Theo dõi trên

Cương quyết xử lý các dự án du lịch triển khai “ì ạch”

21/06/2016, 09:38

BT- Tính đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh Bình Thuận số dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực là 388 dự án, với tổng diện tích 6.183 ha và tổng vốn đầu tư 54.072 tỷ đồng. Trong đó: dự án đã hoàn thành và đưa vào hoạt động 171 dự án, chiếm tỷ lệ 44%; dự án đang triển khai xây dựng 67 dự án, chiếm tỷ lệ 17%; dự án chưa triển khai xây dựng 150 dự án, chiếm tỷ lệ 39%. Trong cuộc họp gần đây, UBND tỉnh đã quyết định thu hồi ít nhất 15 dự án.

                
Một số khu du lịch Tiến Thành, TP. Phan    Thiết chậm triển khai. Ảnh: Đ.Hòa

Thực trạng

Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch Đầu tư, huyện Tuy Phong có 18 dự án đầu tư du lịch còn hiệu lực với tổng diện tích 513 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 2.468 tỷ đồng. Tại huyện Tuy Phong, có 7 dự án đã đầu tư và đi vào hoạt động kinh doanh, chiếm 39%, 7 dự án có tác động xây dựng hoặc đang triển khai xây dựng dở dang, chiếm 39% và 4 dự án chậm triển khai dự án (2 dự án vướng đền bù, 1 dự án vướng quy hoạch và 1 dự án thiếu năng lực tài chính), chiếm 22%. Huyện Bắc Bình có 27 dự án đầu tư du lịch được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư, với tổng diện tích 820 ha. Tổng vốn đầu tư 3.446 tỷ đồng. Trong đó có 3 dự án có tác động, triển khai xây dựng (chiếm tỷ lệ 11%) và 24 dự án chưa triển khai do vướng cát đen 19 dự án, đền bù, giải tỏa 4 dự án, 1 dự án thiếu năng lực tài chính, chiếm tỷ lệ 89%.

Trong khi đó, TP. Phan Thiết  là địa phương có nhiều dự án nhất so với nhiều địa phương khác, nhưng cũng không ít dự án vướng vào thực trạng chung. Theo thống kê, TP. Phan Thiết có 213 dự án đầu tư du lịch còn hiệu lực, với tổng diện tích 3.120 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 34.121 tỷ đồng. Có 137 dự án đã đầu tư đi vào hoạt động kinh doanh, chiếm 64%; 25 dự án có tác động xây dựng hoặc đang triển khai xây dựng dở dang, chiếm 12%; 51 dự án chậm triển khai dự án (26 dự án vướng đền bù, 5 dự án vướng quy hoạch và 16 dự án chậm triển khai do năng lực tài chính, 4 dự án mới cấp), chiếm 24%. Trong khi đó “hàng xóm” với Phan Thiết là huyện Hàm Thuận Nam cũng có 73 dự án đầu tư du lịch còn hiệu lực với tổng diện tích 772 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 6.637 tỷ đồng. Nhưng tại huyện này, chỉ mới có 16 dự án đã đầu tư và đi vào hoạt động kinh doanh, chiếm 23%; 22 dự án có tác động xây dựng hoặc đang triển khai xây dựng dở dang, chiếm 30%. Còn lại 35 dự án chậm triển khai (23 dự án vướng đền bù, 3 dự án vướng cát đen, 2 dự án không có đường vào, 1 dự án vướng quy hoạch, 5 dự án thiếu năng lực tài chính và 1 dự án mới chấp thuận đầu tư), chiếm 47%.

Trong thời điểm hiện nay, có thể nói La Gi là địa phương bắt đầu phát triển mạnh về du lịch, với  40 dự án đầu tư du lịch còn hiệu lực với tổng diện tích 676,45 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 3.464 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có  10 dự án đã đầu tư và đi vào hoạt động, chiếm 25%; 5 dự án có tác động xây dựng hoặc đang triển khai xây dựng dở dang, chiếm 13%;  25 dự án chậm triển khai (9 dự án vướng đền bù, 12 dự án không có đường vào, 2 dự án vướng quy hoạch, 2 dự án thiếu năng lực tài chính), chiếm 63%. 

