Theo dõi trên

Bài dự thi giải cờ đỏ năm 2020:

27/09/2020, 10:46 - Lượt đọc: 6

Lá chắn cho doanh nghiệp trước “bão” thị trường

Bài 1:Đứng vững trước dịch Covid- 19

BTO - Là một trong số ít doanh nghiệp nhà nước của tỉnh, việc chịu ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 là bất khả kháng đối với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận (công ty). Điều cần nhất ngay thời điểm khó khăn ấy là sự lãnh đạo của Đảng ủy công ty, cùng dìu dắt doanh nghiệp đứng vững, đảm bảo cuộc sống cho nhân viên và người lao động.

Vượt qua đại dịch

Từ đầu năm 2020 đến nay, cả thế giới bàng hoàng trước sức tàn phá nặng nề của dịch Covid- 19. Ở Bình Thuận, rất nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ cũng không thể tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch ấy. Những tháng qua, vấn đề mà hầu hết doanh nghiệp đang gặp phải là doanh thu không đủ bù chi phí, dẫn tới thiếu kinh phí để trả lương cho người lao động.

 Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, từ đầu năm đến nay, số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 139 doanh nghiệp, tăng 95% so cùng kỳ năm 2019. Do ảnh hưởng của dịch Covid- 19, toàn tỉnh có 115 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động và 4.705 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tạm nghỉ, kéo theo hàng ngàn lao động bị ngừng việc làm tạm thời… Những con số nói trên dẫn đến nhiều hệ lụy cho sự phát triển kinh tế và kinh doanh của các doanh nghiệp. Đó là các khoản nợ vay ngân hàng, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp… 

Trong bối cảnh khó khăn chung do đại dịch ấy, Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận là số ít doanh nghiệp nhà nước của tỉnh đã cố gắng vượt qua khó khăn, chăm lo đời sống nhân viên và người lao động. Dù không ảnh hưởng xuất khẩu vì sản phẩm gỗ chỉ tiêu thụ trong nước, tuy nhiên ít nhiều doanh nghiệp bị tác động chung của nền kinh tế thị trường. Nhất là việc tiêu thụ sản phẩm gỗ nội địa gặp khó khăn, thị trường ảm đạm bởi nhu cầu mua sắm của người dân trong điều kiện eo hẹp do thu nhập giảm mạnh. Thêm vào đó, trong thời điểm này giá cả thị trường bị biến động theo chiều hướng bất ổn, đóng băng nên ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp…

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận chia sẻ: Trong những tháng đầu năm, do ảnh hưởng của dịch Covid- 19 đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng, buộc phải nợ lương cán bộ, công nhân viên trong 2 tháng 6 và 7. Để giải quyết khó khăn, tập thể lãnh đạo Đảng ủy công ty đã gặp gỡ, động viên người lao động và nhận được sự đồng tình của họ. Công ty đã tổ chức các đợt khuyến mãi, giảm giá, để kích cầu người tiêu dùng, “giải phóng” bớt số lượng sản phẩm tồn kho và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Mặt khác, thực hiện tối đa việc tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu không cần thiết. Vượt qua khó khăn chung đó, đến đầu tháng 9 năm nay, công ty đã giải quyết chi trả hết tiền lương, bảo hiểm xã hội cho nhân viên, người lao động. Song song, dần khôi phục, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

         

Lao động thu nhập ổn định

Đó là chia sẻ của một số lao động thời vụ tại vườn ươm giống thuộc Xí nghiệp Lâm nghiệp Hàm Thuận Nam, trực thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận vào cao điểm trồng rừng mùa mưa. Sẽ không có gì đáng nói, nếu ở ngoài kia, do ảnh hưởng của dịch Covd- 19, đã có hàng ngàn lao động đã mất việc làm, giảm thu nhập. Thì họ -  những lao động nữ trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam vẫn có công việc ổn định hàng ngày, thu nhập bình quân từ 7 triệu đồng/tháng. Gặp họ vào những ngày đầu tháng 9, trong dịp ghé thăm vườn ươm, tôi đã cảm nhận được niềm hạnh phúc của những người lao động phổ thông ấy. Họ vui, khi được làm việc trong một môi trường an toàn, thu nhập khá và được sự quan tâm của lãnh đạo xí nghiệp.

                
      Lao động làm việc tại vườn ươm.

Quả thật, dù đã vào cuối mùa trồng rừng, nhưng không khí làm việc của công nhân, người lao động ở vườn ươm giống ở Hàm Thuận Nam vẫn rất tấp nập, khẩn trương. Hàng ngày, khoảng chục người lao động tay thoăn thoắt thu hoạch cành từ 2 ha vườn cây mẹ để cắt tỉa, chấm thuốc và thực hiện các công đoạn giâm hom cây giống. Trong không gian 2 ha vườn cây mẹ bạch đàn và keo lá tràm đang xanh mơn mởn, được phân lô thẳng tắp. Cách đó không xa là vườn ươm đang được công nhân giâm cành, tưới phun sương và chăm sóc cẩn thận. Bên trong mái hiên lợp bằng tôn, có 3 - 4 phụ nữ đang thoăn thoắt cắt tỉa những cành cây giống mới được cắt ra từ vườn cây mẹ. Họ chủ yếu là những lao động nhận khoán theo sản phẩm.

Chị Võ Thị Xuân Nhi, nhóm 4, thôn Ba Bàu, xã Hàm Thạnh (Hàm Thuận Nam) là một trong số những lao động đang nhận khoán tại đây. Tôi bắt chuyện với chị, khi đôi bàn tay lành nghề đang thoăn thoắt cầm kéo, tỉa cành giâm hom cây bạch đàn. Chị Nhi chia sẻ đã gắn bó với nghề này được hơn 10 năm, cho thu nhập ổn định khoảng 7 triệu đồng/tháng. Ở mức thu nhập này, chị Nhi cho rằng bản thân rất mãn nguyện và cảm thấy hạnh phúc, nhất là trong thời điểm khó khăn do dịch Covid - 19, hàng ngàn lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập, thì chính vườn ươm này đã mang lại cuộc sống đủ đầy cho gia đình chị.

BOX: Chị Nguyễn Thị Tuyên - Cán bộ kỹ thuật, quản lý vườn ươm cho biết: Công việc ở vườn ươm chỉ nghỉ vài tháng cuối năm, nên tạo công ăn việc làm ổn định cho các lao động. Nhờ sự động viên, quan tâm của lãnh đạo xí nghiệp, công ty nên hầu hết lao động rất yên tâm để gắn bó lâu dài…

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài dự thi giải cờ đỏ năm 2020: