Theo dõi trên

Chuyện làm ăn: Gặt lúa di động

08/12/2017, 10:08 - Lượt đọc: 18

BT- Tuy Phong vừa kết thúc thu hoạch vụ mùa. Mấy xã viên của HTX kinh doanh - dịch vụ nông nghiệp Long Điền 1 có máy gặt đập liên hợp đã lục đục đem máy vào Bắc Bình, nơi đây đang vào mùa thu hoạch lúa rộ. Chừng 15-20 ngày sau, họ lại di chuyển máy ra các vùng lúa ở tỉnh Ninh Thuận. Cuộc hành trình đi gặt lúa di động này của nhóm xã viên HTX đã khởi đầu từ nhiều năm trước. Ông Hồ Lo, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX kinh doanh - dịch vụ nông nghiệp Long Điền 1, cho biết dịch vụ này của HTX đang hoạt động rất tốt, dù lúc ban đầu cũng có nhiều trở ngại. Từ năm 2006, HTX đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp bằng các loại máy móc của một đơn vị ở miền Tây, sau đó mua máy móc của Trung Quốc sử dụng nhưng không mang lại hiệu quả. Bẵng đi một thời gian, chính một số xã viên đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng mua máy móc của Nhật sử dụng. Không ngờ, các loại máy này phù hợp với điều kiện đồng ruộng ở Tuy Phong, lại bền nên hoạt động có lợi nhuận. Nhờ vậy, đến nay, HTX có 15 chiếc gặt...

                
Ảnh: Đ. Hòa

 Một khi đưa cơ giới hóa vào sản xuất, có nghĩa giảm lao động, giảm chi phí, nhất là khâu thu hoạch lâu nay mỗi khi vào vụ là nhọc nhằn chuyện thiếu lao động, dù có áp dụng vần công hay huy động người trong gia đình, bà con. Bây giờ, bao nhiêu công lao động đó được thay bằng máy gặt đập liên hợp và người của chủ máy với giá bao trọn gói tại huyện Tuy Phong là 180.000 đồng/sào lúa đứng, 360.000 đồng/sào lúa ngã. Còn nếu di chuyển đến nơi khác như Bắc Bình, Ninh Thuận, giá gặt là 200.000 - 220.000 đồng/sào, tùy từng nơi xa hay gần. Thời gian gặt lại nhanh, một sào máy gặt chỉ khoảng 15-20 phút, tính ra 1 mẫu chỉ mất khoảng 2 tiếng đồng hồ. Chính tiện ích ấy cùng thị trường mùa gặt thường rộ trong thời gian ngắn, giá máy nằm khoảng 500 triệu đồng, có tuổi thọ từ 3-5 năm, tùy vào điều kiện bảo quản cũng như thời gian hoạt động của mỗi chủ máy nên những nông dân đầu tư máy gặt đập liên hợp tại HTX có hiệu quả.

Theo ông Hồ Lo, ở HTX, những năm trước có diện tích lúa 350 mẫu, gần đây xã viên chuyển sang trồng thanh long 60 mẫu. Với 290 mẫu lúa, tính giá lúa đứng, mỗi vụ xã viên có máy gặt đập liên hợp có doanh thu “trong nhà” đã hơn nửa tỷ đồng. Đó là chưa nói đến chuyện đem máy vào Bắc Bình hay ra Ninh Thuận cắt vào những thời điểm lúa chín rộ. Nếu so với máy cày, máy càng, những máy chỉ hoạt động trong phạm vi cánh đồng HTX thì máy gặt đập liên hợp di động nơi này, nơi khác đã giúp nông dân có lời.

Bích NghỊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện làm ăn: Gặt lúa di động