Theo dõi trên

“Cú hích” cho ngành công nghiệp không khói

29/11/2019, 17:51 - Lượt đọc: 6

 BT- Với những giá trị riêng tập trung ở cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và tiềm năng phong phú, hơn thế, trong tương lai, tuyến cao tốc Bắc  - Nam hình thành không chỉ tháo gỡ vướng mắc về giao thông đối ngoại của tỉnh, mà còn giúp kết nối du khách quốc tế và các tỉnh phía Bắc đến với Bình Thuận. Cùng với khu du lịch quốc gia Mũi Né, khu vực phía Nam tỉnh sẽ góp phần khẳng định Bình Thuận là điểm dừng chân lý tưởng trong hành trình đến với vùng “Tam giác vàng” quốc gia.   

                
   
Du khách tham quan ngọn hải đăng Kê Gà.    Ảnh: Đình Hòa

  “Đòn bẩy” du lịch

Là giao điểm của 3 vùng kinh tế trọng điểm Tây nguyên, duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ, qua hơn 20 năm phát triển, ngành du lịch của Bình Thuận có những bước phát triển bền vững. Giờ đây, du lịch không những trở thành ngành kinh tế chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế tỉnh mà còn là điểm sáng nổi bật trên bản đồ Việt Nam. Du lịch hiện là ngành đóng vai trò trọng yếu trong nền kinh tế tỉnh, đóng góp hơn 9,4% GDP của tỉnh. Theo nhận định của ngành du lịch, con số này vẫn đang tăng lên suốt trong hơn 2 thập kỷ qua với tốc độ khoảng 10% mỗi năm, nhanh hơn bất cứ lĩnh vực quan trọng nào khác của tỉnh. Đến Bình Thuận, du khách được trải nghiệm, khám phá những đồi cát đặc trưng, những bãi biển thơ mộng, hùng vĩ và những cánh rừng bạt ngàn, xanh mướt. Du khách cũng sẽ được khám phá các hoạt động thể thao biển, hải sản tươi ngon, và đắm mình tại các khu nghỉ dưỡng bình dị mà sang trọng, đẳng cấp.

                
Tuyến đường ven biển nối Phan Thiết - Hàm    Thuận Nam.

Là một trong những địa phương quan trọng trong quy hoạch phát triển du lịch quốc gia, Bình Thuận đã được Chính phủ định hướng trở thành vùng du lịch trọng điểm và TP. Phan Thiết trở thành đô thị du lịch biển. Chính vì vậy, tỉnh sẽ nhận được sự hỗ trợ ngân sách đắc lực từ Trung ương để phát triển hạ tầng du lịch thông qua các dự án quan trọng như đường cao tốc và sân bay. Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa bàn tỉnh có tổng chiều dài 160 km. Đây là hạng mục hạ tầng quan trọng bậc nhất đối với mục tiêu phát triển ngành du lịch của tỉnh. Năm 2019, Bình Thuận đã trở thành tỉnh thu hút vốn đầu tư dẫn đầu cả nước khi ký thỏa thuận ghi nhớ đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn lên tới 19 tỷ USD và 30.696 tỷ đồng.

Riêng với tuyến cao tốc đoạn Phan Thiết – Dầu Giây, thời điểm này, tỉnh đã và đang nỗ lực tập trung thực hiện mọi biện pháp có thể để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu bàn giao mặt bằng trong tháng 12/2019. Theo khảo sát của các chuyên gia, cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây có quy mô 4 - 6 làn xe với chiều dài 98 km sẽ có thời gian xây dựng ít nhất 3,5 năm nếu không có rào cản lớn nào. Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ rút ngắn một nửa thời gian di chuyển từ thành phố lớn nhất cả nước tới Bình Thuận, từ 4 tiếng xuống còn chưa tới 2 tiếng. Trong tương lai, cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn tỉnh sẽ kết nối với cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, sân bay Long Thành và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án này không chỉ tháo gỡ vướng mắc về giao thông đối ngoại của tỉnh, mà còn tạo “đòn bẩy” cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là du lịch. Bên cạnh đó, giao thông kết nối Vũng Tàu với Phan Thiết cũng sẽ được cải thiện, giúp du khách đến với “Tam giác vàng” du lịch quốc gia TP. Hồ Chí Minh – Lâm Đồng – Bình Thuận dễ dàng hơn.

 Kê Gà - thiên đường biển đang “hồi sinh”

Tiềm năng du lịch biển Bình Thuận không thể không kể đến vùng biển Hàm Thuận Nam còn hoang sơ, thơ mộng. Theo quy hoạch tổng thể đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Hàm Thuận Nam trở thành khu vực trọng điểm du lịch phía Nam của tỉnh, là một trong những điểm du lịch vệ tinh, bổ sung các điểm đến và loại hình du lịch đa dạng cho khu du lịch quốc gia Mũi Né. Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam - Mai Thị Ngọc Ảnh chỉ rõ những lợi thế, tiềm năng của huyện để phát triển du lịch như suối nước nóng Bưng Thị, chùa núi Tà Cú… đã thu hút rất đông du khách từ trong và ngoài nước. Trong đó, bãi biển Kê Gà với ngọn hải đăng cao nhất và cổ xưa nhất Đông Nam Á, là điểm đến check-in nổi tiếng của du khách khi đến với Bình Thuận.

