Theo dõi trên

Bài dự thi giải Cờ đỏ:

29/09/2020, 21:46

Bình Thuận quyết liệt gỡ ‘thẻ vàng” EC

Bài 1: “Thẻ vàng” làm “dậy sóng” nghề biển

BTO- Bình Thuận có lợi thế phát triển khai thác hải sản, thuộc nhóm các địa phương đứng đầu cả nước về năng lực tàu cá và sản lượng khai thác. Tính đến 30/8/2020, toàn tỉnh có khoảng 7.000  tàu cá, trong đó khoảng 3.050 chiếc có công suất từ 90CV trở lên với gần 2.000 tàu đăng ký đánh bắt xa bờ. Ngành nghề khai thác hải sản trong tỉnh khá đa dạng, với trên 10 loại nghề đánh bắt cá nổi, cá đáy, các loài hải đặc sản. Tuy nhiên, những năm vừa qua, một số ngư dân vì lợi ích kinh tế, hám lợi, đã bất chấp quy định pháp luật, vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác, thu mua hải sản trái phép nên bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.

                
      Ngư dân chuẩn bị buông lưới.

“Vô tình” vi phạm

Chúng tôi về miền biển La Gi vào một ngày đầu tháng 9. Gió biển thổi phần phật vẫn không đủ để dịu đi cái nắng chói chang. Cảng cá La Gi nằm bên dòng sông Dinh, được xem là cảng cá lớn của tỉnh với hơn 2.000 tàu cá, trong đó có hơn 500 tàu công suất lớn từ 300CV trở lên, thường xuyên hoạt động khai thác đánh bắt xa bờ. Hơn một năm trở về trước, câu chuyện về những tàu cá, những ngư dân khai thác bất hợp pháp vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt là tình trạng nhức nhối ở miệt biển này.  

Theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, chúng tôi đã gặp được ngư dân Nguyễn Anh, phường Bình Tân, thị xã La Gi. Đang chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến ra khơi mới, thấy phóng viên tới, ông Anh liền để cuộn lưới vào góc thuyền rồi xuống bờ trò chuyện. Chậm rãi uống từng ngụm nước, ông Anh nhớ lại năm 2018 tậu được chiếc tàu 300 CV và ngư lưới cụ ngót gần 1 tỷ bạc.

Trong một chuyến vươn khơi, ông cùng 8 thuyền viên khởi hành về phía vùng biển gần Indonesia. Khi phát hiện ra luồng cá lớn, ông đã chỉ huy các bạn thuyền trên tàu thả lưới đánh bắt. Đang mải mê đánh bắt cá, bỗng nhiên 1 tàu kiểm ngư của Indonesia xuất hiện. Ngay sau đó, lực lượng chức năng của Indonesia đi trên con tàu này đã bắt hết người và tàu của ông. Sau khi bị bắt giam vài ngày, các thuyền viên được thả về nhưng ông bị tạm giam vài tháng và toàn bộ dụng cụ, chiếc tàu đã bị tịch thu, phá hủy. Cả sự nghiệp, cơ nghiệp gắn bó với biển và  một đời dành dụm của ông Anh cũng "đội nón ra đi".

 “Chắc do trúng luồng cá, nên tôi cùng các bạn thuyền đã lấn sang lãnh hải của Indonesia mà không biết. Sau chuyến đi "hãi hùng" đó, tôi lâm vào cảnh cụt vốn, nợ nần bết bát phải bán nhà để trả nợ và đi làm  thuê cho chủ tàu khác. Nhiều bạn thuyền đi với tôi thời điểm đó đã dứt khoát chuyển nghề. Thế nhưng với tôi thì khác, không làm biển thì không biết sẽ làm gì.”, ông Anh chia sẻ.

