Theo dõi trên

Doanh nghiệp khoa học và công nghệ: Còn “khiêm tốn”

18/10/2021, 08:16

BT- Theo Sở khoa học & công nghệ (KH&CN), đến nay trên địa bàn tỉnh chỉ mới có Công ty TNHH Thanh long Bình Thuận được sở cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN với 2 sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN. Trước đó, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận thành lập quỹ phát triển KH&CN, hỗ trợ nghiên cứu phát triển sản xuất kinh doanh. Đây là con số quá khiêm tốn ở lĩnh vực này chưa mấy khuyến khích phát triển thế mạnh của các doanh nghiệp…

Khuyến khích đơn vị chế biến sản phẩm lợi thế hình thành doanh nghiệp KH&CN.

Liên quan vấn đề này, mới đây Sở KH&CN đã tổ chức hội thảo trực tuyến Giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp KH&CN quy tụ đông đảo đại diện doanh nghiệp trong tỉnh tham gia. Ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh cho hay, hiện cả nước mới có 538 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, trên tổng số hơn 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp lĩnh vực này. Khoảng 7% doanh nghiệp KH&CN có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; hơn 90% doanh nghiệp còn lại tự đầu tư nghiên cứu hoặc nhận chuyển giao KH&CN bằng nguồn vốn của chính doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp KH&CN được xem lực lượng sản xuất chủ lực, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Ở tỉnh ta nhiều năm nay, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm hàng hóa, nhất là những mặt hàng có lợi thế như cao su, thanh long, mủ trôm... Thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tăng cường tổ chức các hội thảo, tọa đàm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính sách mới của Nhà nước; tham gia các chương trình, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cao, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh để tăng dần doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này.

Trước đó, sở chức năng này đã triển khai Thông tư số 03/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp KH&CN, quy định tại Nghị định số 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ cho nhiều doanh nghiệp trong tỉnh tham khảo. Cùng đó, Quyết định số 118/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030. Trong đó Chính phủ, các địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị kinh tế cao; thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn kinh tế, xã hội khó khăn. Mục tiêu đến năm 2025, số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm (tăng 20% đến năm 2030). 100% các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm trực tiếp tham gia Chương trình hình thành các tổ chức nghiên cứu và phát triển. Có từ 3 đến 5 ngành sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm làm chủ hoặc tạo ra được công nghệ tiên tiến trong chuỗi giá trị để sản xuất ra các sản phẩm có giá trị gia tăng, tính cạnh tranh cao trên thị trường… Kinh phí thực hiện chương trình trên từ các nguồn: chi đầu tư phát triển của ngân sách nhà nước, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, vốn của các tổ chức, doanh nghiệp…

Còn trong khuôn khổ hội thảo liên quan, TS. Ngô Đắc Thuần, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần IPGROUP đã chia sẻ với các đại biểu doanh nghiệp về phương pháp, kinh nghiệm xây dựng, phát triển doanh nghiệp KH&CN, thông qua các chuyên đề: Thực trạng các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực KH&CN, đổi mới sáng tạo nói chung và các doanh nghiệp KH&CN nói riêng; cách thức và phương pháp trở thành doanh nghiệp KH&CN; giải pháp giúp doanh nghiệp KH&CN duy trì, phát triển sáng chế; tài sản trí tuệ và những ưu thế trong hoạt động kinh doanh lĩnh vực này.

 T.Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp khoa học và công nghệ: Còn “khiêm tốn”