Theo dõi trên

Đưa hàng tết ra Phú Quý

21/01/2019, 09:08 - Lượt đọc: 47

BT- Những ngày này, tại bến cảng vận tải Phan Thiết đang rất sôi động bởi không khí tấp nập, khẩn trương của những chuyến tàu chở hàng hóa tết ra đảo Phú Quý.

                
Vận chuyển bia ra đảo Phú Quý.

 Ông Đinh Viết Cường – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cảng Thương Chánh, cho biết: Thời điểm này lượng hàng từ đất liền ra đảo cũng nhỉnh hơn ngày thường. Điều đáng mừng là thời điểm cận tết năm nay không xảy ra tình trạng ùn ứ hành khách và hàng hóa. Hiện nay, tại Cảng Thương Chánh có 7 tàu đang liên tục di chuyển để đưa hàng tết ra đảo, trong đó có 3 tàu chở hàng và 4 tàu khách. 3 tàu chở hàng vận chuyển trung bình từ 50 -70 tấn hàng/ngày, gồm Bình Thuận 16, Quê Hương 02, Phú Quý 07 và 4 tàu khách còn lại vận chuyển thêm từ 20 – 30 tấn hàng/ngày, chủ yếu hàng tươi sống. Ông Cường so sánh, nếu như trước đây chỉ có mỗi tàu Hưng Phát vừa vận chuyển hành khách vừa vận chuyển hàng hóa, nên lượng hàng khan hiếm, đến thời điểm cận tết giá cả tăng đột biến thì giờ đây khả năng hiếm hàng không thể xảy ra. Đặc biệt, với hàng gia súc, gia cầm, lúc trước chỉ có 1 tàu hàng từ 3 - 4 ngày mới xuất bến một lần, nên giá cả heo, bò, vịt thường tăng cao trong dịp tết thì giờ đây tình trạng này không còn. Năm nay, các mặt hàng đưa ra đảo chủ yếu là lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trên đảo đón Tết Nguyên đán, từ nếp gói bánh, lá chuối, bò, heo đến rượu, bia, nước ngọt, mì gói, bánh kẹo, quần áo may sẵn cùng các mặt hàng điện dân dụng. Chính vì vậy, đến thời điểm này, lượng hàng cung ứng cho nhân dân trên đảo trong dịp tết đã khá đầy đủ. Năm nay, ở huyện đảo đã có nhiều các đại lý phân phối hàng hóa, nên nguồn hàng dự trữ luôn ở mức cao. Thêm vào đó, vì là đại lý phân phối chính thức nên giá cả của các mặt hàng ở đảo ngang với giá đất liền.

Thông thường vào mùa gió Đông Bắc, việc vận chuyển hàng hóa, người dân từ đất liền ra đảo Phú Quý gặp nhiều khó khăn, nhất là thời điểm giáp Tết Nguyên đán. Vì vậy, UBND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị liên quan phải chủ động phối hợp với Sở Công thương để xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo kế hoạch, nhằm đảm bảo cung ứng kịp thời cho người dân. Đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân phải tự chủ động dự trữ từ 10 - 15 ngày. Được biết, toàn huyện đảo Phú Quý hiện có hơn 28.000 người và khoảng 700 hộ kinh doanh, trong đó có 150 hộ kinh doanh bách hóa tổng hợp. Như vậy, mức dự trữ trong 1 tháng sẽ tương đương 150 tấn gạo, 3 tấn đường, 2.000 lít dầu ăn, khoảng 1.500 - 1.700 thùng mì tôm.

“Để tăng cường công tác phối hợp kiểm tra chất cấm, chất nổ, công ty đã thành lập 4 bộ phận, gồm kinh doanh, kiểm đếm, kho và điều độ. Theo đó, tất cả các loại hàng hóa trước khi được vận chuyển lên tàu chở hàng sẽ được đưa vào kho hàng. Tại đây, sẽ có nhân viên của công ty kiểm đếm chặt chẽ. Nếu phát hiện dấu hiệu nghi ngờ có chất cấm, chất dễ cháy nổ nhân viên sẽ lập tức báo cáo với cơ quan chức năng để giải quyết” – ông Cường cho biết thêm.                                 

KIM ANH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đưa hàng tết ra Phú Quý