Theo dõi trên

Cánh đồng lớn thanh long

30/04/2019, 10:04 - Lượt đọc: 210

Bài 1: Từ vùng chuyên canh theo hướng GAP

 BT - Với 50% diện tích thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Hàm Thuận Nam đang xây dựng cánh đồng lớn thanh long nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, thúc đẩy sản xuất tập trung tạo ra lượng hàng hóa lớn…

Canh tác thanh long hữu cơ

Ở Hàm Thuận Nam, cái nắng rát bỏng cuối tháng tư như được xoa dịu bởi những màu xanh mướt thanh long. Sắc xanh, đỏ hòa quyện thu hút ánh nhìn khi tìm đến những vườn thanh long ứng dụng công nghệ cao ở xã Thuận Quý. Anh Nguyễn Ngọc Hải – Phó Chủ tịch UBND xã đi cùng chúng tôi chỉ tay về mảng màu xanh trải dài hai bên đường, bên trên là những vòi phun những tia nước li ti cứ như từng màn mưa bay trong nắng, anh nói: “Dân Thuận Quý mình khá lên nhờ thanh long. Dấu mốc quan trọng của sự đổi thay là từ những năm 2010, những khu đất trồng dưa, trồng đậu nay đã phủ lên màu xanh thanh long. Có đến 93% diện tích thanh long được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP”.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng thăm khu chế biến của Trang trại thanh long Kim Hải, xã Tân Lập.

Anh Hải vẫn còn nhớ về một Thuận Quý xưa gian khó, phần đông dân cư mới là những người dân bám trụ của chiến khu Bưng Kỳ Hào và những ngư dân từ đảo Phú Quý đến sinh sống. Cuộc sống thiếu thốn trăm bề, người dân trong xã nhiều nhà vách đất liêu xiêu, khó lắm mới có một vài căn nhà tôn. Ấy vậy mà, hôm nay đi trên con đường từ ngã ba Hàm Minh kết nối quốc lộ 1A đến tận trung tâm xã được trải nhựa phẳng lỳ. Điện kéo về thắp sáng thôn xã, nhiều ngôi nhà xây bề thế, nông dân sắm xe hơi không còn là chuyện hiếm. Về đêm điện thắp sáng những rẫy trồng thanh long như “phố thị”, thanh long cho mùa quả ngọt ngay trong vụ nghịch. Tất cả minh chứng cho sự “thay da đổi thịt” của xã nghèo từ khi nông dân gắn bó với cây “rồng xanh”.

“Nông dân Thuận Quý rất cần cù, chịu khó học hỏi”, lời nhận xét của Phó Chủ tịch xã chắc hẳn không chỉ là lời nói suông, bởi thực tế nông dân nơi đây đã thay đổi tập quán canh tác nông nghiệp từ khi họ nhận thấy thanh long là cây làm giàu. Từ đó, họ đã ý thức, để thanh long đem lại lợi nhuận bền vững không có cách nào khác phải sản xuất thanh long an toàn, sạch. Và việc nâng chất lượng quả thanh long là điều tất yếu khi thị trường Trung Quốc, nơi thu mua 80% trái thanh long Bình Thuận thời gian qua, cũng đã bắt đầu chuyển sang nhập loại trái cây này theo hướng chất lượng cao, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Như để dẫn chứng cho điều mình nói, anh Hải thông tin: “Trong 497,2 ha diện tích trồng thanh long toàn xã thì có đến 462 ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chiếm 93%. Có đến 7 trang trại canh tác thanh long VietGAP, có trang trại diện tích nhiều nhất lên 80 ha, nhỏ nhất từ 7 ha trở lên”. Thuận Quý cũng là địa phương dẫn đầu huyện Hàm Thuận Nam về diện tích sản xuất thanh long VietGAP.

