Theo dõi trên

Trăm mối lo trước ngày khai giảng

03/09/2021, 09:30

BT- Chưa bao giờ giáo viên chúng tôi lại khát khao được đến trường như lúc này, cũng chưa có khi nào học sinh chờ đợi ngày khai trường đến như thế. Có em nhắn tin nói rằng “nghỉ học nhiều chán rồi cô ơi! Bao giờ mới đi học trở lại?”. Cũng chỉ biết nói với các em “khi nào hết dịch thì mới tới trường. Nhưng nếu dịch cứ kéo dài như thế có khi phải học online em ạ”. Mới nghe đến đó, một số phụ huynh đã cầm điện thoại nói ngay “học sinh nhỏ sao mà học online được cô?”. “Nhà em chỉ có mỗi cái điện thoại làm ăn mà có tới 2 đứa học rồi sẽ học thế nào?”…

Chỉ còn biết động viên phụ huynh ráng cài phần mềm Zoom để cô trò làm quen nhau. Thời gian đầu, cô chỉ dạy ôn tập làm tiền đề nếu như sau này phải học chương trình mới, các em sẽ không phải bỡ ngỡ. Lớp có 34 em, giáo viên đã kết nối phụ huynh vào nhóm Zalo và nói chuyện mong phụ huynh tải phần mềm Zoom về để cho học sinh kết nối học tập. Có phụ huynh nói “con em đang ở với ngoại nơi xa nên không hướng dẫn học được”.

Có phụ huynh cho biết “vợ chồng em đang ở tuyến đầu chống dịch, con ở nhà không có điện thoại học cô ơi!”. Có phụ huynh buồn rầu thông báo “con em là F0 đang điều trị tại bệnh viện dã chiến”. Có em lại là  F1 đang cùng gia đình ở khu cách ly. Có phụ huynh nói nhà mình chỉ có mỗi cái điện thoại đập đá, sao có thể học? Cũng có phụ huynh rất nhiệt tình nhưng nói rằng “em đăng nhập hoài mà không vào được”...

Mở lớp, gửi link, cô đợi hoài được 2 em vào lớp. Khoảng 40 phút sau có thêm được 2 người nhưng cũng chỉ được mấy phút là thoát khỏi màn hình. Vậy là, từ đầu đến cuối buổi chỉ có cô giáo và 2 bạn học sinh.

Được 2 học sinh tham gia học vẫn còn hơn nhiều đồng nghiệp khác. Có bạn nói rằng “phụ huynh em nói sách vở, đồ dùng dạy học cho con cũng chưa mua được. Mà có cho đi cũng chẳng biết lấy tiền đâu để mua vì mấy tháng nay chỉ ở nhà có mấy đồng tiền tiết kiệm cũng bay hết rồi”.

Bạn nói, mình dạy ở ngay tâm dịch, cái phường mà tỷ lệ dương tính chiếm tới 2/3 tổng số ca nhiễm của toàn thị xã nên phần đông gia đình học sinh bị F0, F1 rất nhiều.

Nhiều lần, liên hệ với phụ huynh hỏi về tình hình dịch bệnh nơi ấy, có người nghe máy giọng buồn đến nẫu ruột gan vì cả gia đình đang ở khu cách ly. Có máy đổ chuông nhưng không có ai nghe. Có người nói “đến cho con nghỉ học mất cô ơi! Tiền bạc đâu mà mua sách vở, đóng tiền trường? Nhà có cái ghe làm phương tiện kiếm cơm thì nước lũ mới nhấn chìm. Tiền ăn còn khó lo lấy tiền đâu mà đi học?”.

Tiền trường của con vào năm học mới là “cả gánh lo” với phụ huynh ngay lúc này. Ảnh minh họa.

Bình Tân (La Gi), nơi đang ảnh hưởng nặng nề nhất dịch Covid-19, ngày 28/8 cơn lũ lại ập về cuốn phăng vài chục chiếc ghe thuyền đang neo đậu. Tiếng khóc than vì mất của, xót tiền, vì lo lắng chưa kịp trả hết nợ đã mất sạch làm nhiều người thương cảm, xót xa. Rồi nợ sẽ chồng lên nợ biết đến bao giờ mới trả xong. Trong những hoàn cảnh như thế, để mua được cái điện thoại thông minh hay mua cái máy bàn và kết nối internet cho con học là điều không thể.

Với những gia đình có điều kiện một chút cũng chẳng còn tâm trí để ngồi học cùng con khi ca nhiễm tại đây cứ tăng vùn vụt mỗi ngày. Nếu học sinh chịu học cũng chẳng đủ giáo viên để giảng dạy. Hiện hàng trăm giáo viên trong ngành giáo dục nơi đây        đã được tăng cường cho phong trào chống dịch. Có những thầy cô giáo đã bị F0, người lại bị F1 cũng đang trong khu cách ly. Hàng chục ngôi trường đã trở thành bệnh viện dã chiến và khu cách ly tập trung cho hàng trăm người.

Hôm nay, liên hệ được với một người quen cũng đang cách ly tại trường, biết được thực trạng lúc này mà nẫu cả ruột gan. Bạn nói, nhiều người không giữ gìn vệ sinh chung, vứt rác, băng vệ sinh, khẩu trang không đúng quy định. Có mấy cái nhà vệ sinh mà luôn trong tình trạng nghẹt vì có người bỏ cả khẩu trang vào đấy. Đã có mấy lần bạn và người dọn dẹp mua đồ về thông cống nhưng tình trạng nghẹt vẫn cứ xảy ra. Có hố rác nhưng có người vẫn thích bạ đâu quăng đó. Rồi đi vệ sinh ra vườn cây, bãi cỏ... phía sau trường.

Chỉ nghe đã thấy hãi hùng vì trường mình vốn đất rộng nên cây cối um tùm phía sau, sẽ là nơi lý tưởng  cho những ai lười tới nhà vệ sinh mà thích nơi thoáng mát. Để có được khuôn viên trường học an toàn như lúc đầu, chắc chắn thầy và trò sẽ còn vất vả lắm. Các ca F0 ở thị xã vẫn đang tăng từng ngày. Hôm 30/8, đã gần 50 ngày thị xã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 và là ngày thứ 4 thực hiện siết chặt “ai ở đâu thì ở yên đó” nhưng vẫn còn các ca nhiễm ngoài cộng đồng. Tình hình này, chẳng biết đến bao giờ cuộc sống mới trở lại bình thường để học sinh được tung tăng tới trường?

Không đến trường mà tổ chức dạy online thì sao? Sẽ rất khó khăn để học sinh nơi tâm dịch này có thể tham gia lớp học và bằng chứng là lớp tôi 34 em nhưng mới chỉ có 2 học sinh là có thể theo học. Dạy cho có thì dễ nhưng dạy vì học sinh, dạy đạt chất lượng chắc chắn sẽ không thể được. Kế hoạch năm học của Bộ Giáo dục - Đào tạo đã đưa ra, có từng mốc thời gian cố định và chỉ cho phép du di khoảng 15 ngày. Nhiều tỉnh, thành cũng đang dạy học trực tuyến. Nếu tỉnh mình không triển khai năm học, những mốc thời gian như kết thúc năm học và thời gian dành cho những kỳ thi quốc gia cũng không thể theo kịp thời quy định của Bộ. Muốn cơ sở thay đổi, ngay Bộ Giáo dục - Đào tạo cần thay đổi trước. Có nhất định bằng mọi giá phải tổ chức năm học lúc này? Chúng ta có thể chuyển đổi năm học như việc lấy 3 tháng hè của năm học 2021-2022 cho giáo viên và học sinh nghỉ trước. Năm học mới sẽ thật sự bắt đầu khi dịch kết thúc. Nếu học chậm 1 tháng, sẽ kết thúc năm học cuối tháng 6. Học chậm 2 tháng, sẽ kết thúc năm học cuối tháng 7…

Chậm một chút nhưng sẽ được nhiều điều bổ ích như đảm bảo về an toàn sức khỏe cho cả cô và trò. Ổn định được vệ sinh trường lớp, bổ sung được cơ sở vật chất, phụ huynh có thời gian để chuẩn bị đồ dùng, sách vở cho con.

Chậm một chút, chất lượng học tập sẽ được đảm bảo và nâng lên. Học sinh sẽ được tham gia lớp học đầy đủ và nhờ đó mục tiêu giáo dục cũng sẽ đạt được như mong muốn. 

Phan Tuyết



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trăm mối lo trước ngày khai giảng