Theo dõi trên

Giá heo tăng “chóng mặt”, ai lợi?

20/11/2019, 09:11

BT- Giá heo hơi trong tỉnh liên tục tăng, nhưng thấp hơn so với giá mặt bằng chung của cả nước. Dự báo, heo hơi và thịt heo sẽ tiếp tục tăng không ngừng từ nay cho đến thời điểm Tết Nguyên đán.  

                
   Hộ chăn nuôi heo tại xã Mỹ Thạnh (Hàm    Thuận Nam).

Tăng gần bằng thịt bò

Nếu như trước đây người nuôi heo trong tỉnh muốn xuất chuồng, thì phải điện thoại cho thương lái trước khoảng 1 – 2 tháng, giá dao động 38.000 - 40.000 đồng/kg heo hơi, dáng đẹp, không ú mỡ, trọng lượng đạt chuẩn 1 – 1,2 tạ/con. Còn bây giờ, người nuôi chỉ cần điện thoại buổi sáng, thì thương lái đến chuồng cân heo ngay vào buổi chiều chứ không câu nệ như trước nữa. Thương lái không chê bai dáng heo hay trọng lượng, có bao nhiêu con heo là mua hết, với giá khoảng 62.000 – 65.000 đồng/kg. Như vậy, giá heo hơi tăng hơn 22.000 đồng/kg, tăng tương ứng 38,5% so với cùng kỳ năm 2018. Theo đó, giá heo đen cũng tăng mạnh, khoảng 85.000 – 90.000 đồng/kg heo hơi.

Song, giá heo hơi từ các trại ngoài tỉnh chở đến Bình Thuận liên tục tăng và gần như tăng mỗi ngày 1.000 đồng/kg  khoảng hơn 1,5 tháng trở lại đây. Tại thời đểm này, giá chạm tới ngưỡng 75.000  - 80.000 đồng/kg heo hơi, nhưng lò giết mổ và người bán thịt heo nhỏ lẻ không có heo để mua. Trước đây, mỗi đêm chuyến xe chở heo đến Phan Thiết gần 100 con và nay giảm khoảng 50% số lượng heo, chỉ 40 – 60 con/chuyến xe. Các tiểu thương phải nhảy lên xe để giành giật bằng cách dùng sơn xịt lên heo để đánh dấu số lượng mua được. Đôi khi, vài tiểu thương không mua được con heo nào, xem như hôm sau không có thịt để bán. Giá heo hơi tăng kéo theo giá heo thịt cũng phải tăng tương xứng. Thịt heo sườn cốt lết  150.000 – 170.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 110.000 – 120.000 đồng/kg…  Còn sườn non, thăn heo 180.000 đồng/kg gần bằng giá thịt bò loại 2 (200.000 đồng/kg). Đó là thông tin từ một số thương lái và tiểu thương bán thịt heo tại Phan Thiết.  

Cung không đủ cầu

Anh Nguyễn Thanh Lâu (xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết) chia sẻ: “Nếu heo nhà tôi không bị heo tai xanh, thời điểm này tôi có heo bán giá cao. Sau khi tiêu hủy, vệ sinh chuồng trại theo hướng dẫn của hộinông dân xã, tôi tiếp tục tái đàn thêm vài chục con. Đến tết, mỗi con sẽ đạt trọng lượng khoảng 70 – 90 kg/con; chắc rằng giá sẽ cao hơn thời điểm hiện nay”. Thời gian gần đây, đi cùng bệnh heo tai xanh, tụ huyết trùng, thương hàn, xã Thiện Nghiệp xảy ra ổ bệnh dịch tả heo châu Phi tại thôn Thiện Sơn. Số heo mắc bệnh phải tiêu hủy là 218 con, tương ứng 13.479 kg. Toàn xã hiện có 150 hộ chăn nuôi heo với số lượng 3.000 con, so với những năm trước giảm hơn 50% số hộ nuôi và số đàn. Nhiều người nuôi heo tại xã này, dè dặt chuyện tái đàn bằng cách chuyển đổi sang nuôi gà, vịt, bồ câu, thỏ…

