Theo dõi trên

Bắc Bình: Bảo quản nông sản mùa mưa, bão

20/10/2021, 08:38

BT- Làm thế nào để bảo quản tốt nông sản trong mùa mưa, bão? Mấy năm qua, Bắc Bình đã nỗ lực trả lời câu hỏi này nên từng bước nâng cao phẩm chất nông sản, hàng hóa, nâng sức cạnh tranh trên thị trường, giúp tăng thu nhập cho nông dân.

Sản phẩm nông sản Bắc Bình từng bước đầu tư bảo quản, chế biến tăng giá trị.

Thực tiễn sản xuất và nhu cầu bảo quản

Đến tháng 10 năm nay, có trên 20.860 ha lúa đông xuân và hè thu đã được Bắc Bình thu hoạch, trong tổng số 37.755 ha đã gieo trồng năm 2021... Năng suất bình quân 6,4 tấn/ha lúa khô. Huyện cũng đã thu hoạch 3.000 ha bắp hè thu/5.459 ha gieo trồng, năng suất bình quân 7,5 tấn/ha. Các xã vùng trọng điểm lúa như: Bình An, cánh Đồng Mới, xứ đồng nhỉ, đồng bơm… đều đạt tiến độ thu hoạch nhanh. Tổng sản lượng lương thực trên 190.820 tấn, tăng 142 tấn so với cùng kỳ năm 2020.

Từ lâu Bắc Bình có nhiều kinh nghiệm trong bảo quản các loại nông sản bằng các lò sấy cá nhân, sân phơi của các hợp tác xã, tổ hợp tác. Từ khi các hợp tác xã chuyển đổi mô hình (kiểu mới), phương thức hoạt động từng bước có sự đổi mới. Các lò sấy, sân phơi quy mô, công suất nhỏ trước đây đã không còn đáp ứng đủ nhu cầu bảo quản nông sản sau mỗi vụ thu hoạch và của cả một năm sản xuất, khi mà diện tích cây lương thực toàn huyện lên trên 60.000 ha, chưa kể các loại giống mới đưa vào sản xuất gần đây đã góp phần tăng năng suất, sản lượng một cách đáng kể. Chính vì vậy, đã có lúc nông dân phải tận dụng mọi mặt bằng, nắng trời, gió thiên nhiên để phơi các loại nông sản, thay vì đưa vào nhà máy sấy… Cách bảo quản này không tránh khỏi bị động; thóc không đạt độ khô, chắc cần thiết… vô hình trung sẽ làm giảm phẩm cấp nông sản và dĩ nhiên giá sản phẩm cũng ảnh hưởng.

Nâng cấp công nghệ bảo quản

Từ đòi hỏi của thực tiễn sản xuất và của cuộc sống là đẩy mạnh hơn nữa các phương pháp, quy trình công nghệ và phương tiện bảo quản nông sản để tiến tới nền sản xuất hiện đại. Bắc Bình nhận thức được điều đó nên từng bước có sự đổi thay cả về cách thức sản xuất và thu hoạch. Theo đó, toàn huyện tuân thủ thời điểm xuống giống, chăm sóc cây trồng. Thời điểm thu hoạch, với lúa phải là lúc lúa chín hoàn toàn (95% số bông và hạt đã vàng). Thu hoạch đến đâu vận chuyển về nơi tập trung đến đó, tránh để qua đêm ngoài đồng, làm cho hạt thóc dễ ẩm mốc, không bóng, độ sáng của hạt kém… Với các loại cây cho trái như thanh long, thì ngoài việc đóng gói, bảo quản kho lạnh ngay thì đẩy mạnh chế biến để không giảm phẩm cấp hàng hóa. Các loại cây cho củ thì cũng có quy trình, cách thức bảo quản kết hợp kinh nghiệm dân gian và hiện đại. Chẳng hạn, với khoai  các loại thì bảo quản trên một giàn thưa cách mặt đất 10 cm để chống hư hại, xuống cấp vì mọc rễ, mầm…