Hoàn cảnh cũng tương tự ông Anh, khi ngư dân Hồ Huy Thía (chủ tàu cá BTh 98884, ngụ phường Phước Hội, thị xã La Gi) bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ vào tháng 3/2018. Ông Thía cho biết đã trắng tay vì bị tịch thu tài sản, ngoài ra các chính sách hỗ trợ cũng đều bị cắt. " Trước đây, nghe kháo nhau rằng mức lãi  sẽ lớn nếu ra vùng biển nước ngoài đánh bắt nên tôi cùng bạn thuyền sang đánh bắt tại vùng biển Malaysia. Khi sự việc xảy ra thì thiệt đơn lẫn thiệt kép, tôi hối hận vô cùng" - ông Thía bày tỏ.

Ngư dân Nguyễn Thái Quang người có 30 năm kinh nghiệm đi biển xa bờ ở thị xã La Gi kể, cách đây mấy năm đã từng đánh bắt hải sản ở vùng biển Indonesia. Cứ đêm đến là tàu chạy vào vùng biển của họ bủa lưới, thả câu, rồi sáng thì chạy ra vùng biển của mình. Do biển nước ngoài hải sản nhiều, đánh rất "trúng" nên chủ tàu phải liều, nhưng sau khi thấy nhiều tàu cá của Việt Nam bị bắt, anh em ở tù nên ông Quang bỏ, không đánh bắt ở vùng biển nước bạn nữa. "Tôi còn nhớ như in năm 2014, trong chuyến hành trình vươn khơi, nhóm bạn thuyền chúng tôi có 15 tàu đi cùng thì có đến 8 tàu bị bắt giữ, tôi may mắn chạy thoát. Bây giờ suy nghĩ lại tôi vẫn còn thấy sợ ", ông Quang cho biết.

Thời điểm này, đâu chỉ riêng La Gi mà các địa phương có biển như Phú Quý, Tuy Phong… cũng thường xuyên xảy ra tình trạng tàu và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Theo thống kê của UBND tỉnh, năm 2017 có 8 tàu với 90 ngư dân, năm 2018 có 9 tàu với 63 ngư dân; từ tháng 1 – 6 /2019 có 6 tàu với 40 ngư dân. Các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan, đã bỏ tù thuyền trưởng và tịch thu hầu hết phương tiện vi phạm.

Nhiều ngư dân cho biết, một trong những nguyên nhân các tàu đánh cá của Bình Thuận bị bắt là do “vô tình” vi phạm vùng lãnh hải chồng lấn giữa Việt Nam và các nước khác. Một khi ngư dân mải mê đánh bắt theo luồng cá, tìm ngư trường mới, không xác định được vùng lãnh hải trên biển nên thường vi phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của các vùng tiếp giáp.

Thủy sản gặp họa

Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã áp dụng biện pháp cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu (EU). Một trong những nội dung mà EC nhấn mạnh khi rút “thẻ vàng” với hải sản Việt Nam là "thiếu hành động để chấm dứt các hoạt động đánh bắt cá trên vùng biển của các nước láng giềng". Sự việc trên đã làm “dậy sóng” nghề biển gần 2 năm qua, bởi  khi bị cảnh báo “thẻ vàng”, 100% lô hàng hải sản xuất khẩu sang thị trường châu Âu của Việt Nam nói chung và của Bình Thuận nói riêng đều bị kiểm tra nghiêm ngặt. Rất nhiều ngư dân và doanh nghiệp đã nhìn thấy rõ hậu quả của việc bị EC rút “thẻ vàng”.

Với thâm niên trên 40 năm bám biển, ngư dân Bạch Lồng (phường Phước Hội, thị xã La Gi), trăn trở khi nhắc đến chuyện hải sản bị EC rút “thẻ vàng”. Ông Lồng cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đánh bắt vi phạm lãnh hải nước ngoài là do ngư dân ta từ xưa đến nay khai thác theo kiểu tận diệt, không có kế hoạch. "Nhiều ngư dân cứ tự hào cá, tôm biển nước ta dồi dào nên khai thác bừa bãi mới dẫn đến cạn kiệt, rồi đi đánh bắt ở vùng biển nước ngoài. Bây giờ khi có cảnh báo của EC, ngư dân lo lắm", ông Lồng nói.

