Theo dõi trên

Đông Giang  xanh

15/10/2021, 08:40

BT- Sau mấy tháng giãn cách xã hội vì dịch bệnh, trở lại Đông Giang lần này, tôi cảm nhận được một xã vùng cao khác hơn, một bức tranh tổng thể “xanh” hơn, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, ít nhất là trong thời điểm này.

Sức sống mới

Tôi có chuyến công tác lên vùng cao Hàm Thuận Bắc vào trung tuần tháng 10. Đang là cao điểm mùa mưa, nên những ngày này, các xã vùng hạ du vừa trải qua những cơn mưa lớn, nước ngập ruộng vườn. Đây cũng là lúc tình hình dịch Covid-19 ở TP. Phan Thiết và các vùng lân cận đang diễn biến phức tạp, liên tục có ca nhiễm cộng đồng.

Từ TP. Phan Thiết, chỉ mất hơn 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã đặt chân đến vùng cao Đông Giang. Thời gian được rút ngắn, bởi tuyến đường liên tỉnh này đã được hoàn thiện, không ổ voi, ổ gà gập ghềnh như trước. Dọc tuyến đường ngoằn ngoèo ấy, càng lên cao, tôi càng cảm nhận được không gian xanh mát bởi cây rừng tươi tốt mùa mưa. Những cánh đồng bắp nằm thoai thoải, trải đều trên đồi núi đang vào giai đoạn trổ cờ, kết trái, rung rinh trước gió. Ở vùng núi cao này, những cơn mưa rừng không làm ngập úng được cây cối, mà chỉ đọng lại trên lá những giọt sương sáng mai tinh khiết.

Một góc xã Đông Giang

Dù trong bối cảnh dịch Covid-19, nhưng lâu nay cuộc sống của đồng bào nơi đây vẫn… bình thường mới, không có ca nhiễm cộng đồng. Các hoạt động buôn bán lương thực, thực phẩm nhỏ lẻ, cửa hàng tạp hóa trải đều khắp các thôn, phục vụ nhu cầu của bà con… Lời của ông Nguyễn Văn Hổ, một người dân sống gần 20 năm tại xã Đông Giang cho biết, bà con ở đây ít di dân, vì dù không mấy dư dả, nhưng cuộc sống ổn định, nhờ khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Đời sống kinh tế chủ yếu nhờ sản xuất nông nghiệp, nghề rừng và thu hoạch lâm sản phụ như măng, nấm… 

Thuận buồm…

 Đầu giờ làm việc buổi sáng, khi sương còn giăng trên lá, tôi có mặt tại cánh đồng bắp của đồng bào. Mấy anh nông dân tỏ ra e dè khi thấy người nơi khác đến, vì lo ngại dịch Covid-19. Và rồi họ chợt giật mình, khi biết nhóm chúng tôi mới từ Phan Thiết lên. Chỉ đến khi tôi khẳng định đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và xét nghiệm nhanh âm tính trước khi đi, họ mới thả lỏng người, tiếp chuyện.

Hôm ấy nông dân trong xã đang tham dự một cuộc hội thảo đầu bờ về cây bắp. Để phòng dịch, từng nhóm 5 người đeo khẩu trang kín mít, tìm hiểu mô hình theo hướng dẫn rồi nhường chỗ cho tốp khác. Anh K Văn Vền - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Giang đang xắn ống quần, đứng bên ruộng trao đổi với nông dân về chuyện sản xuất nông nghiệp. Cầm trên tay trái bắp dày kín hạt, anh Vền và anh K Văn Thảo (chủ ruộng bắp) tỏ ra hài lòng, khi vụ bắp năm nay thắng lợi, ít bị sâu keo mùa thu phá hại như 2 năm trước.

Anh Vền vui mừng chia sẻ ngay: “Từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế, xã hội của vùng cao Đông Giang vẫn tiếp tục phát triển ổn định, một số kết quả đạt cao hơn so cùng kỳ năm trước…”. Tôi hơi ngạc nhiên về điều này, bởi trong khi cả nước, cả tỉnh đang hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, khiến hoạt động kinh tế bị sụt giảm, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn thì đồng bào vùng cao ở đây vẫn có cuộc sống tương đối ổn định, ấm no.

