Theo dõi trên

Dự án du lịch Thung Lũng Đại Dương chậm triển khai, do đâu?

19/06/2019, 09:21 - Lượt đọc: 2,376

BT- Nếu tính từ khi UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư (năm 2008) và ra quyết định thu hồi đất của các hộ dân (tháng 2/2010) thì Dự án Tổ hợp Khu du lịch Thung Lũng Đại Dương của Delta - Valley ở xã Tiến Thành (TP. Phan Thiết) đã triển khai cho đến nay gần 10 năm. Thế nhưng, dự án vẫn đang đối mặt với nhiều vướng mắc, chủ yếu là khâu thỏa thuận trong thu hồi đất.

                
   Hộ ông Nguyễn Văn Tư ngăn cản việc cưỡng    chế.

Dự án Tổ hợp Khu du lịch Thung Lũng Đại Dương (Dự án Thung Lũng Đại Dương) do Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp này là liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước (Công ty cổ phần đầu tư Châu Thổ) với nhà đầu tư nước ngoài (Yoakside Trading Limited - Ucraina). Theo thiết kế, dự án được triển khai xây dựng trên diện tích gần 1.000 ha có các hạng mục chính gồm khu quảng trường, khu bất động sản, khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, sân golf, spa, khu dịch vụ phụ trợ, khu hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời, công trình công cộng, cây xanh, đường giao thông, bãi đỗ xe…Dự án được xem là lớn nhất tỉnh vào thời điểm 2008. 

Trở ngại trong đền bù

Trong tổng thể diện tích gần 1.000 ha cấp cho Delta-Valley thực hiện dự án Thunglũng Đại Dương thì có nhiều diện tích đất của hơn 10 hộ dân buộc phải thu hồi. Phần lớn số hộ chấp hành giá đền bù, nhưng số khác không chấp nhận. Đơn cử, hộ bà Lê Thị Sửu, Đinh Thị Hoài Phương và đặc biệt hộ bị cưỡng chế gần đây nhất là hộ ông Nguyễn Văn Tư đều cùng thôn Tiến Hòa, xã Tiến Thành. Gia đình ông Tư không chấp nhận giá hỗ trợ, vì cho rằng đất nhà ông có diện tích 52.780m2 khai hoang trồng hoa màu từ những năm 1990, đến năm 1996 trồng keo lá tràm, bạch đàn ổn định từ đó cho đến nay... Thành phố thu hồi làm dự án thì phải đền bù theo đúng quy định chứ không phải hỗ trợ. Trong khi, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư TP. Phan Thiết thẩm định xét tính pháp lý nguồn gốc sử dụng đất thì diện tích đất hộ ông Tư chỉ có 43.053,8 m2. Sở dĩ như vậy là do có sự chồng lấn với các hộ xung quanh và đất đồi do nhà nước quản lý. Toàn bộ diện tích đất thuộc diện Chương trình 773/TTg nhận khoán trồng rừng do nhà nước quản lý (ông Tư có đơn xin nhận giao khoán trồng rừng và ký hợp đồng giao khoán với Chi cụcdi dân theo Chương trình 773 năm 1996) nên chỉ tính giá hỗ trợ không áp dụng giá đền bù.

Cho đến nay, gia đình ông Tư không chấp nhận tất cả các văn bản giải quyết của TP. Phan Thiết vì cho rằng không đúng và ông cũng cho biết, ông không ký vào bất cứ hợp đồng nào liên quan đến chương trình 773, ai ký thì người đó chịu... Mới đây, UBND TP. Phan Thiết tổ chức cưỡng chế để lấy đất giao cho dự án Thung Lũng Đại Dương, gia đình ông Tư ngăn cản, yêu cầu UBND thành phố giải quyết theo đúng quy định thì gia đình mới giao đất. 

Cần vào cuộc đồng bộ để khai thông dự án

Công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư được xem là khâu quan trọng để triển khai thành công dự án. Đây cũng là vấn đề mà chủ đầu tư không thể đơn phương giải quyết, nếu không có sự vào cuộc của các cấp nhằm tháo gỡ những khó khăn, cũng như cần có chính sách hợp lý tạo điều kiện cho các hộ dân trong vùng dự án có cuộc sống tốt hơn, nhằm nhanh chóng bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, cũng cần kiên quyết với một số người đầu cơ, lạm dụng những chính sách của tỉnh, đưa ra những yêu cầu bất hợp lý, nhằm cản trở chủ trương kêu gọi đầu tư vào các dự án của tỉnh.

Trao đổi việc người dân không đồng tình với cách giải quyết thu hồi đất, ông Phạm Thanh Thái - Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường TP.Phan Thiết cho biết: Dự án này thuộc diệnnhà nước phải thu hồi đất, cho nên mọi thủ tục trình tự UBND TP. Phan Thiết đều thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Khi triển khai làm công tác đền bù giải tỏa, chúng tôi cũng rất cẩn thận nhằm tránh thiệt thòi cho dân. Các tài liệu, văn bản chứng minh trước đây là ông Nguyễn Văn Tư ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng theo Chương trình 773 đã rõ ràng, chúng tôi không thể làm khác quy định. Việc ông không chấp nhận chữ ký thì ông có quyền đi trưng cầu, giám định chữ ký hoặc khởi kiện ra tòa. Thực tế việc cưỡng chế là việc không ai muốn vì đã trả lời, đối thoại nhiều lần nhưng người dân không chấp nhận. 

Trong tương lai, Tiến Thành là khu đô thị du lịch hiện đại, là điểm nhấn khi mở rộng thành phố Phan Thiết về phía Đông Nam. Hiện vùng đất này có cảnh quan thiên nhiên đẹp, nếu không quy hoạch cẩn thận sẽ làm vỡ cảnh quan. Đông đảo cán bộ, nhân dân trong tỉnh đang kỳ vọng tổ hợp Khu du lịch Thung lũng Đại Dương sẽ không làm mất cảnh quan tự nhiên. Vì vậy, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành để giải quyết vướng mắc, khó khăn cho dự án là rất cần thiết.

Lê Ninh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Triển khai đồng bộ, hiệu quả chính sách cải cách tiền lương
Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 27, Chương trình hành động số 51, việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung liên quan đến cải cách chính sách tiền lương được đẩy mạnh, tạo được sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự án du lịch Thung Lũng Đại Dương chậm triển khai, do đâu?