                
         Bình Thuận là tỉnh có số lượng tàu thuyền lớn trong cả nước.

Công ty TNHH Hải Nam (phường Phú Hài, TP. Phan Thiết) là một trong những doanh nghiệp lớn xuất khẩu thủy sản hàng đầu Việt Nam. Các mặt hàng của Công ty tập trung xuất khẩu vào những thị trường như Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu. Từ ngày có cảnh báo “thẻ vàng”, kim ngạch xuất khẩu hải sản của doanh nghiệp sang thị trường châu Âu liên tục giảm từ  30% - 50 %. Ông  Nguyễn Tất Thạnh - Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam cho biết, các doanh nghiệp đang mất rất nhiều thời gian, công sức cũng như cơ hội kinh doanh cho các khâu kiểm soát và chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu bởi quá khắt khe. Rủi ro vì hàng hóa bị chặn lại thanh tra, kiểm tra và chi phí phát sinh xuất khẩu vào thị trường này rất nhiều: “Hiện nay, châu Âu đang siết rất chặt về hồ sơ, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận nguồn gốc, chứng nhận chất lượng sản phẩm, họ đưa ra nhiều chỉ tiêu kiểm tra gắt gao. Theo đó, hàng hóa mỗi lần xuất đi phải đợi chờ kiểm tra thông quan, phải mất thêm từ 10 - 15 ngày", ông Thạnh chia sẻ.

Cũng theo ông Thạnh, thị trường Mỹ bắt đầu có các dấu hiệu tương tự như EU và khả năng họ sẽ điều tra, hiện nay đã áp dụng trên một số mặt hàng. Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản - Chủ tịch Hiệp Hội nghề cá tỉnh Bình Thuận cho biết: Đây là hệ quả đối với nghề cá mà ở đó ngư dân khai thác tự do, thiếu bền vững. Nếu không gỡ được “thẻ vàng”, hoặc bị nâng lên “thẻ đỏ” thì điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành thuỷ sản, tác động tiêu cực đến nền kinh tế, uy tín của đất nước, đặc biệt là ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân mà trước hết là ngư dân. “Nếu trường hợp châu Âu rút “thẻ vàng” mà chúng ta gỡ không được thì sắp tới những thị trường còn lại cũng căn cứ vào tiêu chuẩn này để đánh giá tiêu chuẩn hàng của Việt Nam xuất khẩu, công tác quản lý xuất khẩu, từ đó làm giảm nguồn hàng xuất khẩu đi khắp thế giới. Theo đó, việc gỡ “thẻ vàng“ đối với Việt Nam là rất quan trọng”, ông Huy cho biết thêm.

Mặt khác, EC cảnh báo “thẻ vàng” nghĩa là chúng ta chưa thực hiện tốt, vi phạm một số quy định về chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, đánh bắt không khai báo, không truy xuất được nguồn gốc rõ ràng và không tuân theo các quy định cụ thể. Vì thế, “thẻ vàng” như một sự thức tỉnh đối với công tác quản lý nghề cá Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng.

    
      Ngoài việc bị án tù và mất trắng tài sản khi ngư dân vi phạm lãnh hải   các quốc gia khác, thì  quốc gia có ngư dân vi phạm còn bị EU rút "thẻ   vàng" và chực chờ "thẻ đỏ". Mặt hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam nói   chung, Bình Thuận nói riêng đối mặt với nhiều thách thức.

Như Nguyễn – Thanh Nhàn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết:
Hôm nay đưa vào hoạt động 2 trạm dừng chân tạm thời
BTO-Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng tạm trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Ban quản lý dự án 7 đã tiến hành thi công 2 trạm dừng nghỉ tạm trên cả hai chiều đường cao tốc, đưa vào hoạt động phục vụ tài xế, người tham gia giao thông vào dịp lễ 30/4 và 1/5.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài dự thi giải Cờ đỏ: