Trường mầm non Hướng Dương
Trường mầm non Hướng Dương: Dạy học theo hướng
lấy trẻ làm trung tâm
BT - Các hoạt động giáo dục đều hướng tới từng
trẻ, từng nhóm trẻ để tạo cơ hội cho trẻ được thể hiện khả năng của bản thân, tổ
chức cho trẻ “Học bằng chơi, chơi mà học” giúp trẻ hoàn thiện dần các kỹ năng cá
nhân… Đó là hoạt động dạy học theo hướng lấy trẻ làm trung tâm được Trường mầm
non Hướng Dương (Hàm Thuận Bắc) triển khai thực hiện trong thời gian qua.
Ấn tượng đầu tiên khi đến Trường mầm non Hướng Dương ngụ
tại thị trấn Phú Long với cơ sở vật chất khá khang trang, môi trường thoáng mát,
sạch sẽ. Đặc biệt, bên trong và bên ngoài lớp học có đầy đủ các thiết bị, đồ
dùng đồ chơi, được bố trí sắp xếp phù hợp, khoa học nhằm giúp trẻ phát triển
toàn diện về mọi mặt. Quan sát kỹ phía trong các lớp học, giáo viên đã tạo các
góc hoạt động màu sắc sinh động, ngộ nghĩnh với cách sắp xếp phù hợp, gần gũi,
quen thuộc với cuộc sống thực hằng ngày của trẻ. Đặc biệt, các vật liệu được sử
dụng để làm đồ chơi cho trẻ mang tính mở được lấy từ nguyên vật liệu tự nhiên
như cỏ cây, hoa lá, hột hạt… và phế liệu nhằm giúp trẻ được thể hiện ý tưởng
theo ý thích. Còn ở phía ngoài trời, nhà trường xây dựng môi trường sư phạm
chung, tạo các góc chơi nhỏ như góc chơi đóng vai, góc chơi với cát, nước, góc
khám phá khoa học, góc chơi vận động, khu vui chơi giao thông, khu làng nghề quê
em… Với cách bố trí này, trẻ rất thích thú khi được hoạt động ngoài trời vì vừa
được hít thở không khí trong lành, được hòa mình với thiên nhiên, đồng thời được
thể hiện mình qua trò chơi, góc chơi mà trẻ thích. Từ đó, giúp trẻ lĩnh hội kiến
thức một cách nhẹ nhàng, tự nhiên nhất.

Trường mầm non Hướng Dương dạy học theo hướng lấy trẻ
làm trung tâm.
Cô Nguyễn Thị Ánh Hồng - Hiệu trưởng Trường mầm non Hướng
Dương cho biết, khi xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, ngoài căn cứ
vào kế hoạch cho từng độ tuổi của trẻ còn căn cứ vào sở thích, khả năng, nhu cầu
học tập, kinh nghiệm sống của trẻ để xác định mục tiêu, lựa chọn nội dung, hoạt
động phù hợp và đặt trẻ vào trung tâm của quá trình giáo dục. Việc tổ chức hoạt
động dạy học đều được hướng tới từng trẻ, từng nhóm trẻ để tạo cơ hội cho trẻ
được thể hiện khả năng của bản thân, tăng cường trò chuyện với trẻ, lắng nghe và
tôn trọng trẻ; gợi ý, khuyến khích, động viên trẻ, phân loại câu hỏi theo từng
đối tượng trẻ. Tổ chức cho trẻ “Học bằng chơi, chơi mà học” giúp trẻ hoàn thiện
dần các kỹ năng cá nhân. Một yếu tố quan trọng để thực hiện tốt hoạt động giáo
dục lấy trẻ làm trung tâm, trước tiên giáo viên phải hiểu rõ về lĩnh vực này, vì
vậy mỗi giáo viên cần tự học, thường xuyên tìm hiểu qua sách, qua internet, qua
modun các tài liệu về giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Với việc dạy học theo
hướng này, trẻ có đủ các điều kiện, cơ hội để thực hành trải nghiệm với môi
trường vật chất và môi trường xã hội, trẻ ngày càng tự tin, mạnh dạn, linh hoạt,
khéo léo trong tất cả các hoạt động, trẻ vui vẻ, hứng thú đến trường. Điều này
đã tác động trực tiếp đến suy nghĩ, nhận thức của mỗi phụ huynh được nâng lên rõ
rệt, phụ huynh ngày càng tin tưởng vào chất lượng hoạt động của nhà trường, nên
phấn khởi, tích cực đưa con em mình đến trường và phối hợp tham gia các hoạt
động của nhà trường.
Với phương châm “Học bằng chơi, chơi mà học”, việc xây
dựng tốt môi trường giáo dục trong trường mầm non là điều kiện để trẻ phát triển
toàn diện về thể chất, ngôn ngữ, trí tuệ, khả năng thẩm mỹ, tình cảm và kỹ năng
xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho trẻ mầm non vào lớp 1.
Thanh Thủy