Theo dõi trên

Từ vụ cây phượng bật gốc chết người: Có nên triệt hạ phượng vĩ?

01/06/2020, 16:01

BTO- Đến nay, dù đã gần 1 tuần trôi qua, nhưng câu chuyện phượng đổ gây ra cái chết thương tâm cho 1 em học sinh tại Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM), vẫn còn là vấn đề nóng trên các trang mạng xã hội và dư luận cả nước.

Nóng và lo lắng là điều dễ hiểu, bởi phượng là loài hoa tượng trưng cho tuổi học trò và được trồng hầu hết trong các sân trường. Trong khi mỗi gia đình đều có con hay cháu đang độ tuổi đến trường. Đặc biệt hơn, sau vụ bật gốc cây phượng ở quận 3, liên tiếp nhiều vụ phượng bật gốc xảy ra ở một số địa phương khác, làm dư luận càng băn khoăn. Nhiều trường học sau đó đã vào cuộc rà soát, thậm chí nhiều trường thẳng tay đốn bỏ phượng vĩ trong sân trường, như để phòng ngừa mối hiểm họa.

                
      
      Xà cừ bậc gốc giữa trưa hồi cuối tháng 7/2019 trên đường Trần Hưng    Đạo, TP. Phan Thiết, làm nhiều người đi đường thoát nạn trong gang    tấc.

Sự việc đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều, về việc liệu cây phượng vĩ có còn phù hợp trồng trong sân trường hay không?

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: “Phượng vĩ có nguồn gốc từ Madagascar. Tại Việt Nam, phượng vĩ được người Pháp du nhập vào trồng khoảng những năm cuối thế kỷ 19 tại các thành phố lớn như: Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay phượng vĩ là loài cây được trồng rộng rãi từ miền Bắc vào miền Nam trên vỉa hè, công viên, trường học. Thành phố Hải Phòng còn được gọi là thành phố Hoa phượng đỏ; nơi đây hoa phượng được trồng khắp nơi, có cả một công viên hoa phượng ngay trung tâm thành phố, có lễ hội hoa phượng diễn ra vào tháng 5 rất độc đáo”.

Phượng vĩ là biểu tượng gắn liền với tuổi học trò, do mùa nở hoa của nó trùng với thời điểm kết thúc năm học, mùa chia tay của nhiều thế hệ học trò. Nó gắn liền với nhiều kỷ niệm buồn vui của tuổi cắp sách đến trường. Chính vì thế, người ta gắn cho nó tên gọi "hoa học trò".  

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng trải qua quãng thời gian cấp sách đến trường. Ở một gốc sân trường, hay bên cây phượng ở cấp học nào đó, hẳn sẽ còn những kỷ niệm khó phai.  

Thế thì, vì đâu phượng trở nên “hung dữ” ngã đổ, gây thương vong cho người chọn mình là biểu tượng?

Để tìm hiểu, chúng tôi đã gõ từ khóa “phượng bật gốc” trên Google thì cho 2.700.000 kết quả tìm kiếm trong vòng 0,37 giây. Tấc nhiên đều xoay quanh vụ việc xảy ra ngày 26/5 vừa qua và những vụ phượng bật gốc mấy ngày sau đó. Ngay cả Thành phố Hải Phòng, nơi trồng nhiều cây phượng nhất cả nước, chúng tôi cũng chưa tìm thấy các bài viết cảnh báo, hay những vụ bật gốc cây phượng gây hại cho con người.

Tìm hiểu về đặc tính của cây phượng thì đây là loài cây cũng có khá nhiều yếu điểm như: giòn và dễ gãy. Nhiều người lo ngại việc trồng cây ở các dải phân cách, lề đường,... sẽ gây nguy hiểm cho người đi đường nếu gặp thời tiết bất lợi. Ngoài ra loại cây tuổi thọ cũng không cao, khi chỉ có thể sống trong khoảng 30 năm, hoặc thọ lắm cũng không quá 50 năm. Khi già cỗi, phượng dễ bị sâu bệnh và nấm tấn công bên trong thân cây và trở nên mục rỗng. Dễ tiềm ẩn các nguy cơ về các tai nạn bất ngờ.

Quay trở lại vụ phượng bậc gốc ở quận 3, qua hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội có thể thấy, lỗi chính ở đây là cách trồng (vun ụ đất nhỏ và quá cao). Ngoài ra việc theo dõi và chăm sóc cây dường như chưa được quan tâm, khi không phát hiện sâu mọt gây chết rễ rỗng thân, dẫn đến cây bị ngã đổ bất ngờ là khó tránh khỏi.

Vì vậy việc chặt phượng hàng loạt vì lo lắng là điều nên cân nhắc, và chỉ nên nằm ở mức thường xuyên rà soát, chẩn đoán bệnh, để loại bỏ những cây có nguy cơ gãy, đổ. Bởi không chỉ riêng về cây phượng vĩ, mà hầu hết các loại cây khác nếu không được theo dõi, chăm sóc đúng cách đều có thể trở thành mối nguy hiểm. Đặc biệt đối với những nơi tụ tập đông người như trường học, công sở, công viên, hay lề đường, thì càng phải theo dõi tình trạng “sức khỏe”, cũng như cắt tỉa cành thường xuyên kỹ lưỡng hơn.

 Nhân sự việc đáng tiếc xảy ra ở quận 3, và chúng ta cũng sắp bước vào mùa mưa bão. Vì vậy cần thiết tổng rà soát lại cây xanh tại các khu vực đông người, có nguy cơ đe dọa tính mạng của người dân, để có sự chủ động phòng ngừa thương vong đến từ việc cây đổ, gãy.

Trần Huỳnh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ vụ cây phượng bật gốc chết người: Có nên triệt hạ phượng vĩ?