Tại trang trại Bình An, có 80 ha trồng thanh long VietGAP. Đây là một trong số các trang trại trồng thanh long hữu cơ ở xã với diện tích 30 ha. Từng hàng thanh long thẳng tắp, trái chín đỏ mọng sai quả, quản lý trang trại Dương Quốc Toàn đi cùng giải thích: “Thanh long này được trồng theo phương thức mới leo giàn vừa tận dụng tối da diện tích đất lại vừa dễ dàng trong việc chăm sóc, vệ sinh vườn, thu hoạch trái lại tiết kiệm nước tưới. Nhất là có thể cơ giới hóa hoàn toàn trong sản xuất như: sử dụng máy cày để bón phân hữu cơ, sử dụng máy cắt cỏ...”. Theo tính toán, nếu so với cách trồng truyền thống từng trụ riêng lẻ, mỗi ha đất trồng khoảng 1.000 trụ thanh long. Tuy nhiên, với cách trồng giàn, khoảng cách giữa các trụ bê tông được rút ngắn hơn, ở giữa các trụ có thêm một trụ phụ bằng sắt hoặc tre. Trên các đầu trụ được nối với nhau bằng đường dây cáp giúp cành thanh long leo thành giàn. Khoảng cách mỗi giàn từ 3 – 4m, mỗi ha đất có thể trồng đến 2.500 trụ thanh long. Năng suất cao nhờ số lượng cành và trái nhiều, bình quân khoảng 60 tấn/ha; 1 ha cho lãi 400 - 600 triệu đồng/năm. Thuận Quý phấn đấu đến năm 2025 có trên 50% diện tích thanh long thực hiện cánh đồng lớn. 100% nông dân được chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ sinh học trong canh tác và quản lý dịch hại cũng như sản xuất thanh long theo hướng GAP nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tính cạnh tranh nông sản nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hướng đến sản xuất organic…

Tại Trang trại Kim Hải (thôn Lập Phước, xã Tân Lập) trồng, chế biến, xuất khẩu thanh long theo mô hình khép kín theo tiêu chuẩn Global GAP và HACCP. Bắt đầu trồng thanh long từ năm 2007 đến năm 2010, trang trại được chứng nhận quy trình trồng trọt an toàn theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (Global GAP) cho 30 ha. Đây là một trong những trang trại tiên phong ứng dụng công nghệ cao, quy trình khép kín, quản lý tốt hướng đến nền nông nghiệp sạch. Năm 2011, Trang trại thanh long Kim Hải được Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho quả thanh long. Quy trình sản xuất của trang trại đảm bảo tuân thủ các quy trình về canh tác nông nghiệp an toàn và bền vững, không sử dụng chất kích thích tăng trưởng, hạn chế tối đa việc sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Chủ trang trại Phạm Văn Long cho biết: “Trang trại đang chuyển đổi sang canh tác theo tiêu chuẩn organic cho diện tích 30 ha và mở rộng diện tích thêm 50 ha nữa trong thời gian đến. Trang trại chỉ sử dụng phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học chăm sóc cây  nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, cũng như đảm bảo an toàn cho người lao động và môi trường”.

    
        “Từ Thuận Quý nhìn ra toàn Hàm Thuận Nam đã hình thành vùng sản xuất   thanh long tập trung cộng với tuân thủ quy trình VietGAP, GlobalGap… là   nền tảng để xây dựng cánh đồng lớn thanh long liên kết chuỗi”.Ông Nguyễn   Văn Phúc – Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hàm Thuận Nam cho biết.

 Dù chưa nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu trái tươi ra các thị trường khó tính. Trang trại có đội ngũ các tiến sĩ, thạc sĩ và kỹ sư chuyên ngành công nghệ thực phẩm nghiên cứu trong thời gian dài về sản xuất, chế biến loại quả này nên đã xây dựng vào quy trình chế biến sâu cho ra các sản phẩm thanh long mang nhãn hiệu A’Fruit gồm: Nước ép thanh long, thanh long miếng sấy dẻo, snack thanh long được đang một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản ưa chuộng. “Khi thị trường thanh long chưa ổn định, trang trại đã quyết định đầu tư vào các sản phẩm giá trị gia tăng khi chưa nhiều người làm ra sản phẩm từ thanh long. Những dòng sản phẩm được trang trại liên kết với Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Kim Hải (Tp. Hồ Chí Minh) nghiên cứu kỹ lưỡng từ nhu cầu tiêu dùng và xu hướng sử dụng nước ép trái cây trên thế giới”, ông Long chia sẻ. Đơn cử như, nước ép thanh long A’fruit có vị ngọt dịu với màu tím hồng đặc trưng của thanh long ruột đỏ kết hợp với vị chua nhẹ của thanh long ruột trắng. Ngoài sử dụng phương pháp ép truyền thống kết hợp công nghệ chế biến của Nhật để giữ nguyên mùi vị và các giá trị dinh dưỡng. Điều đặt biệt, nước ép thanh long A’fruit được chế biến từ những trái thanh long tươi sạch, được sản xuất và đóng gói trên dây chuyền tự động khép kín. Trang trại tham gia cánh đồng lớn thanh long để chuyển sang canh tác theo hướng organic xuất khẩu trái tươi cũng như đẩy mạnh xúc tiến sản phẩm thanh long trong thời gian tới          

 Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cánh đồng lớn thanh long