Những nguyên nhân

Tại cuộc họp với UBND tỉnh, theo đánh giá của Sở Kế hoạch Đầu tư, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm triển khai các dự án. Trong đó, rõ nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng. Đây là nguyên nhân cốt yếu ảnh hưởng rất lớn đến thu hút đầu tư và phát triển kinh tế xã hội nói chung, chứ không hẳn riêng về du lịch. Ông Trần Đức Tiến – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư cho biết: Thực tế, về giải phóng mặt bằng, tái định cư, công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, kéo dài thời gian do chậm xác định tính pháp lý, chính sách giá đền bù thay đổi, chủ dự án và người dân không thỏa thuận được giá đền bù. Một số dự án đã ký hợp đồng với Trung tâm Phát triển quỹ đất để thực hiện đền bù giải tỏa. Tuy nhiên, đến nay còn nhiều dự án chưa giải quyết xong việc đền bù giải tỏa. Cụ thể như khu vực Phú Hài, Mũi Né, Tiến Thành, TP. Phan Thiết; khu vực Hòn Lan – Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam; khu vực xã Tân Phước, thị xã La Gi… Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến các dự án chậm triển khai.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận kết cấu hạ tầng ở một số khu vực điều kiện hạ tầng thiếu hoặc chưa đồng bộ (chưa có đường, nước sinh hoạt, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải…) làm cho các nhà đầu tư xây dựng đưa vào hoạt động không hiệu quả, triển khai cầm chừng hoặc chưa mạnh dạn triển khai xây dựng. Hệ thống điện đường dọc đường ĐT 716 (cũ), hệ thống đèn đường từ Suối Nước đến Hòa Thắng chưa được đầu tư;  hệ thống điện thoại, cáp truyền hình, hệ thống nước máy khu vực Long Sơn – Suối Nước đầu tư chưa đồng bộ, khó khăn, sức thu hút du khách còn hạn chế. Một số khu vực ven biển đường  Tân Bình - Tân Hải, thị xã La Gi; khu vực Hòn Lan; khu vực ven biển xã Tân Thắng, Thắng Hải, huyện Hàm Tân hiện chưa có đường vào, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình xây dựng.

Một nguyên nhân khác, việc quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng khu tái định cư để di dời các hộ nằm trong khu vực dự án còn chậm nên hộ dân bị giải tỏa chậm di dời, một số người dân không hợp tác, tự ý xây dựng trái phép trong các khu dự án. Cụ thể như khu vực Phú Hài, Tiến Thành, TP. Phan Thiết; khu vực Hòn Lan – Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam; việc di dời các cơ sở chế biến cá cơm tại phường Mũi Né và khu neo đậu tàu thuyền Mũi Né, TP. Phan Thiết chưa được thực hiện, gây ô nhiễm môi trường, dẫn đến một số dự án du lịch tại khu vực này chưa mạnh dạn triển khai đầu tư. Một số dự án chồng lấn quy hoạch cát đen (chờ thăm dò, khai thác), như khu vực Long Sơn - Suối Nước - Mũi Né, TP. Phan Thiết; khu vực xã Hòa Thắng, Hồng Phong, huyện Bắc Bình; xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam; xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân. Các dự án này phải tạm ngừng để ưu tiên cho việc thăm dò, khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, các doanh nghiệp rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư, ngày càng có nhiều nhà đầu tư xin giãn tiến độ thực hiện dự án. Sự phối hợp của các ngành, địa phương trong việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Không ngoại trừ một số nhà đầu tư chậm triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư thiếu năng lực tài chính hoặc không có thiện chí đầu tư, chờ đợi các dự án trong khu vực cùng triển khai, xây dựng cầm chừng đối phó.

Để tháo gỡ khó khăn, Sở Kế hoạch Đầu tư kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh kiểm tra, rà soát, tập trung phối hợp cùng địa phương. Chủ đầu tư các dự án có ký hợp đồng thực hiện đền bù còn vướng đền bù rà soát lại giá đền bù, mức hỗ trợ cho phù hợp thực tế, bàn biện pháp giải quyết việc đền bù cụ thể từng dự án. Vận động các hộ dân nhận tiền đền bù, giao đất cho dự án triển khai đầu tư. Trường hợp không thực hiện được đề xuất UBND tỉnh hướng xử lý, không để kéo dài.

Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp lấn chiếm đất Nhà nước trái phép, kiên quyết  thu hồi đất của Nhà nước bị lấn chiếm và tháo dỡ công trình xây dựng trái phép ở các khu đã quy hoạch.

Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cương quyết xử lý các dự án du lịch triển khai “ì ạch”