Theo dõi trên

Cấp bách phòng chống dịch tả lợn châu Phi

10/06/2019, 09:10 - Lượt đọc: 47

BT- “Nhìn khiêng từng con lợn lên xe đem đi chôn mà khóc hết nước mắt, chôn hết lợn như chôn sống chính chú rồi!…” - ông Lý Văn Hương chủ trang trại lợn bị dịch tả lợn châu Phi ở thôn 1, xã Đức Chính (Đức Linh) giàn giụa nước mắt nói.

                
Tiêu hủy lợn trang trại ông Lý Văn Hương ở    xã Đức Chính.

  Trắng tay vì dịch

Ngay sau khi UBND huyện Đức Linh chính thức công bố ổ dịch tả lợn châu Phi ngày 7/6, số lợn chết dương tính virus dịch tả của trang trại ông Lý Văn Hương được chở đi chôn. Để tránh lây lan, phải tiêu hủy toàn trang trại, số lượng lợn rất lớn lên đến hơn 700 con. Trang trại ông Hương có quy mô 759 con lợn gồm 366 con lợn nái, 350 lợn con, 24 con lợn đực. Giá trị nhất là đàn lợn nái, có con nái gắn bó với trang trại cả chục năm nay. Đặc biệt, lợn đực giống đa phần đều là những con có giá trị. Có loại lợn đực giống được nhập từ Đan Mạch để duy trì đàn giá trị lên đến 150 triệu đồng/con. Cứ mỗi con lợn khiêng đi ông Hương khóc thành tiếng. Những người ở xã, ở huyện đến giúp ông Hương tiêu hủy đàn lợn mấy ngày qua thấy ông vậy ai cũng thương. Nhưng không ai dám nhắc đến lợn vì họ sợ chạm đến nỗi đau mất trắng gia sản của ông, ông lại nức nở. Từng ô nuôi đang lần lượt thay thế bằng màu vôi trắng toát. Mà chỉ cách đây vài ngày thôi ông Hương khấp khởi bởi các lứa lợn chuẩn bị xuất bán. Giá lợn rớt mạnh, với kinh nghiệm nuôi lợn lâu năm cộng với khả năng dự đoán thị trường, ông Hương nấn ná chờ đến đầu tháng 6 này giá lợn nhỉnh lên chút đỉnh ông sẽ xuất bán hết lứa này. Ai ngờ, ngày 5/6, đại dịch tả lợn châu Phi đã ập đến. “Ban đầu, lợn chết 1 con, 2 con tôi chưa nghĩ tới dịch này đâu bởi trang trại nuôi lợn chuyện chết 1, 2 con là bình thường. 2 ngày sau đó đến 6 con chết một lần không rõ nguyên do, tôi hoảng, nhờ mấy anh em nuôi lợn C.P trong Sài Gòn lấy mẫu thử. Nghe câu nói: “Thua, sạt nghiệp anh ơi!” tôi rã rời, thôi rồi lợn nhiễm dịch tả châu Phi, nói rồi ông Hương vỡ òa.

Ông Hương mở trang trại lợn tại xã Đức Chính hơn 20 năm nay. Nhắc đến lợn trang trại Lý Văn Hương từ huyện Đức Linh, qua Tánh Linh ra đến ngoài tỉnh như Đồng Nai ai cũng biết bởi lợn thịt ngon, dài đòn, lớn nhanh. Trang trại chăn nuôi khép kín từ lợn thịt đến sản xuất lợn con cung cấp ra thị trường. Tâm huyết với nghề ông từ bỏ cả công việc nhà nước, tấm bằng thạc sĩ kinh tế về nhà gắn bó với con lợn. Ông Hương hiểu biết, tìm hiểu rất kỹ về căn bệnh dịch tả lợn châu Phi từ tháng 8 năm ngoái. Ông hiểu đây là bệnh chưa có vắc xin điều trị. Vì vậy, không có cách nào ngăn bệnh ngoài biện pháp áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học. Những loại thuốc tiêm phòng cho lợn đều được ông chủ động đặt mua từ nước ngoài về, nhiều loại rất đắt tiền để phòng ngừa. Công nhân trang trại cũng tuân thủ quy định “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, thuốc sát trùng phun thường xuyên đến ướt đẫm cả người… Biện pháp gì phòng ngừa ông đều làm hết. Ấy vậy mà dịch vẫn xâm nhiễm ông không lường trước được.

