Theo dõi trên

Xuyến chi ngày bão, hay câu chuyện giáo dục

10/11/2017, 10:30

BT- Thực sự là các bậc phụ huynh ngày nay gặp rất nhiều khó khăn trong việc giáo dục con cái. Trong một buổi họp Hội cha mẹ học sinh của các trường THPT huyện X, nhiều bà mẹ còn mơ hồ chưa nói được mình muốn con mình là người thế nào, thậm chí có nhiều người lệch lạc coi tiền bạc là giá trị duy nhất và là thước đo của sự thành đạt. Một số rất đông ước mơ con mình học giỏi để sau này làm ra nhiều tiền, để đổi đời, để ăn sung mặc sướng, để có xe hơi nhà lầu…, để mà nở mặt nở mày với bà con hàng xóm, để thoát cái mặc cảm nghèo hèn…

Về mặt lý luận giáo dục, việc đề cao sự hữu ích và tính hiệu quả là ý tưởng chính của Thực dụng luận. Đây là hệ thống lý luận thường được những người có chút ít ăn học viện dẫn theo nghĩa hẹp để ủng hộ cho xu hướng “học nhằm mục đích hái nhiều tiền hơn”. 

Trong bối cảnh nền giáo dục Việt Nam đang trăn trở để đổi mới hiện nay, chúng ta cần hiểu rõ Thực dụng luận hơn bao giờ hết, để từ đó tìm ra con đường, cách thức đưa giáo dục nước nhà đi hợp quy luật, cũng như góp phần tạo nên những thế hệ trẻ biết nghĩ xa hơn, biết lo cho tiền đồ của đất nước hơn là  chỉ nghĩ đến bản thân và gia đình mình.

Tuổi học trò tỉnh lẻ của bọn tôi ngày trước thường gắn với những thứ rất buồn cười, cái đám bông xuyến chi trăng trắng dọc đường đi học chẳng hạn. Mấy nhỏ gái lãng mạn cứ dừng lại ngắt ép vào vở, không phải ép để lấy xác hoa khô như kiểu ép lá thuộc bài mà là mê mẩn với cái dấu hoa nâu nâu trên trang trắng. Thế mà những trò vụng dại buồn cười ấy lại trở thành thứ người ta không thể quên khi nhớ đến tuổi học trò, chúng tôi nhắc đến bông xuyến chi như cách học trò thành phố nhắc đến “thời áo trắng”, “thời mộng mơ” vậy đó.

Tuổi học trò thích làm người lớn nhưng lại dị ứng với những quy định, những “trầm trọng hóa vấn đề”. Cái gì đó thật nhẹ nhàng khiến cảm xúc xuất hiện lại dễ được tiếp nhận hơn. Một khi thói quen tinh thần được điều chỉnh (kể cả được điều chỉnh ở gia đình bằng bề dày văn hóa) thì dần dần những anh chàng, cô nàng học trò ấy sẽ tự chỉnh tất cả để đồng hóa với cộng đồng, với xu hướng văn minh của nhân loại.

Nếu nói “thời bông xuyến chi” là thời cắp sách đến trường của bọn học trò nhà quê chúng tôi thì quả thật ngày nay những “đám bông xuyến chi” ấy đang bị ném vào những cơn bão chồng chéo lên nhau.

Cơn bão phương tiện truyền thông giúp cho việc truyền đạt và tiếp nhận dễ dàng hơn, nhanh hơn nhưng cũng đã làm cho năng lượng bị chuyển hướng khá nhiều, tức là tổn thất về sức mạnh và suy nghĩ lẫn lộn.

Cơn bão những cuộc cải cách, cải tiến giáo dục và những công văn “khó hiểu” (chẳng hạn Công văn 4612/ BGDDT-GDTrH khó hiểu ở chỗ vừa yêu cầu “bổ sung cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho thông tin cũ” lại vừa yêu cầu “tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa”) làm cho cả thầy cả trò rơi vào tình trạng e dè, gượng gạo, xoay vòng như gà mắc tóc. Một hệ quả nữa là việc chạy theo thành tích bề ngoài và sự sốt ruột về tính thống nhất của phương pháp đã giới hạn khá nhiều về sự phát triển trí óc của học sinh.

Cơn bão thứ ba là quá trình đi vào xã hội hóa giáo dục đã tạo ra sự bất bình đẳng trong giáo dục, ít ra là trên đường đi của nó hiện nay. Tôi không dám nói hệ thống trường công được giao phó “trọng trách” gánh cái gánh số đông học trò nghèo, nhưng quả thật những trường tư được đầu tư tốt hơn cả về cơ sở vật chất lẫn năng lực con người tạo ra sự thụ hưởng giáo dục tốt hơn cho học trò con nhà giàu.

Và cơn bão thứ tư thuộc về căn tính thời đại, nhất là ở những nước đang phát triển như đất nước chúng ta. Nhịp sống nhanh dần làm cho các mối quan hệ trở nên ít bền vững hơn, thậm chí dẫn đến tình trạng các quan hệ trở nên mong manh, lỏng lẻo. (Giữa cha mẹ và con cái, giữa thầy và trò, giữa ba môi trường giáo dục, giữa phương pháp và nội dung truyền thụ…).

Ở đây, tôi chỉ xin đề cập đến khả năng tinh thần của học trò, một khía cạnh làm nên giá trị lớn lao của giáo dục, thì quả là học trò ngày nay đang bị “thử thách” quá sức. Cần phải hiểu điều đó để tìm mọi cách khắc phục!

NguyỄn HiỆp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuyến chi ngày bão, hay câu chuyện giáo dục