Theo dõi trên

Đức Linh căng thẳng dập dịch tả lợn châu Phi

18/07/2019, 08:40 - Lượt đọc: 78

BT- Dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh khiến cả huyện Đức Linh rất vất vả với việc bao vây, khống chế và ngăn chặn. 

                
   Tăng cường kiểm dịch các phương tiện ra    vào huyện.

Lây lan nhanh

Vừa tiêu hủy xong đàn lợn 38 con, nặng hơn 2 tấn của hộ bà Trần Thị Thanh Thúy ở thôn 9, xã Đức Tín vào ngày 4/7 cũng trong ngày lực lượng thú y huyện Đức Linh lại nhận tin thêm 6 hộ nuôi từ 1, 2 con cho đến đàn lợn có 54 con ở cùng thôn cần tiêu hủy. Riêng trong ngày 8/7 có đến hơn 20 hộ có lợn bệnh chết số lượng nhỏ lẻ gây khó khăn cho công tác dập dịch. So với các địa phương khác, dịch tả lợn châu Phi tại huyện Đức Linh diễn biến phức tạp hơn, tốc độ lây lan nhanh trên đàn lợn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tính đến ngày 12/7, số lợn mắc bệnh và tiêu hủy lên đến 4.146 con chiếm phần lớn số lợn toàn tỉnh đã tiêu hủy (4.715 con). Khiêng con lợn nái nặng hơn 200 kg lên xe đưa đi tiêu hủy xong, một cán bộ thú y xã Đức Tín, gạt mồ hôi vừa thở vừa nói: Cả tháng nay chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên với mấy con lợn, nhất là phải tổ chức tiêu hủy lợn chết trong điều kiện mưa lớn kéo dài nhiều ngày. Tại nhà bà Nguyễn Thị Kim Chi ở thôn 8, xã Mê Pu – (xã vừa mới công bố dịch tả lợn ngày 4/7), trong ô chuồng nhốt riêng, 2 con lợn nái đã chết, thân mình xuất huyết, còn lại 13 con lợn thịt, 3 con lợn con ở các ô chuồng khác vẫn còn sống nhưng chuẩn bị đem đi tiêu hủy toàn bộ. “Biết bệnh dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm, nên mấy hôm nay tôi thường xuyên phun thuốc sát trùng chuồng trại, đầu tư chăm sóc lợn chu đáo. Mới hôm qua đàn lợn khỏe mạnh nhưng bỗng dưng sáng nay lợn nái chết”, bà Chi thất vọng nói.  

Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ muốn buông xuôi

Để khống chế dập dịch, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm huyện Đức Linh đã tăng cường các chốt chặn, công tác phòng chống, khống chế dịch tại các xã, thị trấn hàng ngày. Toàn huyện đã lập 2 chốt chặn cấp huyện và 17 chốt chặn cấp xã. Ông Huỳnh Văn Tú – Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Linh cho biết: “Khó khăn của địa phương do các phương tiện vận chuyển lợn ra, vào huyện nhiều. Việc giao lưu đi lại và trao đổi hàng hóa của người dân giữa các vùng dịch trong và ngoài huyện rất lớn, khó kiểm soát triệt để mầm bệnh. Chưa kể thời tiết mưa lớn, kéo dài nhiều ngày là điều kiện thuận lợi để dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng”. Theo sát công tác chống dịch, Phó Chủ tịch UBND huyện thường xuyên kiểm tra các xã, thị trấn thực hiện việc xử lý vệ sinh tiêu độc khử trùng chặt chẽ các phương tiện lưu thông qua lại trên địa bàn tại các chốt chặn. Đặc biệt, tại các điểm kinh doanh mua bán giết mổ lợn, sản phẩm từ thịt lợn; các chợ, điểm chợ, các tuyến đường ra vào ổ dịch, vùng dịch và môi trường xung quanh ổ dịch theo đúng quy trình phòng chống dịch mỗi lần/ngày.

Mặc dù công tác tuyên truyền đến các hộ dân cũng được tăng cường và thường xuyên. Các cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên tại các xã, thị trấn được phân công xuống cơ sở kiểm tra, giám sát việc thực hiện biện pháp phòng chống tại các hộ chăn nuôi nhưng dịch vẫn lây lan nhanh tại Đức Linh. Các hộ chăn nuôi có tổng đàn từ 40 con trở lên chấp hành tốt mua lưới về che chắn chuồng trại cũng như tiêu độc khử trùng bảo vệ đàn lợn. Đáng lo nhất những hộ chăn nuôi lẻ tẻ có tâm lý buông bỏ. Trong tổng số hộ có dịch, hộ có lợn chết lẻ tẻ từ 1 – 3 con chiếm khá nhiều, số lượng lợn ít nên người nuôi vẫn chưa quan tâm thực hiện theo quy định, đây là mối nguy có thể lây lan mầm bệnh nhanh nhất. Trong khi đó địa bàn các xã, thị trấn có mật độ dân số lớn và dân cư sống tập trung liền kề nhau. Có thể thấy rằng việc chi tiền hỗ trợ người chăn nuôi theo mức giá tối ưu (tương ứng giá thị trường) là giải pháp để khuyến khích người nuôi thông báo về bệnh dịch, không tìm cách bán lợn bệnh hoặc vứt xác bừa bãi ra môi trường. Thực tế, nhiều người chăn nuôi chưa hiểu đúng, không làm đúng các nguyên tắc chống lây lan. Công tác tuyên truyền phải gắn xóa bỏ tâm lý lơ là phòng dịch ở các hộ chăn nuôi lẻ tẻ này. Phòng dịch mới là điều quan trọng, mỗi hộ chăn nuôi nên ý thức dù số lượng ít hay nhiều bảo vệ đàn lợn gia đình không mắc bệnh là cách “tự cứu mình” và nguồn sinh kế lâu dài này.

    
    Chỉ   sau 1 tháng từ khi xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại hộ ông   Lý Văn Hương, thôn 1 – xã Đức Chính với tổng đàn 793 con vào ngày 7/6,   đến ngày 12/7 dịch tả lợn đã xảy ra tại 7 xã, thị trấn toàn huyện gồm xã   Đức Chính, thị trấn Đức tài, xã Đông Hà, xã Đức Tín, thị trấn Võ Xu, xã   Mê Pu và xã Nam Chính.

Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đức Linh căng thẳng dập dịch tả lợn châu Phi