Theo dõi trên

Công nghiệp năng lượng Bình Thuận trên đà phát triển mạnh mẽ

21/02/2019, 10:09 - Lượt đọc: 150

BTO- Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định mục tiêu tổng quát: Khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế, chủ động hội nhập, phát triển kinh tế biển, du lịch, năng lượng. Xây dựng và phát triển Bình Thuận đến năm 2030 căn bản trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung xây dựng 3 trung tâm mang tầm quốc gia: Trung tâm năng lượng; Trung tâm du lịch - thể thao biển; Trung tâm chế biến quặng sa khoáng titan…

Để hướng tới Trung tâm năng lượng của cả nước, thời gian qua công nghiệp điện năng trên địa bàn tỉnh được chú ý đầu tư và có bước phát triển khá mạnh. Ngoài các nhà máy thủy điện được Nhà nước đầu tư trước đây như Hàm Thuận 300 MW, Đa Mi 175 MW, Đại Ninh 300 MW, thì Trung tâm điện lực Vĩnh Tân đang nổi lên như là một “công xưởng” nhiệt điện của cả nước với quy mô quy hoạch 5 nhà máy nhiệt điện, tổng công suất 6.264 MW. Trong đó nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, 4 đã hoạt động; nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đang vận hành thử nghiệm tổ máy số 1; nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng đang trong giai đoạn thi công xây dựng. Riêng nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 chưa triển khai xây dựng.

Điện mặt trời đang nổi lên như là một hướng đi chủ đạo của công nghiệp điện năng Bình Thuận trong tương lai. Đến nay toàn tỉnh đã có 90 dự án đăng ký đầu tư với tổng công suất trên 5.341 MWp, tổng diện tích trên 6.725 ha và tổng vốn dự kiến 137.209 tỷ đồng. Trong đó có 28 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương phê duyệt bổ sung Quy hoạch điện với tổng công suất 1.475,18 MWp, tổng diện tích 1.956,7 ha và tổng vốn dự kiến 39.865 tỷ đồng. Trong số 28 dự án này có 23 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng công suất 1.114,18 MWp, tổng diện tích 1.505,3 ha và tổng vốn đầu tư dự kiến 30.407 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 52 dự án tỉnh đã trình Bộ Công thương thẩm định bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, bổ sung vào đồng bộ Quy họach phát triển điện mặt trời quốc gia, với tổng công suất 3.414 MWp, tổng vốn đầu tư dự kiến 86.898 tỷ đồng… Đến thời điểm hiện nay đã có 4 dự án điện mặt trời (tổng công suất 159,5 MWp) triển khai san gạt mặt bằng, thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng.

Cùng với điện mặt trời, điện gió cũng đang được nhiều nhà đầu tư triển khai. Toàn tỉnh hiện có 19 dự án điện gió đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng công suất 707,8 MW; trong đó có 3 dự án đã đi vào vận hành. Ngoài ra có 13 dự án đã được UBND tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, với tổng công suất 517,3 MW.

Để Bình Thuận sớm trở thành trung tâm năng lượng quốc gia, các sở, ngành, địa phương cần tập trung rà soát các quy hoạch ngành, kế hoạch sử dụng đất, không để chồng lấn, xác định khu vực ưu tiên đầu tư phát triển các công trình trọng điểm của trung tâm năng lượng, đẩy mạnh việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư. Đồng thời chú trọng đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật để phục vụ cho các dự án; tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho các công trình năng lượng, công tác tái định cư.

Sự hình thành trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia sẽ đem lại nhiều lợi ích cho địa phương, nhất là về nguồn thu ngân sách, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư vào các ngành, công nghiệp phụ trợ, lĩnh vực và khu vực kinh tế có năng suất lao động cao; tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch ngành nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của Bình Thuận, đồng thời góp phần giải quyết bài toán năng lượng cho khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

T.NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công nghiệp năng lượng Bình Thuận trên đà phát triển mạnh mẽ