Theo dõi trên

Để kinh tế biển phát triển bền vững

16/09/2019, 10:54 - Lượt đọc: 6

BT- Bình Thuận đã có những bước phát triển mạnh về du lịch, không những trở thành ngành kinh tế chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế địa phương, mà còn là điểm sáng nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam… - PGS.TS. Đoàn Minh Huấn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định.

                
Ảnh: Đ.H

 Từ hội thảo khoa học

Cuối tuần qua, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển bền vững kinh tế biển ở các tỉnh, thành duyên hải miền Trung và phía Nam dựa trên lợi thế so sánh”. Đây là sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, khoa học. Hội thảo do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng và PGS.TS. Đoàn Minh Huấn - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cùng chủ trì; là diễn đàn để góp phần cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”.

Tại đây, các nội dung trao đổi, bàn luận xoay quanh việc khái quát thực trạng phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững dựa trên lợi thế so sánh của cả nước nói chung, đối với các tỉnh, thành duyên hải miền Trung và phía Nam nói riêng trong thời gian qua. Đồng thời, phân tích, nhận diện, làm rõ những tồn tại, bất cập đã và đang nổi lên trong quá trình thực hiện chiến lược biển, phát triển kinh tế biển…

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Với vị trí địa lý thuận lợi, những năm qua, Bình Thuận đặc biệt quan tâm đầu tư quy hoạch xây dựng ven biển như khu dân cư, đô thị du lịch, hệ thống kè bảo vệ bờ, cơ sở hạ tầng nghề cá, hệ thống nước sinh hoạt. Đồng thời, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường ven biển, nhằm khai thác quỹ đất, thúc đẩy phát triển du lịch dọc biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Ngoài ra, đây còn là những tuyến tránh, bảo đảm giao thông thông suốt khi quốc lộ 1A bị tắc nghẽn. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng ngành du lịch khá ổn định, lượng du khách đến tỉnh tăng bình quân 10,95%/năm, trong đó khách quốc tế tăng bình quân 12,8%/ năm; lao động trong lĩnh vực du lịch tăng bình quân 12,3%/năm.

 Phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ

Cùng với đó, các ngành công nghiệp, dịch vụ khu vực biển đảo từng bước được đầu tư, khai thác có hiệu quả. Đáng chú ý, tiềm năng dầu khí trên vùng biển của tỉnh đã và đang được khai thác mang lại hiệu quả lớn. Hiện có 3 mỏ dầu khí đã khai thác là Rạng Đông, Ru Bi, Sư Tử Đen (sản lượng 80.000 thùng dầu ngày - đêm). Công nghiệp chế biến khoáng sản ven biển được đầu tư, hiện nay tỉnh có 2 dự án nghiền bột zircon, với tổng công suất 15.000 tấn/năm và 1 dự án luyện xỉ titan công suất 24.000 tấn/năm đã triển khai đầu tư xây dựng. Bên cạnh, công nghiệp năng lượng khu vực ven biển và tại đảo Phú Quý ngày càng phát triển, trong đó điện mặt trời, điện gió, nhiệt điện đã được khai thác hiệu quả.

Song song, khai thác thủy sản xa bờ cũng là thế mạnh của tỉnh nên không ngừng được đẩy mạnh, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Việc trang bị an toàn, ứng dụng công nghệ mới trong khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu cá được chú trọng, góp phần gia tăng năng lực và hiệu quả khai thác xa bờ.

Bí thư Tỉnh ủy cũng nêu rõ, cùng với những khó khăn khách quan, một yếu tố rất quan trọng khác là quy mô phát triển kinh tế biển của tỉnh nhà còn manh mún, chưa tương xứng với tiềm năng. Cơ cấu ngành, nghề chưa hợp lý, mới chỉ phát triển trên một diện hẹp, chưa chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết để vươn ra vùng biển quốc tế.  Đơn cử như du lịch, tuy được mệnh danh là “thủ đô resort” của cả nước nhưng hiện tại Bình Thuận có rất ít khách sạn, resort đạt tiêu chuẩn 5 sao.

Trong khai thác, đánh bắt, chế biến nguồn lợi kinh tế biển chủ yếu là sản xuất nhỏ. Hệ thống hạ tầng còn thiếu, chưa đồng bộ; thiếu những cảng biển lớn với dịch vụ hậu cần quy mô và những cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ biển, các cơ sở dự báo thiên tai từ biển… Do vậy, vấn đề đặt ra là phải làm gì để phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững dựa trên lợi thế so sánh như chủ đề của hội thảo xác định, là câu hỏi hoàn toàn không đơn giản, đặc biệt đối với tỉnh Bình Thuận.

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để kinh tế biển phát triển bền vững