Đầu tư hạ tầng giao thông
Đầu tư hạ tầng
giao thông:
Những tín
hiệu “xanh”…
BT- Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là sự cảm nhận của các doanh
nghiệp đánh giá về môi trường kinh doanh đầu tư cấp tỉnh, nơi doanh nghiệp đang
hoạt động kinh doanh. Theo đó PCI bao gồm 10 chỉ số thành phần, phản ánh các
lĩnh vực điều hành kinh tế của chính quyền địa phương cũng như tác động lớn đến
sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
 |
Tuyến đường ven biển đoạn Phan Thiết - Kê Gà sẽ được đầu tư làm mới
trong thời gian tới. |
Ngoài 10 chỉ số thành phần chính, PCI còn xét đến Chỉ số cơ sở hạ tầng, dù không
đưa vào tính điểm nhưng lại là nguồn thông tin mang tính tham khảo hữu ích cho
lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, những địa phương có cơ sở hạ
tầng tốt thì Chỉ số PCI cũng đạt thứ bậc cao mà theo kết quả điều tra năm 2019,
Bình Thuận là 1 trong 5 tỉnh, thành nằm trong nhóm có chất lượng cơ sở hạ tầng
còn hạn chế…
Tại Bình Thuận, cơ sở hạ tầng là nội dung mà UBND tỉnh có nhiều chương trình ưu
tiên về đầu tư xây dựng kết nối giao thông, nâng cấp các dịch vụ điện, điện
thoại, Internet… Tuy nhiên việc kết nối giao thông vùng, liên vùng vẫn còn hạn
chế nên phần nào mất đi cơ hội và lợi thế của tỉnh cùng với đó là một số công
trình hạ tầng giao thông kết nối du lịch trên địa bàn cũng bị hư hỏng, xuống
cấp. Để cải thiện tốt môi trường đầu tư kinh doanh, phấn đấu nâng cao xếp hạng
Chỉ số PCI, Bình Thuận sẽ tập trung khắc phục một số tồn tại và tiếp tục phát
huy những kết quả đạt được. Trong đó, Sở Giao thông - Vận tải được giao tham mưu
UBND tỉnh định hướng và có chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự
án giao thông nhằm kết nối vùng, liên vùng để từ đó tạo cơ hội, lợi thế cạnh
tranh cho địa phương… Tiếp tục quan tâm hoàn thiện hạ tầng giao thông, vừa qua
tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình làm mới đường trục ven biển
ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà. Được biết, dự án này có tổng mức đầu tư dự kiến
gần 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và ngân sách tỉnh, với thời
gian thực hiện trong khoảng 4 năm (cuối giai đoạn 2016 - 2020, chuyển tiếp sang
giai đoạn 2021 - 2025). Khi hoàn thành sẽ kết nối các khu du lịch ven biển phía
Nam TP. Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Nam với các dự án phát triển du lịch, nghỉ
dưỡng quy mô lớn đã được chấp thuận đầu tư. Đồng thời, công trình đưa vào sử
dụng còn làm nhiệm vụ là tuyến tránh quốc lộ 1 khi xảy ra ùn tắc phương tiện lưu
thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông…
Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận cũng có quyết định về việc giao đất cho Sở Giao
thông - Vận tải để xây dựng đường vào Sân bay Phan Thiết tại xã Thiện Nghiệp,
TP. Phan Thiết. Liên quan dự án, sở chức năng sẽ tiếp tục phối hợp nhà đầu tư,
đơn vị tư vấn thiết kế tích cực liên hệ các bộ, ngành Trung ương nhằm hoàn chỉnh
hồ sơ thẩm định điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không Phan
Thiết. Mặt khác phối hợp UBND TP. Phan Thiết đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng
cho đơn vị thi công triển khai các hạng mục, sớm hoàn thành đưa dự án trọng điểm
của tỉnh vào sử dụng.
Trong tháng 6/2020, đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn Bình Thuận tiếp tục
nhận tin vui khi Quốc hội thông qua nghị quyết chuyển đổi 3 dự án thành phần,
trong đó có đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây trên tuyến cao
tốc Bắc - Nam phía Đông từ phương thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công.
Việc chuyển đổi sang đầu tư công được xem là phù hợp bối cảnh hiện nay, không
những tạo điều kiện thuận lợi để có thể khởi công các dự án ngay trong năm nay
mà còn giúp tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của Bình Thuận…
Với những tín hiệu “xanh” mang nhiều hy vọng, hạ tầng giao thông của Bình Thuận
sẽ có bước đột phá, góp phần phát triển tương xứng kinh tế - xã hội của địa
phương cũng như cải thiện đáng kể thứ hạng Chỉ số PCI trong những năm tới.
Đ.QUỐC