Theo dõi trên

Tư vấn tâm lý học đường:  “Gỡ rối” cho nhiều học sinh

23/03/2017, 09:57

BT- Mới thành lập 3 năm nhưng Ban tham vấn học đường của Trường THCS - THPT Lê Lợi (TP. Phan Thiết) đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều học sinh trong trường. Không chỉ “gỡ rối” những vấn đề tâm lý cho lứa tuổi teen, ban còn chủ động tìm đến học sinh để định hướng nhân cách và rèn luyện kỹ năng sống cho các em.

                
Cô Chung đang tư vấn tâm lý cho học sinh.

Tranh thủ giờ ra chơi, một nhóm học sinh lớp 12 đã nhanh chân xuống phòng tham vấn học đường của trường để nhờ giáo viên tư vấn việc chọn tổ hợp môn thi tốt nghiệp, số khác là “gỡ rối” do không biết giải thích thế nào khi “em muốn sau khi tốt nghiệp THPT sẽ đăng ký vào trường nghề vì thấy sức học của mình khó đậu đại học, nhưng người thân lại đặt kỳ vọng lớn vào em”. Cô Đinh Thị Mỹ Chung – phụ trách Ban tham vấn học đường Trường Lê Lợi còn khá trẻ nhưng rất nhiệt tình, vui vẻ trả lời, hướng dẫn, chia sẻ tất cả mọi điều mà học sinh thắc mắc.

Cô Chung cho biết: Khi Ban tham vấn mới thành lập, nhiều học sinh còn ngần ngại do có suy nghĩ tư vấn tâm lý là có “vấn đề” hoặc sợ bí mật riêng tư bị tiết lộ. Vì thế mỗi khi gặp sự cố tâm lý mà không biết cách giải quyết, các em thường tự chịu đựng hoặc chia sẻ với bạn thân. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các buổi chào cờ, sinh hoạt ngoại khóa, chương trình phát thanh các em đã dần cởi mở. Giáo viên tiếp xúc với học sinh dưới dạng trò chuyện tâm sự, chia sẻ trong thời gian trước hoặc sau giờ học. Cũng có không ít trường hợp giáo viên nhận thấy những biểu hiện bất thường ở học sinh và chủ động tìm đến gợi mở, chia sẻ cùng các em. Ngoài kênh đối thoại trực tiếp thì nhiều vấn đề gặp phải trong tình bạn, tình yêu, gia đình, chuyện điểm số… được học sinh gửi email, tin nhắn hay gọi điện thoại nhờ giáo viên tư vấn. Đơn cử mới đây một em học sinh THCS đã gửi tin nhắn cho ban tham vấn hỏi về những thay đổi của tuổi dậy thì và tình yêu trong học đường. Qua tìm hiểu được biết em không dám hỏi ba mẹ, vì thường nhận được câu trả lời: “Sau này con lớn rồi sẽ biết”. Em đã tìm thông tin trên mạng internet nhưng vẫn chưa nắm rõ. “Chúng ta thường hay lo sợ việc “vẽ đường cho hươu chạy”, tuy nhiên trong bối cảnh xã hội hiện nay thì nên làm việc này hơn là để “hươu” chạy sai đường. Đây không phải khuyến khích hay thả lỏng các em mà là giúp cho các em biết cách tự bảo vệ mình, tránh những hậu quả đáng tiếc về sau”, cô Chung chia sẻ.

Thầy Đào Duy Phượng – Phó hiệu trưởng Trường THCS – THPT Lê Lợi cho biết thêm: Ban tham vấn học đường nhà trường hiện có 2 giáo viên phụ trách, trong đó một cô là thạc sĩ tâm lý, một là cử nhân tâm lý và có phòng tư vấn riêng nên rất thuận lợi để chia sẻ, giải đáp thắc mắc của học sinh. Hiện trường cũng đã thành lập câu lạc kỹ năng sống để các em sinh hoạt và trong tuần các lớp đều có một tiết học ngoại khóa về kỹ năng sống. Nhờ làm tốt việc nắm bắt tâm lý học sinh nên những năm học qua đã hạn chế trường hợp bỏ học giữa chừng, bạo lực học đường, đồng thời góp phần định hướng, hỗ trợ các em vượt qua khó khăn trong học tập, cuộc sống, định hướng nghề nghiệp.

T.Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tư vấn tâm lý học đường:  “Gỡ rối” cho nhiều học sinh