Bắc Bình tạo thuận lợi cho các nhà máy sấy công suất lớn ra đời, hoạt động. Điều này nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện là đưa doanh nghiệp về nông thôn, gắn với nông nghiệp. Nhà máy sấy Ba Cao ở thôn Hải Thủy thuộc Cụm công nghiệp Hải Ninh ra đời là thế. Vụ hè thu năm 2021, nhà máy có năng lực sấy 12.000 tấn lúa và trên 1.000 tấn nông sản khác cho nông dân các xã: Bình An, Hồng Thái, Chợ Lầu… Ông T Sằn Boi Lộc, chủ nhà máy sấy Ba Cao cho biết: “Nhà máy hoạt động từ năm 2018, ban đầu năng lực sấy 180 tấn/ngày đêm đến nay đã nâng lên 500 tấn/ngày đêm. Mỗi năm nhà máy sấy được khoảng 30.000 tấn lúa cho nông dân”. Năm 2019, cũng tại Cụm công nghiệp Hải Ninh, doanh nghiệp tư nhân Thuận Phát tiếp tục đầu tư thêm nhà máy sấy. Ngoài ra, toàn huyện còn có nhiều máy xay xát bảo quản bằng nhà xưởng như: Vinh Vinh, Việt Cộng, Sáng Phúc, Bình Thủy… nhờ vậy, gần 100% sản lượng lương thực vụ hè thu vừa thu hoạch đã được bảo quản tốt, cho dù số ngày mưa nhiều, và gần đây là ảnh hưởng bão. Giá lúa hiện nay dao động từ 6,5 – 7,3 ngàn đồng/kg lúa khô tùy loại giống, tăng 2.000 - 3.000 đồng so với trước. Bình quân, mỗi ha lúa, nông dân lãi 30 triệu đồng, cá biệt nhiều loại giống mới năng suất cao 8 tấn/ha lúa tươi cho nông dân thu lãi lên đến 40 triệu đồng/ha.

 Tiếng nói từ cơ sở

Phan Hiệp là vùng trọng điểm lúa của huyện. Ông Tôn Hoài Vũ - Phó Chủ tịch UBND xã này cho biết: “Toàn xã thu hoạch trên 1.000 ha lúa hè thu với năng suất 6,3 tấn/ha; bắt đầu xuống giống vụ mùa. Mặc dù thu hoạch trong thời điểm mưa, bão, nhưng đến nay, toàn bộ lượng lúa vụ hè thu của Phan Hiệp đều đã được bảo quản tốt. Nguyên nhân, nông dân Phan Hiệp mỗi vụ thu hoạch ngoài lượng lúa bán tại ruộng cho các công ty thu mua lương thực, số còn lại phải nhờ nhà máy sấy ở  xã bạn”.

Ông Trần Anh Thịnh – Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Bắc Bình, cho biết: “Tại Việt Nam tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch chung đối với cây có hạt khoảng 10%, đối với cây có củ 10 - 20% và rau, quả 10 - 30% mà nguyên nhân do thu hoạch, đóng gói, vận chuyển và bảo quản không đúng cách.  Do vậy, cùng với việc kêu gọi sức dân xây dựng, nâng cấp các phương tiện bảo quản, vận chuyển, chế biến như lò sấy, máy sấy, dây chuyền đóng gói, Bắc Bình đẩy mạnh liên kết các doanh nghiệp thu mua nông sản ngay tại ruộng theo giá thỏa thuận, giá liên kết sản xuất (có hợp đồng ngay từ đầu vụ)… để toàn bộ nông sản Bắc Bình không ùn ứ, bảo đảm tiêu thụ, bảo đảm phẩm cấp cần thiết, giảm thiệt hại sau thu hoạch”.

Có thể nói, bằng việc coi trọng bảo quản nông sản sau thu hoạch, Bắc Bình đã tiến một bước căn bản, quan trọng trên con đường tiến lên sản xuất nông nghiệp hiện đại. 

CÁT TƯỜNG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bắc Bình: Bảo quản nông sản mùa mưa, bão