Theo dõi trên

Chấn chỉnh doanh nghiệp vi phạm tài nguyên nước

20/06/2018, 08:48

BT- Mới đây, Đoàn thanh tra Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN & MT) đã tiến hành thanh tra tại 25 đơn vị trên địa bàn tỉnh về lĩnh vực tài nguyên nước (TNN). Qua kết luận số 1645, Thứ trưởng Bộ TN & MT Nguyễn Thị Phương Hoa đánh giá, bên cạnh các đơn vị được thanh tra cơ bản chấp hành quy định pháp luật về TNN hiện hành, lắp đặt thiết bị quan trắc, giám sát lưu lượng, chất lượng, mực nước trong quá trình khai thác, sử dụng, xả thải vào nguồn nước, thì vẫn còn một số doanh nghiệp chưa tuân thủ đúng theo quy định của luật liên quan này và nội dung giấy phép đã cấp…

                
Kinh doanh du lịch phải có giấy phép xả    thải vào nguồn nước.

Trên lĩnh vực khai thác khoáng sản titan, một số doanh nghiệp chưa lắp đặt thiết bị giám sát lưu lượng khai thác, không thực hiện quan trắc mức nước, chất lượng nước các giếng khoan khai thác; không triển khai vùng bảo hộ vệ sinh giếng khoan. Do vậy, nước mưa, nước thải chảy tràn lan vào miệng giếng dễ gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất. Như Công ty TNHH Thương mại Đức Cảnh hoạt động khai thác titan khu vực Thiện Ái 2, Hòa Thắng (Bắc Bình). Gần đó, khu Long Sơn - Suối Nước, phường Mũi Né (TP Phan Thiết), Công ty TNHH (Đầu tư Sài Gòn, Phú Hiệp) còn để nước thải phát sinh trong quá trình khai thác, tuyển quặng dễ ngấm vào nguồn nước dưới đất; khu chứa tuyển quặng thô thuộc nhà máy tuyển tách quặng cũng chưa chống thấm, chống chảy tràn đúng theo quy định. Riêng Công ty TNHH Thương mại Tân Quang Cường khai thác titan Nam Suối Nhum không có giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt theo quy định.

Ở lĩnh vực du lịch, chế biến nông lâm hải sản, hầu hết các doanh nghiệp thiếu: giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, thiết kế nắp đậy kín miệng giếng khoan ngăn nước bên ngoài chảy vào, quan trắc, giám sát lưu lượng mực nước, chất lượng nước dưới đất còn khá phổ biến. Điển hình như Công ty TNHH Denta Valley Bình Thuận tại Tiến Thành, Công ty TNHH Melon, phường Phú Hài, Công ty CP Rạng Đông kinh doanh khu Ocean Vista với lưu lượng nước thải sinh hoạt khoảng 180 m3/ngày đêm; Công ty CP Cấp thoát nước Bình Thuận sở hữu Nhà máy nước Bắc Bình với lưu lượng xả nước thải 10 m3/ngày đêm… Trong khi đó, Công ty CP Du lịch Ngọc Sơn kinh doanh khu du lịch Sơn Hà tại Tiến Thành, Phan Thiết đang khai thác, sử dụng nước dưới đất tại 5 cụm giếng tổng lưu lượng 40 m3/ngày đêm nhưng không có giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất (khoản 1, Điều 52, Luật TNN). Đơn vị này cũng không lắp đặt thiết bị quan trắc lưu lượng, mực nước tại các giếng khoan; không thực hiện nghĩa vụ tài chính về phí khai thác nước; không có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước… Tại cụm công nghiệp chế biến hải sản Phú Hài, Nhà máy chế biến bột cá của Công ty TNHH Thức ăn gia súc Kim Đào lưu lượng nước thải 16 m3/ngày đêm cũng thiếu giấy phép xả thải, gây ô nhiễm môi trường khu dân cư lân cận xã Hàm Thắng. Ở khu công nghiệp Phan Thiết, Nhà máy sản xuất phân hữu cơ thương hiệu Lio Thái cũng chưa lắp đặt thiết bị quan trắc lưu lượng, chất lượng nước thải trước khi thải vào hệ thống chung. Điều đáng quan tâm hơn, ngay cả Ban quản lý Cảng cá Phan Thiết quản lý nhiều nhà máy, cơ sở chế biến hải sản xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng lớn từ 300 - 500 m3/ngày đêm nhưng không có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước…

Qua thanh tra lần này, đoàn đã bàn giao biên bản cho UBND tỉnh, Sở TN & MT để tiếp tục xử lý một số doanh nghiệp chưa tuân thủ pháp luật TNN, khắc phục tồn tại trong khai thác, sử dụng TNN, xả nước thải vào nguồn nước, truy thu nợ thuế. Đồng thời, Thứ trưởng Bộ TN & MT Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị tỉnh chỉ đạo hoàn thành các đề án, dự án lập quy hoạch TNN, dự án điều tra, đánh giá, khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất.

Thụy Khanh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chấn chỉnh doanh nghiệp vi phạm tài nguyên nước