Theo dõi trên

Ghi nhật ký khai thác thủy sản: Có nhưng… đối phó

22/04/2019, 08:32 - Lượt đọc: 222

BT- Ghi nhật ký khai thác thủy sản (KTTS) là quy định bắt buộc trong mỗi chuyến vươn khơi. Tuy nhiên, hiện nay các chủ tàu ít thực hiện, nếu có thì việc ghi nhật ký KTTS cũng theo kiểu đối phó để hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

                
   Cá về cảng Phan Thiết. Ảnh: N.Lân

Sợ… lộ ngư trường

Theo nhiều ngư dân, hầu hết tàu khai thác xa bờ đều thực hiện việc ghi chép nhật ký KTTS. Đây là cơ sở để ngành chức năng xem xét nhằm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Chính phủ, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho ngư dân. Đây cũng giải pháp quan trọng để truy xuất nguồn gốc thủy sản, ngăn chặn tình trạng tàu cá xâm phạm lãnh hải các nước. Tuy nhiên, việc ghi nhật ký như thế nào còn là câu chuyện khác. Ngư dân Nguyễn Thanh (phường Phú Hài) thừa nhận: “Trên biển, các tàu cá phải tận dụng thời gian để buông từng mẻ lưới. Chính vì thế, ngư dân khó có thể ghi chép cụ thể từng nội dung quy định trong nhật ký KTTS. Đặc biệt, các thông tin như khai báo về tọa độ, sản lượng, các loại sản phẩm khai thác… ít tàu cá nào thực hiện vì dễ bị lộ ngư trường, luồng cá và doanh thu…”.

Ngoài tâm lý giấu ngư trường, sợ lộ vị trí đánh bắt, trình độ của nhiều ngư dân và thuyền trưởng còn hạn chế, nên việc vận hành thiết bị còn gặp khó khăn. Thực tế, trước khi ra khơi, cơ quan chức năng có trách nhiệm quản lý, cấp giấy đăng ký, sổ danh bạ thuyền viên, đăng kiểm, nghề khai thác... Thế nhưng, chủ tàu thuyền đi ngư trường nào, đánh bắt loại thủy sản gì, bán ở đâu, cho ai thì không thể kiểm soát hết được. Bên cạnh đó, các cơ sở thu mua thủy sản cũng mua từ nhiều tàu khác nhau, nên không thể biết hết nguồn gốc hàng hóa. Nếu ngư dân không chủ động ghi nhật ký, việc doanh nghiệp đi từng tàu để xác nhận nguồn gốc thủy sản đánh bắt, nhằm đáp ứng quy định của các thị trường nhập khẩu sẽ gặp rất nhiều khó khăn. 

Phải gắn thiết bị giám sát hành trình

Năm 2018, Bình Thuận có hơn 6.700 tàu thuyền, trong đó có hơn 3.200 tàu cá có công suất 90CV trở lên. Sản phẩm khai thác được quản lý, xác nhận tại ba cảng cá: Cảng cá Phan Thiết, cảng cá Phan Rí Cửa và cảng cá La Gi. Theo ngành chức năng của tỉnh, tất cả các ngư dân KTTS xa bờ đều được phát mẫu và hướng dẫn cách ghi chép nhật ký mỗi chuyến biển, nhưng phần lớn ngư dân chỉ ghi chép 4 chuyến biển để làm cơ sở đề nghị hỗ trợ chính sách phát triển thủy sản theo Quyết định 48 của Chính phủ. Các chuyến biển khác, ngư dân không ghi nhật ký hoặc có nhưng không cụ thể, không báo cáo, nên việc kiểm soát hoạt động KTTS của ngư dân trên biển và truy xuất nguồn gốc sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Một số công ty chuyên xuất khẩu thủy sản trong tỉnh cho biết: Năm 2018, hàng xuất khẩu sang thị trường EU giảm từ 30 - 50% vì nguyên liệu được xác nhận nguồn gốc rất ít, do ngư dân không ghi chép đầy đủ nhật ký đánh bắt.

Để chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc, thời gian qua Chi cục Thủy sản đã tổ chức tập huấn cho hàng nghìn chủ tàu, thuyền trưởng về thực hiện báo cáo, ghi nhật ký từng chuyến biển, sử dụng các thiết bị giám sát hành trình, định vị, máy tầm ngư, vô tuyến điện… Đặc biệt, chi cục đã tuyên truyền nhiều về Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Theo luật mới, đối với những tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên phải có thiết bị giám sát hành trình mới được cấp giấy phép KTTS. Và thuyền trưởng phải bảo đảm thiết bị giám sát hành trình tàu cá hoạt động liên tục 24/24h từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng.

Hi vọng với những quy định mới, những chế tài mới thì việc giám sát tàu thuyền trên biển cũng như nâng cao nhận thức của ngư dân trong việc ghi nhật ký KTTS sẽ cải thiện trong thời gian tới. Đây cũng là một trong những giải pháp cấp bách nhằm khắc phục cảnh báo của Liên minh châu Âu (EU) về KTTS bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Minh Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ghi nhật ký khai thác thủy sản: Có nhưng… đối phó