Theo dõi trên

Ðôi điều học văn hồi ấy

16/07/2021, 09:34

BT- Khi đọc bài “Tâm tình chuyện sách giáo khoa” trên Bình Thuận cuối tuần số  6841, một cô giáo dạy văn có hỏi tôi về việc học môn văn trước năm 1975 như thế nào? Tôi nói cách nhìn giữa người học và dạy ở một bộ môn nhiều điểm không giống nhau, hồi ấy tôi còn là học sinh. Cô nói, muốn tìm hiểu thực tế, ở góc độ nào cũng được.

Những gì nhớ lại

Dạy và học văn trước năm 1975 có nhiều điểm khác bây giờ, do cơ cấu chương trình và phương pháp dạy của thầy cô. Tôi nhớ hồi đệ nhất cấp (nay là trung học cơ sở), thầy dạy văn yêu cầu mỗi học sinh phải có một cuốn “sổ tay tùy thân”, gọi sổ T3, dùng để: 1. Tóm lược những tác phẩm đã đọc; 2. Ghi chép những đoạn văn, những đoạn thơ – bài thơ, những câu nói hay; 3. Tập sáng tác, nhưng trước hết là ghi nhật ký. Cuối tháng, thầy thu sổ, chấm, nhận xét và cho điểm. Suốt trong năm học, mỗi đứa được thầy thu sổ 4 lần. Sau này đi dạy, tôi có áp dụng cách cho học sinh dùng sổ tay ghi chép này ở một số lớp trường trung học phổ thông. Được đâu 3 niên khóa, bị một số thầy cô chê cười, nói chấm bài thôi đã hết hơi, lại có người đi chấm sổ tay. Nhìn quanh không thấy ai giống mình, tôi bỏ. Nhưng ngẫm lại, việc dùng sổ tay ghi chép kiểu ấy là cách học văn và rèn luyện viết văn rất hiệu quả.

Hồi đó học văn có nội dung thuyết trình, thầy giao về cho từng tổ. Tôi ấn tượng nhất là năm lớp 11, thầy hướng dẫn tổ chức thuyết trình rất bài bản. Đề tài là do tổ chọn, như: Thơ mới – Thơ tự do; Tản Đà, nhà thơ nối liền hai thế hệ thơ ca; Quan niệm hôn nhân của Nhất Linh trong Đoạn Tuyệt; Tính chất lãng mạn trong Đoạn Tuyệt của Nhất Linh; Hình ảnh xã hội Việt Nam qua ca dao, tục ngữ… Rồi cả tổ tìm tài liệu, hội ý viết, thường bài thuyết trình dài khoảng 6 đến 8 trang A4, tổ tự bỏ tiền ra in ronéo, đóng thành tập, phát cho mỗi người trong lớp 1 tập, đến tiết học, cử người lên thuyết trình, xong, các bạn trong lớp nhận xét, đánh giá, tranh luận. Phần đánh giá tranh luận là sôi nổi nhất. Tôi thấy giờ học thuyết trình hồi ấy yêu cầu học sinh làm việc theo tổ nhóm, tạo ra sản phẩm, giống như phương pháp dạy học theo dự án mà Bộ GD-ĐT triển khai về các trường khoảng 5 – 6 năm nay.

Ảnh tư liệu

Về học các thể văn, song song với việc học các tác phẩm theo thể loại, thầy cô kết hợp dạy rất kỹ về luật của các thể loại ấy. Cụ thể như ở lớp 6 học về: Thơ lục bát và lục bát biến thể; lớp 7: Thơ song thất lục bát và song thất lục bát biến thể; lớp 8: Thơ Đường luật; lớp 9: Hát nói; lớp 10: Đối, phú, văn tế; lớp 11: Thơ Đường luật, Hát nói, Thơ mới (thơ Đường và Hát nói là ôn lại nâng cao của hai lớp dưới); lớp 12: học triết, không học các thể văn. Đến năm học 1974 – 1975 cải cách chương trình đưa môn văn vào lớp 12 học song song với môn triết, khi ấy tôi đã vào đại học.

 Thầy cô dạy kỹ về luật các thể loại và cho thực hành, chủ yếu là thực hành thể loại thơ – phần thực hành khuyến khích là chính, nên những người học cùng thế hệ với tôi, dẫu không theo ngành sư phạm văn, nhưng bây giờ gặp lại, thấy đa số vẫn còn nhớ về luật các thể loại. So với hiện nay, chỉ học thoáng qua, xong chương trình phổ thông về các thể loại như văn tế, phú, cáo, chiếu, biểu, nhưng hỏi một số đặc điểm thế nào là văn biền ngẫu, hay chỉ ra  bố cục bài văn tế các phần lung khởi, thích thực, ai vãn, kết, hầu hết các em lúng túng. Nguyên nhân là khi dạy không chú trọng chỉ ra đặc điểm cấu trúc thể loại, nghệ thuật phép đối trong cách hành văn. Hay hát nói là một thể thơ thuần túy của dân tộc, nhưng hỏi thế nào là một bài hát nói đủ khổ, dôi khô, thiếu khổ, mưỡu đầu, mưỡu cuối… hầu như các em không biết. Lý do là trong chương trình không thấy yêu cầu giáo viên khai thác những đặc điểm đó của thể loại. 

Chủ yếu là tự đọc

Cô giáo hỏi, hồi ấy có học văn học nước ngoài không? Tôi nói có, nhưng không giống như bây giờ, chỉ chọn một số bài văn của những nhà văn nổi tiếng để dạy minh họa cho phần học về thể văn như miêu tả, tự thuật, hồi ký, cảm tưởng… mà chủ yếu ở lớp 8, còn nhớ một số tác giả nổi tiếng như Anatole France (Pháp) với bài Ngày khai trường, Alphonse Daudet (Pháp) bài Buổi học cuối cùng, Ernest Lavisse (đạt giải Noben, Pháp) bài Buổi học đầu tiên, Benjamin Franklin (Mỹ) bài Sự học của tôi, hay La Fontaine (Pháp); Okakura Kakuzo (Nhật Bản)… Tôi nhớ học thơ Đường luật chủ yếu là học những nhà thơ Việt Nam chứ không học các nhà thơ Trung Quốc. Còn những tiểu thuyết của những nhà văn lớn thế giới, người ta dịch bán ngoài hiệu sách như Những kẻ khốn nạn (Victor Hugo), Câu chuyện dòng sông của Hermann Hesse, Ngư ông và biển cả của Ernest Hemingway, Chiến tranh và hòa bình của Lev Nikolayevich Tolstoy, Anh em nhà Karamazov của Fyodor Dostoevsky, Đông Chu liệt quốc của Phùng Mộng Long, Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung... bọn tôi mua về đọc. Hồi ấy bọn tôi rất mê đọc sách. Rất tiếc những bộ sách ấy, hồi năm 1977 ở quê, tôi đang học ở Huế, chỉ có mẹ tôi và đứa em ở nhà, họ truy quét văn hóa nô dịch, đồi trụy, vào nhà thu hồi hết.          

              Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ðôi điều học văn hồi ấy