Anh K Văn Vền tiếp lời: Nổi bật nhất của xã trong năm nay là thời tiết, sản xuất nông nghiệp cơ bản thuận lợi, diện tích cây lúa xuống giống và chuyển đổi cây trồng ngắn ngày trên đất lúa vụ đông xuân đạt kế hoạch… Các loại cây trồng chính của bà con là cây điều khoảng 700 ha, vừa cho thu hoạch đạt sản lượng 310 tấn, năng suất bình quân ước đạt 4 tạ, giá thu mua từ 27.000 - 30.000 đồng/kg. Ngoài ra, nhân dân tổ chức phát dọn nương rẫy, làm đất để sản xuất vụ mùa 2021. Tính đến nay, xã đã xuống giống đồng loạt được gần 700 ha các loại cây trồng ngắn ngày, gồm đậu gần 80 ha, bắp 460 ha, lúa 120 ha, mì hơn 8 ha…

Phó Chủ tịch UBND xã Đông Giang K Văn Vền (trái) trao đổi với nông dân

Chỉ tay về cánh đồng bắp đang mơn mởn, trĩu trái, anh Vền nói với tôi: Bắp là một trong những cây trồng chủ lực của xã. Nếu như trong 2 năm qua luôn bị sụt giảm sản lượng do bệnh sâu keo mùa thu gây hại, khiến nhiều hộ dân giảm diện tích, thì năm nay ít sâu bệnh. Lý do, hầu hết diện tích bắp của bà con đều sử dụng giống bắp kháng sâu, cộng thêm thời tiết thuận lợi nên được mùa, được giá.

Tôi chợt nghĩ về các vùng sản xuất nông nghiệp khác của tỉnh, mấy tháng qua dịch bệnh hoành hành khiến nông sản rớt giá, bí đầu ra, khiến bà con lao đao. Vậy mà ở vùng cao này, bà con lại khẳng định chắc nịch: “Năm nay sản xuất nông nghiệp của chúng tôi vừa được mùa, được giá”.

Ông K Văn Xí - cán bộ nông nghiệp xã Đông Giang đứng cạnh bên giải thích thêm: Nếu năm ngoái, năng suất bắp chỉ đạt từ 5 -7 tấn/ha thì năm nay dự kiến khoảng 8 tấn/ha. Giá bắp cũng tăng từ 3.400 đồng/kg lên 4.500 - 4.600 đồng/kg. Ở xã Đông Giang, hầu hết các hộ dân đều đăng ký đầu tư ứng trước với Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh, nên được bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra. Với điều kiện sản xuất nhờ nước trời, nên bà con sản xuất cây ngắn ngày 3 tháng/vụ. Sau vụ bắp này, nông dân sẽ chuyển qua trồng đậu đến Tết Nguyên đán thu hoạch. Riêng diện tích trồng lúa 2 vụ/ năm, chủ yếu để ăn trong gia đình. Ngoài ra, diện tích cây cao su khai thác cũng được bán cho Trung tâm Dịch vụ miền núi, giá cả ổn định.

Cán bộ nông nghiệp xã Đông Giang chia sẻ thêm: Không riêng trồng trọt, người dân trong xã còn tập trung chăn nuôi, với tổng số đàn gia súc, gia cầm khoảng trên 2.000 con, đạt 103,5% kế hoạch năm. Trong đó, đàn bò chiếm đa số với hơn 1.600 con. Cứ bình quân mỗi hộ sẽ có 2 con bò, được nuôi bằng các phụ phẩm từ bắp, đậu của gia đình.  Ngay từ đầu năm, UBND xã đã tổ chức bàn giao 16 con bò sinh sản cho 16 hộ nghèo, cận nghèo từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2020 với tổng kinh phí hỗ trợ là 250 triệu đồng.

Dọc tuyến đường đất vào sâu trong tận thôn, xóm của xã, tôi nhìn thấy những đứa trẻ vùng đồng bào đang vui đùa trước ngõ. Cách đó không xa, dưới ánh nắng lấp lánh vùng cao, người mẹ già cẩn thận phơi từng miếng măng khô cho con cháu ăn tết. Tôi cảm nhận được sự bình yên đến lạ!

Dẫu biết, không riêng gì xã Đông Giang, mà nhiều xã vùng cao khác trong tỉnh, điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn so với miền xuôi. Nhưng chuyến đi lần này, tôi nhận thấy một sức sống mới, sự đổi thay ở vùng cao Hàm Thuận Bắc. Trước khi chia tay anh Vền và người dân địa phương, chúng tôi còn nghe lãnh đạo xã giới thiệu thêm chuyện xây dựng nông thôn mới, các giải pháp chống bỏ học ở các cấp học, chăm sóc sức khỏe nhân dân và ổn định an ninh trật tự tại địa phương... Và điều đáng phấn khởi hơn, ở vùng cao này, đã có sự hình thành của mô hình nông nghiệp công nghệ cao mang lại hiệu quả hơn mong đợi. Đông Giang trong mắt tôi như một bức tranh xanh nhiều hy vọng!

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đông Giang  xanh