Theo dõi trên

Về với tuổi thơ

16/08/2019, 08:15

BT- Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến “Tổng kết năm học 2018 – 2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020”, ngày 6/8/2019, một đại biểu ở đầu cầu tỉnh Cà Mau nêu ý kiến: “Tỉnh kiến nghị định suất đầu tư cho giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long cần phải được tăng lên, nhất là giáo dục mầm non”(1). Điều nhấn mạnh gợi chúng tôi suy nghĩ, “nhất là giáo dục mầm non”.

                
Ảnh minh họa

 Đầu tư thế nào để đáp ứng

Các nhà giáo dục đều nhận thấy giáo dục lứa tuổi mầm non và tiểu học nhằm hình thành nhân cách cho trẻ ngay từ đầu để làm cơ sở phát triển về sau là quan trọng, nhưng rất khó khăn, không đơn giản. Nhất là ở nước ta, không đơn giản ở chỗ về cơ sở vật chất tạo môi trường học tập cho trẻ và năng lực giáo viên. Cơ sở vật chất – dụng cụ học tập, ở nhiều trường dạy trẻ hiện nay còn nghèo nàn, không gian dạy học nằm trong 4 tường rào kín đáo, sinh hoạt cho trẻ trở nên đơn điệu. Giáo viên chưa đạt đến tầm, chưa đạt bởi họ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về tâm lý - kỹ năng giáo dục trẻ để tìm ra phương pháp giảng dạy thích hợp, kích thích lòng đam mê, phát huy năng khiếu cho từng lứa tuổi. Trong các bậc học, dạy học khó nhất là bậc mẫu giáo, đầu cấp tiểu học. Bà Maria Montessori(2) từng nêu trong hội thảo quốc tế: “Trẻ em thấy rất khó mà tập trung vào lời nói, nhưng chúng không thấy khó khăn để tập trung vào các đồ vật”. Từ thực tế nghiên cứu, bà đưa ra 2 vấn đề khó khăn mà giáo viên gặp phải: “Điều thứ nhất là truyền tải tri thức bằng lời nói, là cái mà mọi người đều nhìn nhận; thứ hai là khó mà giữ được sự chú ý của đứa trẻ. Vấn đề dạy trẻ em không thể nào giải quyết được bằng cách có sách giáo khoa tốt hay có giáo viên giỏi trong lớp học để nói về những điều đúng của các sự vật mà đứa trẻ không thể thấy, nhưng thay vì xây dựng một môi trường sống có chứa đựng những đồ vật sẽ thể hiện một cách cụ thể những thứ cần học”(3). Nghĩa là tâm lý nhận thức của trẻ (theo từng độ tuổi) được tác động hữu hiệu nhất là trực tiếp nhìn thấy sự vật để biết, chứ chúng không thể chú ý để ghi nhận những lý thuyết rao giảng. Dạy trẻ rơi vào thuyết giảng sẽ thất bại. Ở đây, đặt ra vấn đề đầu tư, người dạy phải có phương pháp dựa trên cơ sơ vật chất tạo ra môi trường học tập cho trẻ.

 Không đơn giản để hiểu trẻ

Có những vấn đề gần như nhiều phụ huynh và giáo viên chưa thật chú ý đến, hoặc chưa nghiên cứu để biết đến trong quá trình quan sát hướng dẫn nhằm đáp ứng được những nhu cầu sở thích và ham muốn của trẻ ở từng độ tuổi, giúp trẻ phát triển tự nhiên, hỗ trợ cho trẻ bộc lộ tình cảm, thể hiện tình yêu đối với môi trường sinh hoạt hàng ngày, tập trung chú ý, khơi dậy sự hiếu kỳ, tò mò, tác động thắp lên niềm đam mê khám phá trong quá trình học tập. Không nên quan niệm trẻ không có sự hiếu kỳ khám phá. Nhiều phụ huynh và giáo viên chỉ nhìn trên hiện tượng để phàn nàn, tại sao nhiều trẻ mau chán khi sử dụng đồ chơi, như vậy là chưa nghiên cứu sâu đặc điểm tâm lý lứa tuổi. Bởi trẻ con thực sự đam mê vào vật gì, việc gì đó chỉ khi chúng thể hiện một người biết lao động. Nếu đồ vật sắm cho chúng nhằm để vui chơi, nhìn ngắm, thưởng thức, chỉ thời gian ngắn chúng sẽ chán, vứt bỏ để tìm đồ vật mới. Những đồ vật nào tạo ra công việc cho chúng làm, để chúng nghiên cứu, khám phá (theo cách của chúng), khi đạt được mục đích của sự tò mò, chúng sẽ trở nên hào hứng, phấn khởi, yêu thích. Dĩ nhiên trong quá trình đó, người lớn (phụ huynh - giáo viên) phải quan sát, theo dõi, trợ giúp. Họ đúc kết rằng, hạnh phúc của trẻ là vui chơi trong lao động. Nhưng muốn làm được, người thầy phải có năng lực để xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp, bởi sở thích, tư duy của bé 4 tuổi với bé 5, 6 tuổi khác biệt. Điều đặc biệt căn cốt nữa, thế giới tâm linh của trẻ con còn nhiều huyền bí, nếu không giải mã tìm sâu vào bản chất mà tạo hóa ban cho chúng ở bên trong, khó mà hướng dẫn trẻ phát triển theo tự nhiên để hình thành nhân cách(4). Nên việc đầu tư đào tạo giáo viên có năng lực để đáp ứng sự nghiệp giáo dục trẻ là vấn đề không đơn giản.

Đề xuất đầu tư cho “giáo dục mầm non” là rất thiết thực, nhưng đầu tư như thế nào, đến bao giờ để hòa nhịp cùng sự phát triển giáo dục tiên tiến thế giới?

    
    Nguồn:   (1): mnews.chinhphu.vn; (2): Maria Montessori (1870 – 1952), sinh ở nước   Ý, mất tại Hà Lan, tốt nghiệp y khoa, nghiên cứu thể nghiệm thành công   vấn đề giáo dục trẻ, giảng viên đại học, hiện nay hệ thống giáo dục mang   tên bà có mặt hơn 100 quốc gia trên thế giới tiếp tục tạo dựng làm nền   tảng; (3), (4): Dẫn trực tiếp và gián tiếp: Maria Montessori – Giáo dục   và Hòa bình, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2018.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy La Gi: 
Cần khai thác tốt hơn lợi thế, tiềm năng thị xã
BTO-Ban Thường vụ Tỉnh ủy có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy La Gi về kết quả thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, vào sáng nay, 24/4. Đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên Dự khuyết BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có các đồng chí đại diện Vụ Địa phương II, Văn phòng TW Đảng; Cơ quan thường trực phía Nam, Ban Tuyên giáo TW Đảng; các Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo sở, ngành liên quan.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Về với tuổi thơ