Theo dõi trên

Bài dự thi giải Cờ đỏ:

29/09/2020, 21:59

Bình Thuận quyết liệt gỡ ‘thẻ vàng” EC

Bài 1: “Thẻ vàng” làm “dậy sóng” nghề biển

Bài 2 Sức quyết liệt từ một Chỉ thị

BTO- Ngay sau khi Ủy ban châu Âu (EC) ra cảnh báo “thẻ vàng” đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Cụ thể hóa từ chỉ thị trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Chỉ thị 30 - CT/TU  về những giải pháp cấp bách để ngăn chặn chấm dứt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Đây chính là  những việc cần làm ngay, khẳng định Bình Thuận quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ này. 

                
      
      Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Cảnh chỉ đạo tại cuộc họp    về chống khai thác IUU.

Từ bản kiểm điểm đến bản cam kết

Bình Thuận có 7 huyện, thị, thành phố có nghề khai thác thủy sản; trong đó, 4 địa phương có nghề cá phát triển mạnh là Tuy Phong, Phan Thiết, La Gi và Phú Quý. Thống kê cho thấy hơn 30.000 lao động khai thác hải sản trong tỉnh và ước trên 6.000 lao động ngoài tỉnh. Qua các thời kỳ, các cấp lãnh đạo luôn quan tâm tới sự phát triển của ngành nghề thủy sản và coi đây là một trong 3 thế mạnh kinh tế của tỉnh. Vì vậy, khi Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, thì đúng 1 tháng sau Bình Thuận là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành Chỉ thị 30 về những giải pháp cấp bách để ngăn chặn chấm dứt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Điều này, thể hiện sự quan tâm, sâu sát trước thực tế của các cấp lãnh đạo tỉnh ta đối với chỉ đạo của Thủ tướng.

Thế nhưng, Chỉ thị dù có hay đến đâu mà không tổ chức thực hiện tốt thì cũng không đi vào cuộc sống. Chính vì vậy, vấn đề quan trọng nhất là để đưa Chỉ thị thực sự đi vào đời sống, hơn ai hết các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương và người dân mà trực tiếp là những ngư dân phải thể hiện trách nhiệm của mình ở mức cao nhất. Theo đó, khi được ban hành, Chỉ thị 30 xác định nhiệm vụ này là của cả hệ thống chính trị trong tỉnh cùng tham gia trong nỗ lực thực hiện các giải pháp cấp bách để khắc phục “thẻ vàng” của EU, đồng thời áp dụng các giải pháp căn cơ để ngăn chặn triệt để tàu cá đánh bắt bất hợp pháp.

Đặc biệt hơn, đích thân Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Cảnh thường xuyên chủ trì cuộc họp với các ban, ngành, địa phương có biển, giao nhiệm vụ cho 14 cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu để tàu cá của ngư dân trong địa phương mình vi phạm.

Tuy nhiên, lúng túng trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 30 thời điểm ban đầu là điều không thể tránh khỏi. Liên tiếp trong giai đoạn này hầu hết người đứng đầu ở các địa phương có trường hợp tàu, ngư dân vi phạm lãnh hải nước ngoài đều bị kiểm điểm. Chẳng hạn như tại thị xã La Gi, sau khi Chỉ thị được ban hành nhưng tình trạng ngư dân, tàu thuyền vi phạm tàu vùng lãnh hải nước ngoài và bị bắt vẫn diễn ra. Cụ thể trong năm 2018,  có 9 tàu với 63 ngư dân bị bắt giữ; từ tháng 1 – 6/ 2019, có 5 tàu với 32 ngư dân. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan như: Phòng Kinh tế, Đồn Biên phòng Phước Lộc, Hội Nông dân thị xã, Hội Phụ nữ thị xã và Bí thư, Chủ tịch các xã, phường để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài đã nghiêm túc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm. Đối với cấp thị xã, cũng đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể lãnh đạo UBND thị xã và cá nhân Chủ tịch, Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế trong công tác đấu tranh, ngăn chặn và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân của thị xã vi phạm vùng biển nước ngoài, khai thác hải sản bất hợp pháp.

“Giai đoạn này, tàu cá, ngư dân phường Phước Hội đánh bắt hải sản bất hợp pháp trên vùng biển nước ngoài vẫn diễn ra. Do chưa làm tốt nên tôi phải tự kiểm điểm và chịu trách nhiệm trước tập thể cơ quan. Đồng thời thông qua tự kiểm điểm, tôi cũng như tập thể phải tìm mọi giải pháp để khắc phục tình trạng trên một cách sớm nhất”, ông Huỳnh Thanh Bình, Chủ tịch UBND phường Phước Hội, thị xã La Gi cho biết.

Quả thật, bản kiểm điểm đã phát huy tác dụng, khi mà nhiều cách làm sáng tạo nhưng phát huy hiệu quả đã được phường Phước Hội triển khai quyết liệt. Một trong những giải pháp được tăng cường vào thời điểm này đó là tổ chức cho ngư dân ký cam kết không vi phạm, không tái phạm. Trong bản cam kết của ngư dân Trần Hùng Cường (chủ tàu BTh 98635, phường Phước Hội) viết: “Tôi nhận thấy việc đánh bắt hải sản xâm phạm lãnh hải là hành vi phạm pháp, ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của quốc gia và cộng đồng ngư dân. Tôi xin cam kết, sẽ khai thác hải sản đúng quy định ở các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam trong thời gian đến. Nếu vi phạm, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và bị thu hồi giấy phép khai thác thủy sản, không giải quyết hỗ trợ theo quyết định của Chính phủ”.

