơn giản, ngắn gọn như: Nó lên rồi hay nó vô rồi... cho các tàu “giã cào bay”.

“Gián điệp” giã cào bay hoạt động khá tinh vi, lực lượng lại khá đông, trái ngược hoàn toàn với số lượng khá mỏng của đội kiểm ngư La Gi hiện có là 7 người, lại chưa được trang bị đầy đủ các công cụ hỗ trợ, phương tiện tuần tra chỉ  là 1 chiếc ca nô nhỏvới công suất chỉ 100 CV, lại luôn bị “theo dõi” sát sao từng “đường đi nước bước” nên việc phát hiện, xử phạt nạn “giã cào bay” hiện nay là rất khó khăn.

Làm sao để “dẹp” được “ Nghề canh kiểm ngư”; những tên “trợ thủ đắc lực”  của tàu “ giã cào bay”. Đó thực sự là một vấn đề cần làm ngay để giải quyết vấn nạn “giã cào bay’, kịp thời bảo vệ nguồn lợi của biển, bảo đảm lợi ích kinh tế lâu dài cho ngư trường La Gi nói riêng, ngư trường cả nước nói chung.

Đông Trung



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Lễ viếng các Anh hùng liệt sĩ và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), sáng nay 26/4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã đến viếng các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh và viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Gián điệp” giã cào bay