Theo dõi trên

Bội thu trong cảnh biển khan hiếm

20/02/2020, 09:58

BT- Ai cũng nhủ lòng, chỉ cần gắng giữ gìn đến tháng 3 tới là sẽ khai thác sò lông… nhưng trong tình cảnh hiện tại, đó là một sự canh giữ ngột ngạt. 

Chuyện vùng lõi 1

Những chuyến biển sau tết của năm nay không nhộn nhịp và không được mùa khiến nhiều ngư dân hoạt động trên các ngành nghề đánh bắt tại tỉnh đều không vui. Nhưng với 54 ngư dân ở Thuận Quý (Hàm Thuận Nam) thì đang phấn khởi, vì thông tin qua đợt khảo sát vùng thuộc dự án đồng quản lý sò lông trên vùng biển ven bờ tại xã cho thấy trữ lượng sò lông đang đóng dày, cứ 1m2 dưới đáy có đến 5 kg sò lông. Tính ra, trên vùng lõi của dự án rộng 16 km2, trữ lượng sò lông sẽ thu về với con số khổng lồ. Chưa năm nào, sò lông lại đóng nhiều như năm nay. Và cũng chưa năm nào, các loài nhuyễn thể 2 mảnh khác lại sinh sôi nhiều như thời điểm này. Rồi còn cá, tôm… nữa, đã tập trung nhiều ở vùng dự án nên ai cũng vui và cũng lo. Vui vì chứng tỏ những gì đã nhọc nhằn trong quản lý bảo vệ vùng ven biển thuộc dự án đã dừng 2 năm qua vẫn đang phát huy hiệu quả. Không chỉ sò lông, đối tượng chính ngư dân quan tâm mà còn nhiều loài hải sản khác đã thích nghi điều kiện sống dưới vùng biển ven bờ này. Còn lo là vì sự quần tụ nhộn nhịp của các loài nhuyễn thể ấy trong vùng dự án, liệu có đủ thức ăn để chúng có thể lớn kịp thu hoạch trong tháng 3 tới không. Đâu thể cung cấp thức ăn như hình thức nuôi trên biển, vì những loài nhuyễn thể này chỉ chuyên ăn phù du sống trên sông theo dòng nước đổ ra biển từng ngày nhưng bây giờ, dòng suối Nhum lại đang cạn.

Và còn một nỗi lo khác nghiêm trọng hơn là các tàu thuyền ở nơi khác vào vùng 16 km2 này để khai thác hải sản trộm, dù ranh giới đã được cắm cờ. 54 ngư  dân ở đây thay phiên canh gác nhưng không phải lúc nào cũng 24/24 giờ, nhất là thời điểm này, ngoài biển đang bị mất mùa hải sản. Ai cũng nhủ lòng, chỉ cần gắng giữ gìn đến tháng 3 tới là sẽ khai thác nhưng trong bối cảnh hiện tại, đó là một sự  canh giữ ngột ngạt.

Ông Đồng Văn Triễm, Chủ tịch Hội cộng đồng ngư dân Thuận Quý nói trong sự lo lắng: “Năm ngoái có 9 thuyền ở TP. Phan Thiết vào vùng dự án của chúng tôi lặn đánh bắt. Sau khi phát hiện, ngành chức năng xử phạt mỗi thuyền chỉ 2 triệu đồng, trong khi hải sản thu về mà mỗi thuyền bán được từ 10 - 20 triệu đồng. Vì vậy, chúng tôi đề nghị cần xử phạt nặng hơn và nhất là khi cấp giấy phép khai thác cho các thuyền này, ngành chức năng phải khoanh vùng dự án ở Thuận Quý, nhấn mạnh các tàu thuyền cấm xâm phạm”.   

Chuyện vùng lõi 2

Tương tự ở Thuận Quý, vùng dự án đồng quản lý điệp quạt ở Phước Thể (Tuy Phong) còn khốc liệt hơn, khi địa bàn này từ xưa nay là nơi ra vào đánh bắt của tàu thuyền 4 tỉnh: Phú Yên, Ninh Thuận, Khánh Hòa và Bình Thuận. Vùng lõi của dự án ở Phước Thể rộng hơn 50 ha, cách Khu bảo tồn biển Hòn Cau chỉ vài hải lý nên hải sản vào ra nhộn nhịp. Lúc trước, trong thời gian dự án hoạt động, đã thả hàng ngàn con điệp quạt xuống đây. Vào ngày 1/4/2019, Chi cục Thủy sản Bình Thuận đã phối hợp các đơn vị liên quan thả 200.000 con tôm sú giống và gần 2.000 con cá bớp giống, ốc hương giống tại khu bảo tồn này. Vì vậy, nguồn lợi hải sản vùng này rất dồi dào nên tàu thuyền cũng tấp nập. 250 ngư dân trong vùng tham gia quản lý nhưng đôi lúc không xuể. “Chuyện đánh trộm trong vùng dự án có xảy ra nhưng chỉ với cá, còn các loài nhuyễn thể thì không.Thời điểm này, trong vùng lõi, điệp quạt đóng dày. Chưa có năm nào dày như năm nay”- anh Trương Đình Công Em, ngư dân trong Tổ quản lý cộng đồng nói thế. Theo anh Công Em, mấy năm trước giữ gìn rồi khai thác 2 - 3 tháng là hết. Nhưng năm nay, ngư dân ở đây đã khai thác điệp quạt và các loài nhuyễn thể khác từ tháng 7 năm ngoái đến giờ, nguồn lợi hải sản trên vẫn còn, hiện đã có những con non xuất hiện. Nhờ vậy, sau tết những thuyền thúng khai thác điệp quạt trong ngày cho thu nhập thấp nhất 1 triệu đồng, nhiều nhất trên 10 triệu đồng. Đó chỉ là bán chợ, chứ nếu được các công ty mua xuất khẩu thì thu nhập của ngư dân còn cao.

Mức thu nhập trên là mơ ước của bao ngư dân đang đánh bắt trên biển chung vào thời điểm này. Sự đối lập ấy đã tạo ra đỉnh điểm của được và mất hải sản trên biển. Vì thế, suy nghĩ đơn giản của những ngư dân trong 2 dự án trên là chỉ cần tạo “nhà” và giữ yên thì tự khắc trong lòng biển ấy, các loài sẽ sinh sôi nảy nở, bỗng trở thành lời khuyên chung trong tình cảnh mất mùa biển hiện tại. “Cái chúng tôi làm chỉ là không cho tàu giã cào bay cày xới vào vùng biển ven bờ của dự án. Biển yên bình thì sẽ bội thu hải sản thôi!” – anh Công Em nói.

    
    Sau tết những thuyền   thúng khai thác điệp quạt trong ngày cho thu nhập thấp nhất 1 triệu   đồng, nhiều nhất trên 10 triệu đồng. Đó chỉ là bán chợ, chứ nếu được các   công ty mua xuất khẩu thì thu nhập của ngư dân còn cao.

 Bích NghỊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bội thu trong cảnh biển khan hiếm