Theo dõi trên

Cánh đồng mẫu lớn và khát vọng “gạo Tánh Linh”

18/09/2018, 08:38 - Lượt đọc: 72

BT- Tánh Linh là huyện miền núi, người dân trong huyện sống chủ yếu bằng nghề nông. Thời gian qua, huyện đã làm tốt việc xây dựng kế hoạch và mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến phối hợp với nông dân sản xuất để liên kết đầu tư và tiêu thụ sản phẩm. Với diện tích canh tác lúa hơn 11.000 ha, nằm trong lưu vực sông La Ngà, huyện Tánh Linh được xác định là một trong những vùng lúa trọng điểm của tỉnh. 

                
Ảnh: Đ.Hòa

Liên kết “bốn nhà”

Để nâng cao chất lượng lúa gạo, đồng thời tạo động lực giúp nông dân có bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năm 2011, huyện Tánh Linh  triển khai chương trình sản xuất lúa chất lượng cao thông qua liên kết “bốn nhà” (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp). Đến nay, chương trình đã mang lại hiệu quả trong việc giúp  nông dân mở rộng sản xuất, tăng thu nhập đồng thời góp phần nâng chất lượng lúa gạo Tánh Linh. Bà Trần Thị Lưu Vi, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tánh Linh cho biết, với mục tiêu tạo ra sản phẩm đồng nhất, đáp ứng thị trường tiêu thụ, đến nay toàn huyện đã xây dựng được vùng sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 3.000 ha tại 27 khu vực đồng lúa của 10 xã, thị trấn trong huyện.

Phần lớn diện tích này đều sản xuất tập trung theo từng vùng, từng cánh đồng và sản xuất tại vụ đông xuân hàng năm theo giống lúa chất lượng cao, được huyện hỗ trợ 20 – 25% giá giống. Đa số giống lúa xác nhận hỗ trợ cho nông dân sản xuất có nguồn gốc từ Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long. Trên vùng lúa chất lượng cao đã duy trì được mối liên kết với các doanh nghiệp đầu tư, tiêu thụ tốt sản phẩm cho nông dân. Đơn cử như xã Nghị Đức liên kết với Công ty Công Thành sản xuất 52 ha lúa; xã Đức Bình liên kết Công ty TNHH Đại Nhật Phát sản xuất 105 ha lúa; thị trấn Lạc Tánh liên kết Công ty Sơn Hưng sản xuất 50 ha lúa.

Ngoài hiệu quả kinh tế cải thiện thu nhập đối với nông dân, chương trình sản xuất lúa chất lượng cao giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất nhỏ lẻ chuyển sang sản xuất mô hình tập trung. Đồng thời, chương trình tạo mối liên kết “bốn nhà”, tạo được niềm tin cho nhà nông, từ đó nông dân mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là hạn chế sử dụng hóa chất trong sản xuất lúa, tạo ra gạo sạch. 

“Gạo Tánh Linh”

Khi mới đưa vào thực hiện chương trình sản xuất lúa chất lượng cao, địa phương còn gặp phải khó khăn về giống lúa. Tuy nhiên, năm 2016, huyện Tánh Linh quy hoạch và xây dựng vùng sản xuất lúa giống tập trung theo hướng xã hội hóa. Từ các mô hình trình diễn giống lúa xác nhận nhỏ lẻ đến nay, huyện đã từng bước nhân rộng sản xuất giống lúa chất lượng cao tại các xã, thị trấn với diện tích 130 ha. Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện sẽ hoàn thiện cánh đồng lớn với diện tích 1.850 ha.

 Tiến một bước dài để khẳng định nguồn gốc sản xuất hàng hóa, UBND huyện Tánh Linh đã xây dựng được nhãn hiệu “gạo Tánh Linh”, được Cục sở hữu Trí tuệ chứng nhận, làm cơ sở cho việc tiêu thụ lúa gạo sản xuất ra trên địa bàn huyện. Hiện toàn huyện có 6 hợp tác xã, 3 tổ hợp tác chuyên sản xuất giống lúa xác nhận, với diện tích 149 ha, đạt sản lượng 750 tấn, được đóng bao bì nhãn hiệu của Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long 25 tấn, còn lại tiêu thụ tại địa phương. Năm 2017, Khuyến nông quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện mô hình cánh đồng lớn 50 ha lúa tại xã Đức Phú theo hướng sản xuất hữu cơ an toàn thực phẩm, bằng cách liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ chuyển giao quy trình cấy bằng máy, bón phân hữu cơ vi sinh để tạo sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn của Mỹ. Đến năm 2018, tiếp tục triển khai mô hình này tại các xã Đức Bình, Đồng Kho, Lạc Tánh, Nghị Đức, nhằm mang lại lợi nhuận cao cho nông dân, môi trường đồng ruộng được cải thiện và có sản phẩm mang nhãn hiệu “gạo Tánh Linh”.

    
      Theo phòng Nông nghiệp huyện, năm 2018 sẽ hoàn thành xây dựng nhãn   hiệu “gạo Tánh Linh” và công bố quy trình sản xuất để nhân rộng cho các   doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

M.Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Triển khai đồng bộ, hiệu quả chính sách cải cách tiền lương
Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 27, Chương trình hành động số 51, việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung liên quan đến cải cách chính sách tiền lương được đẩy mạnh, tạo được sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cánh đồng mẫu lớn và khát vọng “gạo Tánh Linh”