Theo dõi trên

Tiền “treo”, học sinh chịu thiệt

26/02/2020, 09:00

BT- Một khi nhân viên y tế trường học không có chứng chỉ hành nghề y, thì không thể cho thuốc các bệnh thông thường. Nhà trường cũng không nhận được số tiền trích lại từ bảo hiểm y tế (BHYT) để chi cho các hoạt động y tế tại trường.

 Khó nhận tiền

Thực hiện Nghị định 146 của Chính phủ, năm 2019, nhân viên y tế trường học không có chứng chỉ hành nghề y, thì không đủ điều kiện nhận nguồn trích chuyển 5% từ BHYT. Để trang bị thuốc, bông, băng, cồn… cho phòng y tế trường học, nhà trường phải trích khoản chi hoạt động thường xuyên. Trong khi đó, khoản này cũng đang eo hẹp, đó là phản ánh của thầy Trương Mạnh Phong (Hiệu trưởng Trường tiểu học Lạc Đạo, Phan Thiết).

Tương tự, 2 nhân viên y tế tại Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận, tốt nghiệp trung cấp y sĩ, đều không có chứng chỉ hành nghề y nhưng phục vụ  hơn 1.200 học sinh, sinh viên (khu ký túc xá và các lớp học). Tại La Gi, có 5 nhân viên y tế trường học cũng chưa có chứng chỉ hành nghề y theo quy định. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều trường trong tỉnh không nhận được số tiền trích lại từ BHYT để chi cho các hoạt động y tế tại trường. Hay nói cách khác, khó khăn của các trường này cũng là khó khăn chung của nhiều trường khác khi nhân viên y tế không có chứng chỉ hành nghề. Và ngành giáo dục tỉnh hiện có 93 nhân viên y tế trường học chưa có chứng chỉ hành nghề y.

Với số tiền được trích chuyển 5 - 7% từ nguồn BHYT hàng năm trước đây, các trường học sử dụng mua sắm thuốc, dụng cụ thiết bị y tế cần thiết và hỗ trợ trả lương hợp đồng cho nhân viên y tế. Tuy nhiên, tại điểm a, khoản 1, điều 34 của Nghị định 146/2018 quy định điều kiện, nội dung chi, thanh quyết toán kinh phí khám bệnh, chữa bệnh trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, là nhân viên y tế của trường học, cơ quan, doanh nghiệp… phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định pháp luật. Thực tế, nhân viên y tế thuộc diện biên chế hay hợp đồng tại các trường học đều không có chứng chỉ hành nghề y. Một khi không có chứng chỉ hành nghề, các bệnh thông thường như sốt, đau đầu cũng không thể cho được thuốc hạ sốt, giảm đau trước khi đưa tới bệnh viện. Vì vậy, cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh vẫn “treo” số tiền trên với các trường chưa đủ điều kiện như quy định. 

Lấy ngắn nuôi dài

Đại diện lãnh đạo của một số trường cho biết, để có chứng chỉ hành nghề y, nhân viên y tế trường học phải thực hành đủ 12 tháng. Khi đó, nhà trường sẽ khó khăn trong việc theo dõi sức khỏe học sinh trong suốt thời gian sinh hoạt tại trường, xử lý tình huống học sinh bị sốt, tai nạn thương tích do chạy, nhảy… Những trường có bếp ăn bán trú phục vụ cho hàng trăm học sinh, nhân viên y tế trường học thường trực ở trường là rất cần thiết. Bởi thầy cô giáo không thể đảm nhiệm 2 vai vừa truyền đạt kiến thức vừa sơ cấp cứu với các tai nạn, sự cố về sức khỏe của học sinh, bếp ăn bán trú…

Ông Lê Văn Hồng (Phó Giám đốc Sở Y tế) cho biết: “Sở Y tế đề nghị Sở Giáo dục - Đào tạo lập danh sách, phân loại nhân viên y tế gồm điều dưỡng và y sĩ. Nếu nhân viên y tế tốt nghiệp điều dưỡng, thì Sở Giáo dục - Đào tạo liên hệ các trường đào tạo ngành y trong hoặc ngoài tỉnh tổ chức đào tạo chuyển đổi từ điều dưỡng sang y sĩ. Nếu nhân viên có bằng y sĩ, thì Sở Y tế sẽ hỗ trợ chuyên môn cho các y sĩ thực hành tại các bệnh viện, trung tâm y tế mà không thu phí. Sau khi hoàn thành 12 tháng thực hành liên tục, người học làm hồ sơ theo quy định và được cấp chứng chỉ hành nghề. Sở Y tế không thể “xé rào” bằng cách cho y sĩ cộng dồn thời gian thực hành vào dịp nghỉ hè.

Để tháo gỡ khó khăn trên, nên chăng, các trường ký kết hợp đồng với trạm y tế, trung tâm y tế tuyến huyện, bệnh viện hoặc cá nhân có chứng chỉ hành nghề nghề y là đáp ứng quy định của Nghị định 146. Khi hồ sơ đúng và đủ, ngành Bảo hiểm xã hội sẽ trích chuyển 5% từ nguồn BHYT. Từ đó, các trường sẽ có khoản mua sắm, có thêm nhân viên y tế đảm trách theo dõi sức khỏe học sinh. Còn nhân viên y tế chính thức tại trường sẽ yên tâm học chuyển đổi từ điều dưỡng sang y sĩ hoặc thực hành tại cơ sở y tế.

    
  

    Hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề y

      Thực hiện Nghị định 109/2016 của Chính phủ, hồ sơ cấp chứng chỉ hành   nghề y gồm đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, bản sao hợp lệ văn bằng   chuyên môn phù hợp, giấy xác nhận quá trình thực hành, giấy chứng nhận   đủ sức khỏe, phiếu lý lịch tư pháp, sơ yếu lý lịch tự thuật và 2 ảnh màu   4x6cm được chụp trên nền trắng. Theo Luật Khám chữa bệnh, thời gian thực   hành để cấp chứng chỉ hành nghề cho y sĩ là 12 tháng tại bệnh viện.

Trang Hiếu



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiền “treo”, học sinh chịu thiệt