Theo dõi trên

Đầu tư dự án Phát triển thủy sản bền vững

20/10/2021, 06:39 - Lượt đọc: 174

BT- Với kinh phí hơn 768 tỷ đồng vay từ Ngân hàng Thế giới, dự án Phát triển thủy sản bền vững đang trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét. Đây là thông tin không chỉ khiến ngành chức năng vui mừng, mà còn giúp nhiều ngư dân – đối tượng được hưởng thụ trực tiếp từ dự án này, sẽ từng bước thay đổi nhận thức, chủ động chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm.

Khi dự án triển khai sẽ có thêm 2 tàu kiểm ngư với công suất mỗi tàu >750CV.

Ngành kinh tế mũi nhọn

Bình Thuận là 1 trong 3 ngư trường lớn nhất nước. Sản lượng khai thác hải sản hàng năm nằm trong nhóm 5 tỉnh đứng đầu cả nước, ngành thủy sản đóng góp khoảng 6,8% GRDP của tỉnh, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 150 triệu USD, chiếm gần 40% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa… Không chỉ vậy, nguồn lợi thủy sản của tỉnh khá phong phú, vùng ven bờ còn là nơi trú ngụ của một số loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ có giá trị kinh tế cao mà ít nơi nào có được như điệp quạt, sò lông, nghêu lụa, dòm nâu… với sản lượng khai thác từ 20.000 – 40.000 tấn/năm. Do đó, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2019 tổ chức tại Bình Thuận đã nhấn mạnh, Bình Thuận có lợi thế rất lớn về phát triển kinh tế biển và cần khai thác hiệu quả các nguồn lực để xây dựng tỉnh có trình độ phát triển cao trong vùng duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, kết nối với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ. Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố có biển xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện, quan tâm các nghề như sửa chữa tàu thuyền, chế biến và bảo quản thủy sản, nuôi trồng và đánh bắt hải sản… Nhờ đó, Bình Thuận đã từng bước phát huy lợi thế từ biển nên đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế biển.

Tuy nhiên, những năm gần đây, khai thác hải sản đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức khi nguồn lợi thủy sản ven bờ suy giảm mạnh do tình trạng khai thác quá mức liên tục nhiều năm. Không chỉ vậy, tàu cá công suất nhỏ ngày càng sinh sôi, chưa được kiểm soát, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, việc khai thác vùng biển vẫn còn chồng chéo, đặc biệt là những nghề khai thác gây nguy hại cho môi trường và nguồn lợi thủy sản như giã cào, lưới kéo… chưa được khống chế triệt để. Ngoài ra, hạ tầng cảng cá nhiều nơi đã xuống cấp, ô nhiễm môi trường như Cảng cá La Gi, Phan Rí Cửa, khu neo đậu tránh trú bão còn thiếu so với mật độ tàu thuyền toàn tỉnh. Bên cạnh đó, tình trạng bồi lấp vũng đậu tàu, bến cập tàu tại các cảng cá, nhất là Cảng cá La Gi, Phan Rí Cửa, Phú Hải vẫn chưa được khắc phục...

 Dự án mơ ước

Do đó, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh vừa trình các cơ quan có thẩm quyền dự án Phát triển thủy sản bền vững tỉnh Bình Thuận. Dự án nhằm mục tiêu xây dựng ngành thủy sản của tỉnh thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, theo hướng hiện đại, có hiệu quả cao, có năng lực để tự đầu tư phát triển và tiếp tục giữ vị trí mũi nhọn về giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Thời gian thực hiện dự án là 5 năm (từ năm 2021 - 2025) và tổng nguồn vốn để đầu tư dự án này khoảng 768,624 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB).

Theo đó, dự án sẽ đầu tư Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp Cảng cá Mũi Né, trong đó khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá là 300 chiếc/600CV, kết hợp cảng cá với lượng tàu cập cảng 80 tàu/ngày, loại tàu cập cảng lớn nhất là 600CV, hàng thủy sản khoảng 12.000 tấn/năm. Đồng thời, sẽ đầu tư Khu sản xuất giống thủy sản tập trung Chí Công (giai đoạn 2), trong đó sẽ mở rộng từ khu giống giai đoạn 1 với diện tích 66,55 ha, sản xuất giống thủy sản với năng lực sản xuất/năm tăng thêm khoảng 5 tỷ con giống thủy sản (chủ yếu là tôm giống) chất lượng cao, cung cấp cho vùng nuôi tôm trọng điểm Nam bộ và cả nước. Dự án còn đóng mới thêm 2 tàu kiểm ngư với công suất mỗi tàu >750CV phục vụ nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ trên biển, hỗ trợ ngư dân, bảo vệ chủ quyền của quốc gia trên các vùng biển.

Khi dự án hình thành, sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động sản xuất, chế biến thủy sản và các nghề liên quan, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế ở các địa phương, nhất là vùng biển, hải đảo. Đặc biệt, dự án còn có mục tiêu quan trọng là bảo tồn, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, từng bước giúp ngư dân thay đổi nhận thức, chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm.

Minh Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu tư dự án Phát triển thủy sản bền vững