Theo dõi trên

Bình Thuận với chiến lược phát triển kinh tế biển

13/09/2019, 09:26 - Lượt đọc: 60

 BT- Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với yêu cầu hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển, ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý, đổi mới, phát triển mô hình tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh quốc tế của các ngành kinh tế biển…

                
      
Khách du lịch trong và ngoài nước đến Mũi    Né - Phan Thiết rất thích thú với môn thể thao lướt ván diều cảm    giác mạnh. Ảnh: Đình Hòa

 Sự cần thiết của hội thảo

Bình Thuận là 1 trong 28 tỉnh, thành có biển, với chiều dài bờ biển 192 km - là một trong những ngư trường đánh bắt lớn của cả nước. Những năm qua, với thế mạnh vốn có, ngành thủy sản Bình Thuận đã có nhiều đóng góp nhất định trong tổng sản phẩm quốc nội. Để cụ thể hóa Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Trung ương, Tỉnh ủy Bình Thuận phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo với mục đích xác định những giải pháp để huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế để đầu tư cho phát triển bền vững kinh tế biển. Hội thảo với sự tham dự của 150 đại biểu đến từ các tỉnh, thành, nhà nghiên cứu, nhà khoa học để cùng làm rõ tiềm năng lợi thế của vùng biển cả nước nói chung, các tỉnh, thành duyên hải miền Trung và phía Nam nói riêng. Đây cũng là dịp đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế biển. Qua đó, đề ra những giải pháp thiết thực, góp phần tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Chính vì vậy hội thảo tổ chức lần này được ví như chiếc “la bàn”, thông qua sự tư vấn của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế, giúp cho Bình Thuận phát triển kinh tế biển bền vững, đúng định hướng của Đảng.

                
Nuôi cá lồng bè ở Phú Quý. Ảnh: Đình Hòa

 Nhiều tiềm năng, lợi thế

Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung bộ, phía Bắc giáp Lâm Đồng và Ninh Thuận, phía Tây giáp Đồng Nai, Tây Nam giáp Bà Rịa - Vũng Tàu, Đông và Đông Nam giáp biển Đông. Cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 200 km và TP. Nha Trang 250 km. Ngoài khơi có huyện đảo Phú Quý, cách TP. Phan Thiết 120 km. Diện tích tự nhiên của tỉnh là 7.830 km2; dân số trên 1,3 triệu người, khoảng 700.000 lao động. Với vị trí địa lý như trên, bên cạnh mối quan hệ kinh tế truyền thống với không gian kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Thuận có điều kiện mở rộng mối quan hệ giao lưu phát triển kinh tế với các tỉnh Tây nguyên và cả nước. Sức hút của các thành phố và các trung tâm phát triển như TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa tạo điều kiện cho tỉnh đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, tiếp thu nhanh khoa học kỹ thuật đồng thời cũng là một thách thức lớn đặt ra cho Bình Thuận phải phát triển nhanh nền kinh tế, nhất là kinh tế biển. Trong những năm qua, chiến lược phát triển kinh tế biển của Bình Thuận đã đạt được những thành tựu nhất định, trong đó, nổi bật là du lịch. Trong nhiều năm liền, ngành du lịch Bình Thuận có tốc độ tăng trưởng khá ổn định, lượng du khách đến tỉnh tăng bình quân 10,95%/năm, trong đó khách quốc tế tăng bình quân 12,8%/năm; doanh thu từ khách du lịch tăng trưởng ở mức cao, bình quân đạt 24,78%/năm; các khoản nộp ngân sách từ hoạt động du lịch tăng bình quân 7,3%/năm; GRDP du lịch tăng bình quân 6,04%/năm; lao động trong lĩnh vực du lịch tăng bình quân 12,3%/năm.

 Hướng đến tương lai

Là tỉnh có bờ biển dài, những năm qua kinh tế biển của Bình Thuận đã đóng góp nhất định vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết một số lượng lao động. Để cụ thể hóa Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Trung ương, Bình Thuận đặt mục tiêu cụ thể thực hiện Chiến lược biển đến năm 2030, bao gồm: Quản lý biển, hải đảo và vùng bờ theo chuẩn mực quốc gia đạt mức thuộc nhóm địa phương đứng đầu trở lên. Các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 15% GRDP toàn tỉnh; kinh tế của 7 huyện, thị xã, thành phố ven biển và hải đảo ước đạt 75 - 80% GRDP của tỉnh. Chỉ số phát triển con người vùng biển đảo cao hơn mức trung bình của toàn tỉnh; thu nhập bình quân đầu người của các huyện, thị xã, thành phố ven biển và hải đảo cao gấp 1,5 lần trở lên so với thu nhập bình quân của toàn tỉnh. Đảo Phú Quý đảm bảo hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đầy đủ, đặc biệt là điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục. Kiểm soát tốt môi trường biển. Ở các huyện, thị xã, thành phố ven biển và hải đảo đảm bảo 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường... Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo của tỉnh; quản lý tốt và phát triển các khu bảo tồn biển; duy trì diện tích rừng ven biển hiện có.

Hy vọng sau hội thảo này, Bình Thuận sẽ có những quyết sách, định hướng phù hợp để phát triển kinh tế biển một cách bền vững.

    
    Với thế   mạnh vốn có, ngành thủy sản Bình Thuận đã có nhiều đóng góp nhất định   trong tổng sản phẩm quốc nội. Để cụ thể hóa Nghị quyết 36 của Ban Chấp   hành Trung ương, Tỉnh ủy Bình Thuận phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ   chức hội thảo với mục đích xác định những giải pháp để huy động nguồn   lực của các thành phần kinh tế để đầu tư cho phát triển bền vững kinh tế   biển.

Công Nam – Lê Thành



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận với chiến lược phát triển kinh tế biển