Theo dõi trên

Để thủy sản xuất khẩu ra thế giới

22/02/2018, 07:53

BX- Ủy ban châu Âu (EC) phạt “thẻ vàng” với nghề cá Việt Nam từ ngày 23/10/2017, đã làm bao doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lo lắng. Tuy nhiên, sản lượng thủy sản xuất khẩu sang thị trường EU (cả nước chiếm 17%) vào những tháng cuối năm vẫn giữ ổn định, nhờ từng bước khắc phục những thiếu sót của nghề cá mà EC cảnh báo.

                
Các tàu ở Phú Quý cắm cờ Tổ quốc Việt Nam    trước lúc ra khơi.

Nỗi lo của doanh nghiệp

Cuối năm trò chuyện với các chủ doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, có kim ngạch xuất khẩu hàng năm sang thị trường EU chiếm từ 30-40%, vị nào cũng lắc đầu vì câu chuyện “thẻ vàng”. Anh Hiền, Phó giám đốc Thaimex nói rằng: 2 tháng qua sản lượng xuất khẩu qua thị trường EU vẫn giữ ổn định, nhưng lô hàng nào cũng bị kiểm tra gắt gao vì “thẻ vàng”. Các container hải sản xuất khẩu vào thị trường EU đều bị giữ lại kiểm tra chứng nhận nguồn gốc sản phẩm từ 2 - 4 ngày, do vậy mất khá nhiều thời gian chờ đợi và tốn kém chi phí của doanh nghiệp. Còn chị Mỹ, Giám đốc điều hành Hải Nam CO.,LTD cũng bày tỏ sự lo ngại tương tự. Chị nói việc bị “thẻ vàng” của EC đã tác động xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp. Nếu không sớm khắc phục “thẻ vàng” thì EC sẽ đưa nghề cá Việt Nam vào danh sách quốc gia không hợp tác…

Theo quy định của EC, nghề cá Việt Nam có 6 tháng để khắc phục những thiếu sót, vì thế Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cùng Tổng cục Thủy sản và các địa phương đang nỗ lực tìm giải pháp “chống nạn đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và tàu thuyền không được quản lý (IUU)”. Mới đây, Tổ công tác IUU của VASEP đã làm việc với Ban Quản lý cảng cá Phan Thiết và Chi cục Thủy sản Bình Thuận để khảo sát tình hình, đề xuất phương án chống nạn đánh bắt bất hợp pháp, chấn chỉnh việc báo cáo, ghi nhật ký hành trình, quản lý chặt chẽ tàu thuyền khai thác trên biển.

 Để thoát khỏi “thẻ vàng”

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP, Trưởng Ban điều hành IUU VASEP, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam cho biết: VASEP sẽ sát cánh với các bộ, ngành, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, phối hợp và hỗ trợ hết khả năng để giải quyết bài toán IUU, tức là phải thoát khỏi “thẻ vàng” sau 6 tháng. Trước mắt, cần xây dựng hệ thống phần mềm để thu thập dữ liệu khai thác của các địa phương trong cả nước; tập trung các chỉ tiêu, yêu cầu mà EU đang cần; xây dựng phần mềm dữ liệu nghề cá quốc gia, phần mềm truy xuất nguồn gốc; VASEP phối hợp với Tổng cục Thủy sản và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền liên tục đến với ngư dân và nậu vựa để họ hiểu về IUU và những hành động nào bị coi là vi phạm quy định của EC. Bởi sau “thẻ vàng” của EU thì các thị trường khó tính khác như: Hoa Kỳ, Nhật Bản… cũng sẽ cảnh báo “thẻ vàng” để kiểm soát chặt chẽ hàng hải sản nhập khẩu từ Việt Nam. Vì thế, các địa phương có biển cần trang bị và hỗ trợ đủ các thiết bị giám sát hành trình tàu cá và khuyến nghị, hướng dẫn ngư dân tuân thủ thực hiện. Khai thác không báo cáo, không quản lý được coi là bất hợp pháp. Hướng tới, cảng cá mới là nơi nhận số lượng, sản lượng đánh bắt cụ thể để cung cấp thông tin cần thiết. Bà Sắc cũng cho biết: “VASEP đang thuê chuyên gia nước ngoài để nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thực hiện nhằm thoát khỏi  “thẻ vàng” trong 6 tháng, sau đó có thể trở lại “thẻ xanh” để tháo gỡ khó khăn, giảm bớt nỗi lo cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản”.

                
Chế biến hàng thủy sản xuất khẩu. Ảnh:    Đ.Hòa

Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận chia sẻ: Bình Thuận hiện có hơn 7.700 tàu thuyền đánh bắt hải sản, trong đó 2.200 chiếc tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ. Thời gian qua, chi cục đã quản lý tàu xuất bến, nhập bến; trên biển có tổng đài giám sát tàu thuyền hoạt động khá chặt chẽ. Tuy nhiên, hiện nay không phải tàu cá nào cũng vào cảng để kiểm soát nguyên liệu mà còn có các tàu vận chuyển và bán nguyên liệu trên biển chưa quản lý được. Mặt khác, việc ghi nhật ký hành trình của tàu cá chưa đi vào nề nếp thường xuyên. Đây là vấn đề sắp tới cần được xem xét và có hướng giải quyết theo chỉ đạo của Tổng cục Thủy sản và VASEP. Hiện nay Chi cục Thủy sản đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tuyên truyền đến ngư dân, nậu vựa cùng chung tay hành động “chống nạn đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không quản lý”.

Hy vọng với những nỗ lực của cộng đồng ngư dân, nậu vựa và các cơ quan quản  lý, nghề cá Việt Nam sớm trở lại “thẻ xanh”, để ngành xuất khẩu thủy sản tiếp tục phát triển.

Lê Thanh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để thủy sản xuất khẩu ra thế giới