Theo dõi trên

Giải pháp nào cho ngành tôm phát triển bền vững?

20/02/2017, 09:44 - Lượt đọc: 6

BT - Hội nghị trực tuyến về ngành tôm do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cách đây không lâu, đã cho thấy nhiều lỗ hỏng trước sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường xuất khẩu con tôm. Tại hội nghị, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân hàng đầu cả nước chuyên về cung cấp con giống, chăn nuôi, chế biến, xuất khẩu tôm thẳng thắn trình bày những thuận lợi, khó khăn của ngành trong thời gian qua và sắp tới. Mong rằng Chính phủ, các bộ, ngành có những quyết sách phù hợp, cũng như đề ra giải pháp tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của con tôm trên thị trường thế giới.

Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú (Cà Mau), cho biết: “Tại Việt Nam, chúng tôi tự hào là doanh nghiệp, nhà sản xuất lớn và hiện đại nhất hiện nay về quy trình chăn nuôi, sản xuất tôm. Nhưng khi sang Ecuador tham quan, tôi mới thấy quy trình sản xuất, công nghệ của mình hiện còn lạc hậu và kém hiệu quả so với bạn. Về quy trình, bạn nuôi thưa hơn ta, chỉ 7 - 8 con tôm/m2, trong khi ta nuôi rất dày khiến chi phí xử lý nước thải sau nuôi tăng lên rất cao. Nuôi dày làm ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng và màu sắc của con tôm. Vì vậy, diện tích nuôi của nước bạn rất nhỏ nhưng sản lượng tôm thương phẩm bằng với diện tích nuôi của chúng ta hiện nay và doanh thu cao hơn tổng doanh thu của ngành tôm chúng ta. Điều này cho thấy khoa học - công nghệ, kỹ thuật đóng vai trò rất lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh”. Tại hội nghị “Quản lý giống tôm nước lợ” được tổ chức ở Bình Thuận vào tháng 8/2016 , nhiều đơn vị cũng lên tiếng về việc người nuôi tôm quá lạm dụng kháng sinh làm sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị cảnh báo ở các thị trường EU, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc… Bên cạnh đó, Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận cũng nhấn mạnh đến tình trạng sử dụng tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí sử dụng tôm bố mẹ lấy từ tôm thịt nuôi dưới ao hoặc nhập lậu từ Trung Quốc. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh, bệnh đốm trắng triền miên trên con tôm.

Bên cạnh đó, còn nhiều phát biểu rất thẳng của lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân trong ngành nuôi và xuất khẩu tôm khu vực phía Nam cũng đặt ra nhiều câu hỏi cho các ngành chức năng: Diện tích đất trồng lúa của nước ta rất lớn và Việt Nam là cường quốc xuất khẩu gạo của thế giới, nhưng hiện nay gạo của Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu nào nổi trội trên thị trường. Dẫn đến thực tế, trong nước sản xuất lúa gạo nhiều, xuất khẩu khối lượng lớn nhưng doanh thu không là bao so với các nước lân cận có thương hiệu lúa gạo. Con tôm, con cá của Việt Nam cũng xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới nhưng hỏi ra mới biết, vẫn đang trong quá trình xây dựng thương hiệu.

Trước những ý kiến ấy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, muốn phát triển ngành nuôi tôm theo hướng bền vững, đảm bảo sinh kế cho người dân thì phải xây dựng thương hiệu tôm dựa trên đặc thù của từng địa phương. Đồng thời, các cơ quan nhà nước cần cung cấp thông tin chính thống đến với người dân, tránh tình trạng mở rộng diện tích ngoài quy hoạch, gây khó khăn cho người nuôi; từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến ngành tôm Việt Nam. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu, kể từ hôm nay Chính phủ, các cấp, các ngành cần phải xử lý nghiêm việc bơm hóa chất, tạp chất vào con tôm để tăng trọng lượng gây ảnh hưởng đến uy tín. Thủ tướng nhấn mạnh: “Đây là tội hình sự rất nặng, đã được quy định trong Bộ luật Hình sự, nên phải bị xử lý nghiêm”. Hy vọng với sự chỉ đạo sát sao ấy, tôm giống Bình Thuận nói riêng và ngành tôm Việt Nam nói chung sớm có được thương hiệu trên thị trường thế giới.

M.V



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải pháp nào cho ngành tôm phát triển bền vững?