Theo dõi trên

Gắn thiết bị ngăn chặn tàu cá vi phạm lãnh hải

21/09/2020, 07:49

Hơn một năm qua, địa phương không có tàu cá nào vi phạm lãnh hải nước ngoài nhờ triển khai hệ thống giám sát hành trình trên biển (VMS).

Trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá Bình Thuận được đặt tại Chi cục Thủy sản trên đường Thủ Khoa Huân, TP Phan Thiết do tổ giám sát 7 người phụ trách. Hàng ngày có hai cán bộ túc trực 24/24 để giám sát các tàu cá công suất lớn của tỉnh đang hoạt động trên biển Đông.

Ông Hồ Văn Kim đang đề nghị một tàu cá đánh bắt gần ranh giới chú ý không vi phạm pháp luật, ngày 11/9 . Ảnh: Việt Quốc.

Chiều 11/9, ông Hồ Văn Kim và ông Trần Bình Trọng trực ca, liên tục quan sát trên phần mềm quản lý vị trí các tàu cá đang di chuyển thông qua tín hiệu dữ liệu hiện trên màn hình. Ông Kim thi thoảng nhấp chuột vào những chấm đỏ nằm gần ranh giới phân định vùng biển Việt Nam.

Trên màn hình hiện lên số hiệu tàu, tên chủ tàu đang đánh bắt gần ranh giới, chỉ còn khoảng vài trăm mét nữa sẽ vượt qua. Ông Kim nhấc máy tầm xa cảnh báo phòng khi họ mải mê đi theo luồng cá. "Họ chưa vi phạm nhưng chúng tôi nhắc nhở trước, ngăn chặn ngay từ đầu", ông Kim cho biết.

Từ khi triển khai đến nay, hệ thống giám sát này đã phát hiện 12 tàu cá vượt ranh giới. Ngay khi phát hiện, thông qua điện thoại vệ tinh hoặc hệ thống liên lạc tầm xa, tổ giám sát liên hệ với thuyền trưởng tàu cá, yêu cầu phải quay trở về lãnh hải Việt Nam. Dữ liệu các tàu vượt ranh giới đều bị chụp lại làm bằng chứng.

Nếu không liên lạc được qua điện thoại vệ tinh hoặc di động, tổ giám sát sẽ báo tin về tổng đài gia đình (đặt tại nhà riêng của chủ tàu). Người nhà có trách nhiệm thông báo cho thuyền trưởng qua kênh liên lạc nội bộ của gia đình. "Nếu nhắc nhở mà cố tình vi phạm, chủ tàu cá có thể bị xử phạt đến 400 triệu đồng và không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi đánh bắt ở vùng biển xa", ông Trần Bình Trọng, thành viên tổ giám sát cho biết.

Thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên một tàu cá ở tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Đức Huynh.

Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho hay, từ tháng 4/2019, ngành thủy sản địa phương bắt đầu triển khai quy định bắt buộc tàu cá 15 m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS). Đến nay toàn tỉnh đã có hơn 1.700 tàu lắp đặt thiết bị VMS, đạt hơn 90%. Còn khoảng 200 tàu làm ăn thua lỗ, đang nằm bờ chưa lắp đặt.

Theo ông Huy, ngư dân địa phương đã tự mua sắm thiết bị (khoảng 15-18 triệu đồng) gắn lên tàu, sau đó họ thông báo với cơ quan đăng kiểm để thẩm định. Sau khi tiến hành kết nối với Trung tâm Giám sát dữ liệu tàu cá của tỉnh, hành trình di chuyển của tàu cá sẽ được kiểm soát 24/24.

Ngoài trung tâm đặt tại Chi cục Thủy sản, tất cả trạm Biên phòng và văn phòng đại diện nghề cá ở các cảng cá đều có thể xem dữ liệu thông qua phần mềm chia sẻ trên máy tính hoặc điện thoại di động để kịp thời phối hợp, ngăn chặn. Tổng kinh phí tỉnh Bình Thuận đầu tư hạ tầng, thiết bị cho trung tâm và các trạm khoảng 400 triệu đồng.

Tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân đảo Phú Quý (Bình Thuận) năm 2019. Ảnh: Việt Quốc.

Trước đó, Bình Thuận là địa phương có nhiều tàu cá vi phạm lãnh hải, bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Theo thống kê của UBND tỉnh, năm 2017 có 8 tàu với 84 ngư dân. Năm 2018 có 9 tàu với 63 ngư dân. Năm 2019 có 6 tàu với 40 ngư dân. Các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan, đã bỏ tù thuyền trưởng và tịch thu hầu hết phương tiện vi phạm.

Nhưng nhờ biện pháp quản lý này, hơn một năm qua (7/2019 đến 9/2020), không có bất kỳ tàu cá nào của Bình Thuận vi phạm lãnh hải nước ngoài, góp phần đảm bảo quy định về Phòng chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) .

"Kết quả bước đầu là vậy, nhưng nguy cơ vi phạm lãnh hải nước ngoài vẫn tiềm ẩn, chúng tôi đang tiếp tục củng cố, vận hành tốt hơn nữa trung tâm giám sát này", Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận nói và cho biết, hệ thống này còn hỗ trợ cứu nạn ngư dân khi họ gặp sự cố trên biển.

Hiện nay, 28 tình thành ven biển đã triển khai VMS, trung bình cả nước đạt 60-67%, riêng Bình Thuận đi đầu với tỷ lệ cao nhất.

Trước đây, gần như ngành thủy sản Bình Thuận không thể kiểm soát vị trí tàu cá di chuyển trên biển. Chỉ khi có tin báo cơ sở hoặc chủ tàu tự khai báo lúc bị phát hiện vi phạm, cơ quan chứng năng mới nắm được thông tin.

Việt Quốc/Vnexpress



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gắn thiết bị ngăn chặn tàu cá vi phạm lãnh hải