Theo dõi trên

Điểm gút 15a

25/09/2018, 08:43

 “Thiếu gió đông”?

BT- Giá thanh long hiện đang ở 25.000 đồng/kg khiến ông Năm ở thôn Tà Mon (Tân Lập - Hàm Thuận Nam) càng nghĩ càng thấy hân hoan trước quyết định mà ông và 2 người khác làm vào năm ngoái, việc mà khi ấy nhiều người xì xào cho là dư tiền, điên khùng. Họ nói cũng không sai, vì tuyến kênh Tân Lập - Tà Mon đang thi công kia, nước về trong nay mai ấy mà, mắc mớ gì phải bỏ ra gần 100 triệu đồng để dẫn đường ống nước dài 4 km về ao nhà. Họ tính rằng, tiền đó nên để đào ao hay làm bất cứ gì khác cho vườn thanh long thì hay hơn, có ích hơn. Nhưng ông và 2 hộ gần bên có cách nghĩ khác, nhận thấy có nước càng sớm thì cơ hội đổi thay càng nhanh, có khi thu về gấp nhiều lần số tiền bỏ ra. Thế rồi,  từ mùa khô đến giờ, nhờ có nguồn nước chuyển về từ hồ Tân Lập này, vườn thanh long của 3 nhà đều tươi tốt, cho trái chủ yếu là hàng cồ, bán được giá cao. Lúc này, người ta lại nói sang chuyện có gan làm giàu. Với vùng khó khăn Tà Mon này, đó là một biểu hiện đáng mừng.

                
Đường ống bơm nước từ hồ Tân Lập của 3 hộ    dân.

Từ đầu năm đến nay, giá thanh long phần lớn trên 20.000 đồng/kg đã kích thích “cái gan” ấy trong mỗi người dân có đất ở đây. Tôi cảm nhận điều đó, khi đi dọc theo tuyến kênh Tân Lập - Tà Mon đang thi công, thấy người dân cũng chạy đua rộn ràng lập vườn, xuống trụ. Vùng đất này, trước kia bỏ hoang hoặc trồng ầu ơ vài loại cây để giữ đất thì nay, thanh long đã rải dày, trụ trắng lấp lóa trong chiều. Ở phía bên kia kênh, dải đất không bằng phẳng, nhấp nhô những vạt đất cao, những đồi non thấp nhưng người dân vẫn tận dụng hết, chỗ đã xuống trụ, chỗ đã làm đất sẵn sàng. Hình như vườn nào cũng đào ao, chưa có thanh long nhưng ao thì đã có, có vườn hai, ba cái, toàn ao lớn. Có trang trại đang hình thành, ao rộng đến vài sào… Đây là sự đầu tư bài bản! Cách nói của một cán bộ phòng nông nghiệp huyện Hàm Thuận Nam khiến tôi hiểu, đó không chỉ đào ao tích nước ngay từ đầu mà còn chọn giống mới để trồng. Nhìn dây là biết, đó là  thanh long ruột đỏ, kia là ruột tím hồng… Mà giá các loại giống mới này không hề rẻ. Thế nên, công ty, doanh nghiệp trồng là bình thường; còn các hộ dân cũng gắng trồng vài chục trụ hay nhiều hơn vài trăm trụ trong vườn thanh long ruột trắng kia thì mới đặc biệt. Một sự thay đổi ở tầm cao. Nhưng hình như, qua cách đầu tư ấy, thấy rất rõ nỗi lo sợ thiếu nước, nỗi mong ngóng có nước của từng nhà, từng vườn ở đây. Một người trong đoàn đi, chắc từng đọc rất kỹ tác phẩm Tam Quốc Chí, chợt ví von vui rằng tình hình đầu tư thanh long hiện giờ ở Tà Mon đang ở thế ban đầu như trận chiến Xích Bích: “Muôn việc đủ cả, chỉ thiếu gió đông”.

 Ước nguyện tháng 11

Tà Mon vốn là vùng thiếu nước, thậm chí là thiếu nước gay gắt. Toàn vùng chỉ trông chờ vào mỗi hồ Tà Mon với sức chứa 600.000  khối nước nên thường cứ khi gió khô hanh đầu mùa thổi qua thì cũng là lúc báo động nước hồ phải dành cho sinh hoạt. Nước ao, giếng ở trong vùng cũng chỉ cầm cự đến 30/4 là hết. Tình trạng ấy là lý do khi tuyến kênh chuyển nước Sông Móng - Đu Đủ - Tân Lập hoàn thành, dân Tà Mon đề nghị cần nối dài tuyến kênh đến hồ Tà Mon. Nên nếu nói đây là công trình của lòng dân điển hình nhất quả không sai, vì không chỉ lúc ban đầu mà sau này, tiến độ công trình đến đâu, người dân đều theo dõi sát sao, trông ngóng nước về như dõi theo giá thanh long xê dịch từng ngày vậy.