Giải pháp hữu hiệu

Thời điểm này, ở các địa phương có biển đều thực hiện đồng bộ các giải pháp, kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Bình Thuận vi phạm khai thác IUU. Bên cạnh việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục bằng nhiều hình thức, chính quyền các cấp phối hợp với lực lượng chức năng lập danh sách tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài để thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức kiểm điểm trước cộng đồng dân cư. Toàn tỉnh đã triển khai cho 100% chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Rà soát, lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao, thường xuyên hoạt động ngoài tỉnh để đưa vào diện quản lý, theo dõi đặc biệt. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường chỉ đạo kiểm tra tàu cá xuất, nhập bến, theo dõi tàu cá nghi vấn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn. Xử phạt hành chính theo khung pháp luật quy định, áp dụng hình thức phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản, đưa ra khỏi danh sách đăng ký hoạt động trên vùng biển xa và dừng tất cả các chính sách hỗ trợ hiện hành đối với tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Công an tỉnh phối hợp với lực lượng Biên phòng thường xuyên tổ chức nắm tình hình, điều tra các trường hợp móc nối đưa tàu cá, ngư dân ra nước ngoài trái phép.

Theo ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận, lần đầu tiên một vấn đề liên quan đến thủy sản lại nhận được sự đồng thuận, sự quan tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị. Ông Huy cho biết, một trong những giải pháp căn cơ để quản lý, giám sát, ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài chính là việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Kể từ tháng 4/2019, ngành thủy sản Bình Thuận đã bắt đầu triển khai quy định bắt buộc tàu cá 15 mét trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS). Đến nay toàn tỉnh đã có hơn 1.700 tàu lắp đặt thiết bị VMS, đạt 92%, coi như hoàn thành 100%, bởi còn khoảng 200 tàu thuyền còn lại làm ăn thua lỗ, đang nằm bờ, chờ bán hoặc không hoạt động là chưa lắp đặt.

 “Đây là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh. Bằng nhiều biện pháp, cách làm chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho ngư dân. Trong điều kiện còn khó khăn và chưa nhận được sự hỗ trợ, nhưng ngư dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là điều đáng mừng”, ông Huy cho biết.

Hiện nay, Trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá Bình Thuận được đặt tại Chi cục Thủy sản trên đường Thủ Khoa Huân, TP Phan Thiết. Hàng ngày có hai cán bộ túc trực 24/24 để giám sát các tàu cá công suất lớn của tỉnh đang hoạt động trên Biển Đông. Thông qua  màn hình, những người làm công tác vận hành sẽ nhận biết tất cả tín hiệu tàu cá đang hoạt động và neo đậu. Trong trường hợp những phương tiện đang có hải trình gần vùng biển giáp ranh với các nước, sẽ sử dụng các hệ thống thông tin liên lạc kêu gọi thuyền trưởng, hoặc thông báo cho chủ phương tiện biết để kịp thời điều khiển tàu quay trở lại lãnh hải Việt Nam. Nếu tàu nào cố tình vi phạm, lực lượng chức năng sẽ căn cứ vào dữ liệu để xử lý sau này. 

Ngoài trung tâm đặt tại Chi cục Thủy sản, tỉnh cũng đã xây dựng thêm 3 Trạm dữ liệu tại 3 Văn phòng Đại diện kiểm soát nghề cá tại các cảng cá. Trong thời gian hoạt động, thông qua dữ liệu giám sát hành trình lực lượng chức năng đã phát hiện, cảnh báo và gọi quay về vùng biển Việt Nam đối với 14 trường hợp tàu cá vượt ranh giới vùng biển Việt Nam và các nước. Ngoài ra, dữ liệu giám sát hành trình còn được sử dụng để kiểm tra, đối chiếu xác thực thông tin tàu cá hoạt động trên vùng biển xa để phục vụ hỗ trợ theo Quyết định 48, phục vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Box: Tôi nghiêm túc nhìn lại công tác quản lý, điều hành của bản thân đối với việc để tàu cá, ngư dân phường Phước Hội đánh bắt hải sản bất hợp pháp trên vùng biển nước ngoài. Do chưa làm tốt nên tôi phải tự kiểm điểm và chịu trách nhiệm trước tập thể cơ quan. Đồng thời thông qua tự kiểm điểm, tôi cũng như tập thể phải tìm mọi giải pháp để khắc phục tình trạng trên một cách sớm nhất”, Chủ tịch UBND phường Phước Hội cho biết.

                                                     Như Nguyễn – Thanh Nhàn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết:
Hôm nay đưa vào hoạt động 2 trạm dừng chân tạm thời
BTO-Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng tạm trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Ban quản lý dự án 7 đã tiến hành thi công 2 trạm dừng nghỉ tạm trên cả hai chiều đường cao tốc, đưa vào hoạt động phục vụ tài xế, người tham gia giao thông vào dịp lễ 30/4 và 1/5.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài dự thi giải Cờ đỏ: