Theo dõi trên

Bình Thuận kiến nghị Trung ương đầu tư các dự án, công trình chống hạn quan trọng

02/05/2016, 08:45

BT- Chủ tịch UBND tỉnh vừa gửi văn bản kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt phục vụ công tác phòng, chống hạn hán cho tỉnh Bình Thuận.

                
Hệ thống kênh Tà Pao. Ảnh: Đ.Hòa

Hiện nay, Bình Thuận là tỉnh nằm trong vùng khô hạn nhất cả nước. Toàn tỉnh có 312.968 ha đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên đến nay tổng diện tích canh tác được tưới bằng nguồn nước từ công trình thủy lợi trong điều kiện thời tiết bình thường chỉ đạt 48.706 ha. Trước tình hình biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng có chiều hướng gia tăng và khốc liệt hơn, dự báo trong những năm tới, tình hình hạn hán, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất diễn ra gay gắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sinh hoạt của nhân dân. Để ứng phó với tình hình hạn hán ngày càng có xu hướng khốc liệt hơn trong những năm tới, đảm bảo giải quyết bền vững nguồn nước phục vụ chống hạn để thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng có chiều hướng gia tăng. Ngoài những công trình bức xúc UBND tỉnh đã đề nghị đầu tư theo Công văn số 1164/UBND-ĐTQH ngày 13/4/2016 thì cần thiết phải sớm đầu tư xây dựng một số công trình thủy lợi và công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn cấp bách để phục vụ cho các mục tiêu nêu trên. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách tỉnh khó khăn, không thể cân đối được nguồn vốn để đầu tư xây dựng công trình. Do đó, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển triển nông thôn xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ ngân sách trung ương để tỉnh có điều kiện triển khai đầu tư xây dựng một số công trình thủy lợi và công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, bao gồm:

Dự án hồ chứa nước Ka Pét: Tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng, dung tích 51,23 triệu m3, nhiệm vụ cấp nước tưới trực tiếp cho 2.615 ha, cấp nước sinh hoạt cho 150.000 người ở 8 xã thuộc huyện Hàm Thuận Nam và tiếp nước bổ sung cho hồ Sông Móng và hồ Ba Bàu.

Dự án kênh tiếp nước Hàm Tân – Hàm Thuận Nam: Tổng mức đầu tư 295 tỷ đồng, nhiệm vụ cấp nước tưới chủ động cho 13.659 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Tân và Hàm Thuận Nam, đồng thời giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô hàng năm cho xã Sông Phan và thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân; xã Tân Lập và thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam.

Dự án kênh tiếp nước Hàm Tân - La Gi: Tổng mức đầu tư 280 tỷ đồng, nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt và tưới 5.400 ha đất nông nghiệp khu vực thượng nguồn hồ chứa nước Núi Đất, một phần diện tích đất nông nghiệp của xã Tân Phúc và xã Tân Hà, huyện Hàm Tân. Cấp nước sinh hoạt 20.000 m3/ngày cho thị xã La Gi.

Dự án kênh Lăng Quăng - Tân Hà: Tổng mức đầu tư 75 tỷ đồng, nhiệm vụ trước mắt cấp nước tưới cho 2.600 ha đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đức Linh; nhiệm vụ lâu dài cấp nước tưới 5.200 ha, trong đó tưới trực tiếp 4.600 ha, tiếp nước hồ Trà Tân tưới 600 ha.

Hệ thống nước La Dạ: Tổng mức đầu tư 28 tỷ đồng, nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt cho 3.000 nhân khẩu dân tộc thiểu số thuộc các xã La Dạ, Đông Giang, Đông Tiến, huyện Hàm Thuận Bắc.

Hệ thống nước các xã phía Nam huyện Đức Linh: Tổng mức đầu tư 95 tỷ đồng, nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt cho 60.000 nhân khẩu thuộc các xã, thị trấn khu vực phía Nam huyện Đức Linh, gồm: Đức Tài, Đức Tín, Đức Hạnh, Tân Hà, Trà Tân, Đông Hà.

Hệ thống nước Tà Pao: Tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng, nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt cho 55.000 nhân khẩu thuộc các xã Đồng Kho, Bắc Ruộng, Huy Khiêm, Đức Bình, Măng Tố, Đức Tân, Đức Thuận, Gia An huyện Tánh Linh.

Đền bù lòng hồ và đầu tư xây dựng hệ thống kênh nhánh hồ chứa nước Sông Dinh 3: Kinh phí 459 tỷ đồng. Công trình có dung tích 58 triệu m3 nước, hiện nay đã xây dựng xong công trình đầu mối, hệ thống kênh chính nhưng chưa tích nước theo thiết kế, vì vậy không thể cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, hoạt động công nghiệp trên địa bàn huyện Hàm Tân và thị xã La Gi theo nhiệm vụ thiết kế, đây là hai địa phương trong tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi tình hình hạn hán trong những năm vừa qua.

Ngoài ra, UBND tỉnh còn đề nghị các Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thống nhất chủ trương giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm đầu tư công trình hồ chứa nước Sông Lũy có dung tích 145 triệu m3 nước, tưới cho 42.000 ha và cung cấp nước sinh hoạt sản xuất công nghiệp cho các huyện phía Bắc tỉnh. Cho chủ trương nghiên cứu đầu tư xây dựng hồ La Ngà 3, huyện Tánh Linh, cấp nước tưới ổn định cho 66.630 ha đất nông nghiệp cho tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, giải quyết tình hình hạn hán thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nghiêm trọng tại các huyện phía Nam tỉnh Bình Thuận và phía Bắc tỉnh Đồng Nai.

HuỲnh Lê



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận kiến nghị Trung ương đầu tư các dự án, công trình chống hạn quan trọng