Theo dõi trên

Trường xa – nỗi khổ phụ huynh học sinh vùng cao

05/12/2017, 16:29

BTO- Ở La Dày, Đa Kim, Đa Tro xã Đa Mi (Hàm Thuận Bắc), trẻ em lớn lên học mầm non và tiểu học thì học gần nhà, nhưng học THCS phải trải qua đoạn đường dài hơn 20km. Gia đình nào khá giả cho con ăn học ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), Phan Thiết, còn nghèo khó hơn thì canh cánh những nỗi lo.

Đa Mi là xã vùng cao của huyện Hàm Thuận Bắc, có địa hình trên 90% là đồi núi. Địa bàn hành chính xã có 4 thôn (La Dày, Đa Kim, Đa Tro, Đaguri) và 29 tổ tự quản với 1.134 hộ/4.019 khẩu, đa phần là người của 57 tỉnh, thành đến lập nghiệp. Khoảng cách giữa các thôn như La Dày, Đa Kim, Đa Tro đến Đaguri khoảng 18 - 30km.Toàn xã có 1 trường THCS; 4 trường tiểu học gồm 2 điểm chính và 2 điểm lẻ; 3 trường mẫu giáo (1 điểm chính và 2 điểm lẻ). Phần lớn các điểm trường chính của tiểu học và THCS nằm ở thôn Đaguri.

                
      Xe đưa đón học sinh 3 thôn sau khi kết thúc buổi học

Hầu hết trẻ em La Dày, Đa Kim, Đa Tro sau khi hoàn thành bậc học mầm non và tiểu học ở các điểm trưởng lẻ, phải trải qua đoạn đường khá xa đến Đaguri học tiếp THCS. Gia đình nào khá giả thì thuê nhà trọ ở Bảo Lộc, Ma Lâm (HTB) và Phan Thiết cho con học tiếp, nhưng với gia đình nghèo khó  cứ thuận theo lẽ thông thường trường đâu học đó. Con cái của họ sau khi hoàn thành bậc tiểu học là đến Đaguri – nơi có Trường THCS Đa Mi, tìm chỗ ở cho con ăn học. Nơi ở chủ yếu ở Nhà thờ Đaguri, nhà người thân quen, nhà trọ.

Tuy nhiên, những năm gần đây tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng, trẻ em là những đối tượng dễ bị sa ngã, nên đã từng xảy ra tình trạng nghiện game lơ là học tập, không biết nghe lời… bị phản ảnh và trả về cho cha mẹ. Hiện nhiều gia đình nghèo ở 3 thôn đã cho con về nhà và đi học bằng xe đưa đón. Mỗi gia đình phải trả tiền xe đưa đón trên dưới 400.000 đồng mỗi em một tháng tùy vào đoạn đường xa hay gần

Chị Trần Thị Hương (thôn La Dày) – người mẹ có hai con đang học lớp 6 và lớp 8 tại trường THCS Đa Mi chia sẻ, sau nhiều năm chồng mất vì bệnh  tai biến mạch máu não, một mình chị lo cho 2 đứa con ăn học. Cách đây 1 năm chị cho đứa lớn ở Nhà thờ Đaguri, 1 tháng đóng cho nhà thờ khoảng 500.000 đồng. Sau đó, Nhà thờ quản lý không xuể, nhiều em có biểu hiện không tốt vì xa cha mẹ, nên tôi cũng như nhiều cha mẹ học sinh khác bàn nhau hợp đồng với một nhà xe ở trong thôn để chở các cháu đi học. Nhà tôi ở La Dày gần hơn Đa Kim nên mỗi tháng trả tiền xe 380.000 đồng, 2 đứa là 720.000 đồng. Tuy vậy cũng rất bất tiện, vì lệ thuộc nhà xe, thỉnh thoảng có sự cố gì đột xuất chúng tôi cũng phải tự đưa đón các cháu…

Cùng cảnh ngộ chị Lê Thị Kim Vy– phụ huynh của nữ sinh Đỗ Thanh Thùy  lớp 7B cho biết, người  ta có điều kiện cho con học ở Bảo Lộc, Phan Thiết, không có điều kiện thì cho con học ở Đa Mi. Cháu ở nhà trọ, tôi không yên tâm nên hàng tháng đóng tiền cho nhà xe chở cháu đi học. Mỗi lần đi học về cháu mệt mỏi vì say xe, nhưng động viên cháu cố gắng…Trong khi bé Thanh Thùy nói, sáng nào em cũng dậy lúc 4h00 giờ sáng học bài, ăn cơm và chuẩn bị sách vở khoảng 5h30 lên xe đi học. Ngày nào cũng vậy, có hôm học cả ngày, trưa ở lại chiều có xe mới đi về.

Khác với những gia đình ở La Dày, Đa Tro, nhiều gia đình ở Đa Kim – nơi xa nhất, cách trường THCS gần 30 km, mỗi tháng họ phải trả 430.000 tiền xe cho con đi học. Ông Hoàng Văn Hiệu (đội 2, thôn Đa Kim) – người cũng có con học ở THCS Đa Mi chia sẻ, gia đình ông thuộc diện khá khó khăn, ruộng vườn không có, hàng ngày phải đi hái cà phê mướn, nuôi 5 đứa con đang tuổi ăn học. Mỗi tháng ông phải trả 430.000 đồng tiền cho nhà xe để con ông được đi học. Nhiều khi không có tiền, phải vay mượn để trả tiền xe. Sáng nào cũng đúng 5h00 cháu ra đường đón xe đi học. Cho dù khó khăn, phải cố gắng tạo mọi điều kiện cho con đi học, ông Hiệu nói thêm.

Nói về nỗi khổ của phụ huynh học sinh ở 3 thôn trên, cô Phan Thị Trang – Hiệu trưởng Trường THCS Đa Mi cho biết, hiện nay số học sinh ở 3 thôn có khoảng 60 em đang học tại trường. Trước đây, các em ở Nhà thờ Đaguri và trọ nhà dân. Nhưng các em cứ trốn ra ngoài chơi game, khó quản lý và bị trả về cho cha mẹ. Khi đó các phụ huynh bàn bạc và hợp đồng với một nhà xe ở trong thôn, chuyên đưa đón các em đi học. Nhà trường không có khoản nào hỗ trợ, chỉ tạo điều kiện cho các em học tập… Qua quá trình dạy dỗ các em, chúng tôi nhận thấy việc đi lại khó khăn cũng ảnh hưởng phần nào đến chất lượng học của các em. Chúng tôi cũng như phụ huynh học sinh mong ngành chức năng quan tâm, nên tổ chức nội trú với bếp ăn tập thể và có người quản lý…  để phụ huynh, học sinh giảm bớt nỗi lo, yên tâm học tập.

Ninh Chinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đức Linh cần tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp để phát triển toàn diện
BTO-Đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ đạo như vậy tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Linh, diễn ra sáng 25/4. Dự làm việc còn có đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường xa – nỗi khổ phụ huynh học sinh vùng cao