Chỉ sau một đêm, cơ ngơi, tổng đàn lợn có giá trị lên 15 tỷ đồng “đội nón ra đi”, ông Hương trở thành trắng tay, nước mắt và cả những khoản nợ khổng lồ khi dịch tả lợn châu Phi “càn quét” trang trại. Cầm bản hợp đồng thỏa thuận mỗi tháng cung cấp 500 con lợn con cho đơn vị đối tác trong tay, nước mắt ông cứ chảy miết…

 Nỗi lo vùng dịch

Từ chiều ngày 7/6, sau khi hai huyện Tánh Linh, Đức Linh công bố dịch, những chiếc loa phát thanh thôn xã liên tục thông báo cập nhật thông tin, cấm việc giết mổ, buôn bán, vận chuyển thịt lợn trong vùng dịch cũng như hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp khoanh vùng để khống chế dịch bệnh lây lan. Tại hai huyện cho ngừng hoạt động các cơ sở giết mổ không phép. Thịt lợn - thực phẩm quen thuộc không còn được bày bán, những gian hàng bán gà, cá… đông khách hơn thường lệ. Dù có nhiều thực phẩm khác để lựa chọn nhưng người tiêu dùng vẫn không giấu nỗi sự lo lắng. Chị Trần Thị Oanh, xã Gia An, huyện Tánh Linh chia sẻ: “Có nhiều thực phẩm khác để thay, nhưng không thể cứ ăn thịt gà, cá hay thịt bò mãi được. Chẳng biết sẽ cấm giết mổ, kinh doanh lợn đến thời điểm nào nên tôi thấy rất lo”. Còn tại vùng dịch Gia An, Đức Chính nhiều hộ có lợn nuôi đạt trọng lượng để xuất chuồng như đang “ngồi trên đống lửa” bởi trong thời gian này không được mổ, không được bán. Một hộ dân ở thị trấn Đức Tài giáp xã Đức Chính cũng lo lắng: “Dịch đến rất gần rồi, tôi lo lắng nhưng không có cách nào khác là chăm sóc tốt đàn lợn của gia đình, lợn nuôi lớn rồi nếu phải đem tiêu hủy rất xót xa”.

Là hai huyện có đàn lợn lớn nhất tỉnh nên UBND huyện Đức Linh, Tánh Linh đang dốc toàn lực dập dịch. Không để lan ra diện rộng, trong đó huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nguyên nhân, ảnh hưởng của bệnh dịch một cách cụ thể, đầy đủ, chính xác không gây hoang mang, lo lắng cho người dân. Tăng cường thêm các chốt kiểm dịch, rải vôi, phun thuốc tiêu độc khử trùng vùng dịch, các thôn, chợ, điểm giết mổ… Bà Phú Trần Phương Uyên - Chủ tịch xã Đức Chính (Đức Linh) thông tin: “Theo chỉ đạo của huyện, chúng tôi đang khẩn trương tiêu hủy toàn bộ số lợn trang trại ông Hương ngăn dịch lây lan”.

 Nỗ lực dập dịch

Mặc dù chưa xác định được nguyên nhân 2 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 2 xã Đức Chính (Đức Linh), xã Gia An (Tánh Linh) vừa tổ chức công bố mới đây nhưng cho thấy mức độ nguy hiểm của dịch bệnh này. Như lời của ông Hương nghi vấn: virus dịch tả lợn do cả ruồi mang đến trang trại, con đường lây lan khó lường. Tổ chức Thú y thế giới (OIE) khuyến cáo mặc dù dịch tả lợn châu Phi không lây lan sang người và các vật nuôi khác nhưng người và vật nuôi khác lại có thể mang mầm bệnh và lây nhiễm sang lợn qua các con vật trung gian như: ve hút máu, ruồi, muỗi, các loại bọ, chim, chuột, chó, mèo, trâu, bò, dê, cừu. Nhất là mới đây ngành chức năng còn xác định nguyên nhân làm lây lan dịch cũng một phần do chim trời. Bởi trang trại luôn có thức ăn, nước uống và cây xanh nên các hộ chăn nuôi và các trang trại luôn là môi trường sống tốt cho chim. Việc chim sẽ thường xuyên bay đến các trang trại cũng là nguyên nhân gây dịch. Để tránh nguy cơ lây bệnh do chim, ruồi, muỗi các hộ nên dùng lưới thưa quây thật kín các ô, dãy chuồng để chim không thể bay vào kiếm ăn.

Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đã lây lan 58 tỉnh, thành trong cả nước với trên 2,4 triệu con. Nhất là tỉnh ta có đường quốc lộ đi qua rất dài và các tỉnh giáp ranh đều đã xuất hiện dịch. Để chủ động phòng chống dịch, thời gian qua tỉnh ta đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, cấp bách ngăn chặn dịch xâm nhiễm. Đặc biệt, từ khâu thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời kiểm soát vận chuyển, truy xuất nguồn gốc lợn vào tỉnh đến thực hiện tiêu độc khử trùng, tuyên truyền người chăn nuôi áp dụng an toàn sinh học,… nhưng dịch vẫn xảy ra. Qua đi thực tế vùng dịch, gặp gỡ các hộ chăn nuôi tại xã Gia An (Tánh Linh) thì vẫn còn một số hộ chăn nuôi gia đình còn mơ hồ, chưa hiểu hết tác hại của dịch cho đến khi dịch xảy ra tại địa bàn. Đơn cử trường hợp bà Hồ Dương Thị Kim Tùng (thôn 1, xã Gia An) nơi xảy ra dịch tả lợn châu Phi trước đó từ ngày 1 - 5/6. “Nhà tôi nuôi 13 con lợn thịt, 1 lợn nái. Tôi vẫn thường xuyên hỏi người nhà ở Hải Phòng về dịch bệnh tả lợn châu Phi, cũng thường xuyên rải vôi khử trùng, không cho mang cám, hoặc thương lái vào chuồng bảo vệ đàn lợn”... Điều này cho thấy công tác tuyên truyền ở cơ sở chưa thật thường xuyên. Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh Nguyễn Đình Lâm thẳng thắn nhìn nhận công tác tuyên truyền phòng chống dịch tả lợn ở cơ sở chưa thật sự hiệu quả và báo cáo với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong sẽ chấn chỉnh, khắc phục ngay tồn tại. “Phải thay đổi cách thức tuyên truyền đi vào thực chất, cụ thể đến từng ngõ, ngách hộ dân để người dân chủ động và ý thức phòng chống dịch. Không để người dân tự ý tiêu hủy, tẩu tán và phân công từng cán bộ theo dõi số hộ chăn nuôi báo cáo hàng ngày… ”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong lưu ý.

Nhiệm vụ cấp bách bây giờ là huy động toàn lực dập dịch theo đúng quy định, không để lây lan trên diện rộng. Những con lợn nặng hơn 100 kg, 5 - 7 người  khệ nệ khiêng đi tiêu hủy, nỗi xót xa người nuôi thì còn đó khắc khoải. Nhưng sâu xa hơn hình ảnh ấy là sự trách nhiệm, cả hệ thống chính trị tỉnh và cái tâm của người chăn nuôi…

    
    Toàn tỉnh   có tổng đàn lợn khoảng 289.000 con, tập trung chủ yếu ở các huyện Đức   Linh, Tánh Linh, Hàm Tân và Hàm Thuận Bắc. Có 66 trang trại, 10.134 hộ   chăn nuôi. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng trực tiếp chủ trì cuộc họp   khẩn yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, không được lơ là, chủ   quan, cấp bách dập dịch. Tăng cường công tác phun thuốc khử trùng, tiêu   độc những nơi chưa có dịch. Giám sát chặt chẽ việc chống dịch, tránh   tình trạng trục lợi từ việc chống dịch.

Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cấp bách phòng chống dịch tả lợn châu Phi