Cuộc nối dài tuyến kênh ấy được xem là dồn hết sức, vì từ hồ Tân Lập đến hồ Tà Mon dài đến 18 km, chia làm 3 gói thầu: 15a, 15b, 15c, ngắn hơn tuyến kênh Sông Móng - Đu Đủ - Tân Lập chỉ 2km nhưng lại nhiều trắc trở. Ban đầu, các đơn vị thi công phải làm cấp tốc đoạn giao nhau giữa 2 gói thầu 15a, 15b, vì nơi ấy sẽ tiếp giáp với đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Thời điểm đó, cuộc chạy đua cho đền bù giải tỏa, cho thi công gấp gáp như đêm 30. Tôi từng chứng kiến cảnh mặt trời đã khuất sau núi xa nhưng các xe múc vẫn còn tiếp tục đào đoạn kênh  uốn lượn như dải lụa chạy quanh dưới chân đồi. Chưa hết, lại đến trở ngại của gói thầu 15c, đoạn cuối cùng đổ nước vào hồ Tà Mon là vướng đền bù mà cái chính là tính pháp lý của đất kéo dài hơn 1 năm trời, vì liên quan đến đất rừng, đất sản xuất… Sức ép từ các hộ dân có đất nằm trong diện giải tỏa đã đành, ở đây có thêm sức ép từ rất nhiều hộ dân ở trong thôn nóng lòng trông ngóng nước về. Đó là năm 2015, 2016, Tà Mon hạn nặng, tất cả những vườn thanh long trong thôn đều héo rũ, trong khi dân ở các xã gần đó nhờ hưởng lợi nước từ tuyến kênh Sông Móng – Đủ Đủ -Tân Lập trúng vụ thanh long, có thu nhập cao. Nỗi niềm của nơi thiếu nước lại rưng rưng.

Và hình như cứ mỗi lần giá thanh long cao mà vì thiếu nước không thể xuống giống hay được mùa thì nỗi niềm ấy có dịp bùng lên. Như thời điểm này chẳng hạn, khi tuyến kênh chỉ còn gần 2 km nữa thuộc gói thầu 15 a là thông tuyến thì lại phải dừng, đã đẩy nỗi mong ngóng nước của dân Tà Mon lên đỉnh điểm, dù vào chiều những ngày qua ở đây trời vẫn có mưa. Một lão nông đang chăm vườn thanh long ven đường nói như ước nguyện:  “Ở đây trời mưa nhiều nhưng cứ đến 30/4 hàng năm thì khô hạn. Vì thế, bà con mong nếu tuyến kênh thông nước vào tháng 11/2018 thì thật thuận tiện, vì thời điểm đó rất tốt để xuống giống thanh long, vì có nước sẽ mạnh dạn hơn trong đầu tư…”.

Lý giải chuyện chỉ có 2 km thôi mà không thể gắng nổi để đáp ứng nguyện vọng của dân, chủ đầu tư là Công ty MTV KTCT thủy lợi thật tình là không thể. Dù chỉ 2 km nhưng tiền đền bù cho dân gần 7 tỷ đồng, tiền thi công 16 tỷ đồng. Những đoạn có thể làm, đơn vị thi công đã làm đạt khối lượng 10 tỷ đồng và hiện vẫn chưa thanh toán. Vì không thể xoay xuể nên 2 km của gói thầu 15a này tương tự như điểm gút cần được tháo gỡ. Nếu được bổ sung 23 tỷ đồng kịp thời thì việc thông tuyến chuyển nước về Tà Mon trong tháng 11 dương lịch này là có thể…

    
    Tổng vốn   đầu tư của tuyến kênh chuyển nước Sông Móng - Đu Đủ - Tân Lập - Tà Mon   là 163 tỷ đồng. Đến nay, đã giải ngân 140 tỷ đồng, còn 23 tỷ nữa nếu cấp   phát kịp sẽ thông nước toàn tuyến vào tháng 11/2018, kết thúc gần 5 năm   xây dựng.

Ghi chép: Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điểm gút 15a