Song, Đức Linh và Tánh Linh là 2 huyện có số trại nuôi heo và số đàn nhiều nhất trong tỉnh. Đến nay, số lượng giảm rất nhiều do tiêu hủy lượng lớn bị bệnh dịch tả heo châu Phi. Nhiều trại lớn chưa thể tái đàn lại. Hơn thế nữa, chi phí chăn nuôi cao cộng với nguy cơ dịch bệnh đang “rình rập”, dẫn đến người nuôi  heo không mặn mà trong chuyện tái đàn. Chỉ còn sót những hộ nhỏ lẻ không bị mắc bệnh và tái đàn theo “gối đầu”. Vì vậy, heo hơi để xẻ thịt tại huyện đều được chuyển từ các tỉnh khác đến, giá trên 70.000 đồng/kg. Tình hình chung, bệnh dịch tả heo châu Phi diễn ra nhiều tỉnh, thành, làm giá heo hơi và thịt heo tăng. Và giá heo tại Bình Thuận không ngoại lệ, nhưng sức tiêu thụ chỉ ở mức bình quân theo kiểu “cầm chừng”. 

Ép giá, bán “lòng vòng”

Từ số liệu trên cho thấy giá heo hơi trong tỉnh liên tục tăng, hiện hơn 65.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá này vẫn còn thấp hơn 10.000 – 15.000 đồng/kg so với giá mặt bằng chung của cả nước. Trong khi đó, giá thịt bán lẻ cao tương ứng với giá  thị trường chung. Vì sao có khoảng cách chênh lệch khá rộng sau 1 lần “sang tay”  và đến tay người tiêu dùng?

Một tiểu thương tại chợ Phú Thủy giải thích, heo trong tỉnh, sau khi giết mổ, lượng thịt ít, khoanh sườn cốt lết nhỏ, nhưng nhiều mỡ ở phần cổ, vai, gáy. Chính vì nhiều mỡ giá heo hơi trong tỉnh, ắt phải thấp hơn giá heo trang trại từ tỉnh khác chở đến mặc dù nguồn heo không đủ cung cấp thị trường. Khá nhiều tiểu thương săn lùng mua heo hơi tại các gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ trong tỉnh về trữ lại chờ đến tết bán, nhưng giá không thể cao ngang bằng giá heo trại được. Phía người nuôi đang “neo” heo lại, không muốn bán trong thời điểm này.

Theo một số hộ chăn nuôi, người nuôi heo trong tỉnh đang bị thương lái ép giá thấp. Số heo này được “sang tay” cho thương lái Đồng Nai để chở đi tỉnh khác bán và một số ít bán cho các tiểu thương, lò giết mổ nhỏ trong tỉnh với giá cao. Lợi nhuận mỗi con không dưới 1 triệu đồng. Cuối cùng, người nuôi luôn bị thiệt thòi.

Với tình hình này, dự báo, heo hơi và thịt heo sẽ tiếp tục tăng nữa trong thời gian đến. Đặc biệt thời điểm gần dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu thịt heo tăng mạnh. Một khi giá heo tăng “chóng mặt”,  không tránh khỏi chuyện gian lận thương mại như neo hàng để tăng giá; giết mổ, vận chuyển, buôn bán heo và các sản phẩm heo không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... Vì vậy, bình ổn giá heo; giám sát, kiểm tra thịt heo đảm bảo an toàn hay không… cần sự tiếp tục vào cuộc của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, UBND xã, phường, thị trấn... vận động người nông dân chăn nuôi an toàn và khuyến cáo không tái đàn tại các điểm đang còn dịch bệnh. Người tiêu dùng chuyển đổi món ăn khác thay thế như gà, vịt, cá, dê…

Trang HiẾu



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá heo tăng “chóng mặt”, ai lợi?