Theo dõi trên

Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng quốc gia

06/01/2021, 10:50 - Lượt đọc: 216

BT- Thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 của tỉnh trong việc khai thác tiềm năng năng lượng. Đến nay, Bình Thuận đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và tích cực đôn đốc triển khai các dự án để sớm trở thành trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia.

Từ năm 2016 đến nay, Bình Thuận đã đầu tư hoàn thành các dự án nguồn điện đúng theo quy hoạch đã phê duyệt, gồm: 3 nhà máy trong Trung tâm điện lực Vĩnh Tân đã hoàn thành với tổng công suất 3.040MW, tổng vốn đầu tư khoảng 104.235 tỷ đồng (nâng công suất Trung tâm Vĩnh Tân lên 4.284 MW cho 4 nhà máy). Ngoài ra, với tiềm năng, lợi thế phát triển năng lượng tái tạo, đã hoàn thành 21 nhà máy điện mặt trời, tổng công suất 903,48MW (1.137,5 MWp), tổng vốn đầu tư khoảng 25.059 tỷ đồng và 2 nhà máy điện gió, tổng công suất 64MW, tổng vốn đầu tư khoảng 2.930 tỷ đồng.

Hiện nay, toàn tỉnh có 38 nhà máy điện đang hoạt động phát điện với tổng công suất 6.094 MW (gồm: 4 nhà máy nhiệt điện thuộc Trung tâm điện lực Vĩnh Tân (công suất 4.224 MW), 7 nhà máy thủy điện (819,5 MW), 1 nhà máy điện diesel đảo Phú Quý (10 MW), 4 nhà máy điện gió (100 MW) và 22 nhà máy điện mặt trời (940,3 MW). Sản lượng điện thiết kế của 38 nhà máy điện trên địa bàn tỉnh khoảng 30,85 tỷ kWh/năm. Đến cuối năm 2020 hoàn thành, đóng điện thêm 4 nhà máy điện mặt trời, với tổng công suất 131,6MW, sản lượng điện thiết kế 274 triệu kWh/năm. Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận còn có Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (1.980 MW) thuộc Trung tâm điện lực Vĩnh Tân đang chuẩn bị thi công; Trung tâm điện lực (khí LNG) Sơn Mỹ với tổng công suất 2 nhà máy là 4.500 MW đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, sẽ khởi công sau năm 2020. Có 1 nhà đầu tư đang xin chủ trương đầu tư dự án nhiệt điện khí LNG Kê Gà (3.600MW), thực hiện đầu tư giai đoạn 2025-2035. Hiện nay, tổng công suất nguồn điện đã có trong quy hoạch điện lực trên địa bàn tỉnh Bình Thuận khoảng 13.700 MW.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân

Về điện gió, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 20 dự án, với tổng công suất 812,5 MW đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió tỉnh. Trong đó có 14 dự án đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng công suất 598 MW. Riêng trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã đồng ý chủ trương cho Công ty Enterprize Energy nghiên cứu khảo sát dự án điện gió Thăng Long Wind ngoài khơi Kê Gà (Hàm Thuận Nam) với công suất đề xuất 3.400 MW; hiện nay nhà đầu tư đã hoàn thành lập quy hoạch điện lực bổ sung, trình Bộ Công Thương thẩm định. Một số nhà đầu tư khác cũng đã đăng ký đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND tỉnh cho khảo sát 7 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất đề xuất khoảng 18.800 MW; trong đó có Dự án La Gàn, theo đề xuất của Liên doanh Công ty cổ phần Năng lượng Dầu khí châu Á, Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners và Công ty TNHH Novasia Energy với công suất 3.500MW, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản gởi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương. Hiện Văn phòng Chính phủ đã chuyển cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ ngành liên quan xem xét, xử lý theo thẩm quyền. Đồng thời bổ sung quy hoạch 3 dự án điện gió trên đất liền với tổng công suất đề xuất 127,4MW.

Đặc biệt đối với dự án điện gió Thăng Long Wind, UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương xem đây là dự án điện gió ngoài khơi tiên phong mang tính đột phá, cần được ưu tiên xem xét thẩm định, phê duyệt để sớm đưa vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để Tập đoàn EE lập hồ sơ xin chủ trương đầu tư và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Thông báo của Văn phòng Chính phủ số 621/2019. Giai đoạn I sẽ triển khai các hoạt động xây dựng vào năm 2022 và sẽ phát điện vào năm 2024. Các giai đoạn tiếp theo sẽ đưa vào Quy hoạch phát triển điện VIII để toàn bộ dự án Thăng Long Wind với tổng công suất 3.400MW sẽ phát điện vào trước năm 2030. Theo đề xuất của Tập đoàn EE, nếu được Chính phủ chấp thuận, Tập đoàn EE sẽ đầu tư hệ thống đường dây truyền tải và chi phí đầu tư sẽ được hoàn trả thông qua hợp đồng mua bán điện hoặc hình thức phù hợp. Cơ chế giá điện và hợp đồng mua bán điện thực hiện qua đàm phán giá mua bán điện và hợp đồng mua bán điện áp dụng riêng cho dự án.

Về các dự án điện mặt trời, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 98 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất khoảng 5.133 MWp (tương đương 6.407 MW); trong đó có 26 dự án đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng công suất 1.071,9 MW (tương đương 1.346,7 MWp); đến nay đã có 22 dự án vận hành, phát điện, với tổng công suất 940,285 MW (tương đương 1.283,5 MWp).

Theo ông Dương Tấn Long – Trưởng phòng Quản lý điện và năng lượng (Sở Công Thương), đến cuối năm 2020, tỉnh Bình Thuận có 42 nhà máy điện hoạt động phát điện với tổng công suất 6.225,4 MW (gồm: 4 nhà máy nhiệt điện thuộc Trung tâm điện lực Vĩnh Tân (công suất 4.224 MW), 7 nhà máy thủy điện (819,5 MW), 1 nhà máy điện diesel đảo Phú Quý (10 MW), 4 nhà máy điện gió (100 MW) và 26 nhà máy điện mặt trời (1.071,9 MW). Sản lượng điện thiết kế của 37 nhà máy điện trên địa bàn tỉnh khoảng 31,13 tỷ kWh/năm. Như vậy, ngành công nghiệp điện, năng lượng của tỉnh đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà và đảm bảo cung cấp điện cho khu vực kinh tế trọng điểm phía nam, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

 C.Nam – T.Long



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng quốc gia