Với thế mạnh về cảnh quan và vị trí, đặc biệt là khi tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi vào hoạt động, nếu tính thời gian lái xe từ TP. Hồ Chí Minh đến Phan Thiết là hơn 2,5 giờ thì đến mũi Kê Gà chỉ mất khoảng 1,5 giờ. Chưa kể, với ưu thế nằm giữa sân bay quốc tế Long Thành và sân bay Phan Thiết, Kê Gà sẽ thu hút thêm một lượng lớn du khách từ phía Bắc và đặc biệt là khách du lịch quốc tế về đây. Thời điểm cách đây gần 20 năm trước, hàng chục nhà đầu tư đã đổ xô về Kê Gà nhằm biến nơi đây thành “thủ đô resort mới”. Việc quy hoạch xây dựng cảng Kê Gà đã làm cho hàng loạt khu du lịch, nghỉ dưỡng rơi vào tình trạng dang dở. Giờ đây, khi được cởi trói khỏi quy hoạch này, Kê Gà bắt đầu “hồi sinh” mạnh mẽ với nhiều dự án cả mới lẫn cũ rục rịch khởi động.

Thống kê của huyện Hàm Thuận Nam cho biết, tính đến thời điểm này trên địa bàn huyện có 77 dự án du lịch với tổng diện tích đất sử dụng khoảng 754 ha với tổng vốn đầu tư 6.427 tỷ đồng. Trong đó, 23 dự án đã hoạt động kinh doanh, 29 dự án đã có tác động hoặc đang triển khai và 25 dự án chưa triển khai và mới cấp quyết định chủ trương đầu tư, riêng xã Tân Thành có 47 dự án du lịch. Tận dụng thời cơ vàng, từ cuối năm 2018 đến nay, nhiều dự án lớn tái khởi động tại Kê Gà biến nơi đây trở thành thủ phủ resort thứ 2 của tỉnh. Mới đây nhất vào giữa tháng 9, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng, dân cư cao cấp và thể thao biển của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cường Thịnh Thi đã được tỉnh chấp thuận đầu tư. Với mục tiêu là xây dựng tổ hợp khách sạn 5 sao, biệt thự biển cao cấp, tổ hợp vui chơi giải trí thể thao biển, tổ hợp nhà ở kinh doanh - nhà phố thương mại, quảng trường biển nhằm tạo điểm nhấn về cảnh quan, dịch vụ du lịch cho huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh. Thời điểm này, công ty đang hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, thỏa thuận đền bù. Dự kiến khởi công xây dựng vào tháng 4/2021 đến tháng 7/2025 đưa vào vận hành quần thể du lịch.  Không dừng lại ở đó, ngày 22/9, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho dự án Thanh Long Bay do Nam Group là đơn vị phát triển. Với quy mô lên tới 90 ha, tích hợp 12 phân khu tiện ích cao cấp, sở hữu 1,7 km đường bờ biển riêng biệt bên trong vịnh Hòn Lan, Thanh Long Bay là dự án đầu tiên kiến tạo trung tâm thể thao biển tiêu chuẩn quốc tế lớn nhất Việt Nam. Như vậy, 2 dự án du lịch quy mô lớn được tỉnh chấp thuận đầu tư tại xã Tân Thành trong tháng 9/2019 đã tạo “cú hích” mạnh mẽ cho du lịch Hàm Thuận Nam, đặc biệt là vùng biển Kê Gà.

Mặt khác, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh cũng đồng ý cho 7 dự án trước đây có khó khăn do vướng quy hoạch cảng Kê Gà để các chủ đầu tư tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ đất đai, cấp phép xây dựng và triển khai thi công dự án trong thời hạn 12 tháng, (tính từ ngày 6/9/2019). Cụ thể là các khu du lịch: Sinh thái Kê Gà, Đồi Phong Lan, Hương Bắc, Tân Thành Minh, Thế Giới Xanh, Thạnh Đạt, Minh Ngọc. Sau thời hạn nói trên, trường hợp các chủ đầu tư chưa thực hiện xong mà không có lý do chính đáng, UBND tỉnh sẽ  xem xét theo hướng giảm diện tích hoặc thu hồi dự án theo quy định. Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ  với các sở, ngành, UBND huyện Hàm Thuận Nam theo dõi tiến độ của các dự án được gia hạn để kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh hướng xử lý tiếp theo. Đồng thời, khẳng định với các chủ đầu tư: Nếu dự án nào không thực hiện đúng theo nội dung cam kết thì Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình UBND tỉnh giảm diện tích hoặc thu hồi dự án và sẽ không giải quyết bất kỳ kiến nghị nào của chủ đầu tư. Bà Mai Thị Ngọc Ảnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam nhấn mạnh, về phía địa phương sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân tiếp cận giải quyết các thủ tục đầu tư. Đặc biệt là giải quyết các vướng mắc về hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông ven biển…

Không khó để hình dung Kê Gà 5 năm sau sẽ hình thành một tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng, dân cư cao cấp, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, đóng góp nguồn thu ngân sách đáng kể cho địa phương. Từ đó, góp phần vào chiến lược đưa Bình Thuận phát triển thành trung tâm du lịch, thể thao biển quốc gia đến năm 2030. 

    
    Theo dự   báo của các chuyên gia, tuyến đường cao tốc sau khi hoàn thành có thể   thu hút thêm 3,6 triệu du khách/năm vào năm 2030 và đóng góp 14.000  tỷ    đồng/năm vào GDP của tỉnh. Các tuyến đường kết nối cao tốc cũng sẽ cải   thiện giao thông đến các khu vực nông thôn của Bình Thuận, tạo cơ hội mở   rộng phát triển du lịch trên toàn tỉnh.

Trần Thi – Thu Hà



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Cú hích” cho ngành công nghiệp không khói