Theo dõi trên

Thi cử, sao cứ thay đổi xoành xoạch?

15/09/2017, 08:58

Dự kiến năm 2018

BT- Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự kiến về kỳ thi THPT quốc gia 2018. Theo đó, kỳ thi này sẽ giữ nguyên theo phương án của kỳ thi năm 2017. Các thí sinh sẽ làm 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập: toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Trong đó, bài thi khoa học tự nhiên là tổ hợp các môn: vật lí, hóa học, sinh học, còn bài thi khoa học xã hội là tổ hợp các môn: lịch sử, địa lý, giáo dục công dân đối với giáo dục phổ thông, và tổ hợp môn: lịch sử và địa lí đối với giáo dục thường xuyên.

Thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ có thể chọn thi bài thi độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và/hoặc bài thi khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội phù hợp với tổ hợp xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường ĐH, CĐ.

Điều dự kiến thay đổi lớn nhất là đối với 2 bài thi tổ hợp, Bộ GD-ĐT đang đưa ra 2 phương án để các trường cho ý kiến.

Phương án một là giữ nguyên bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần giống như năm 2017.

Phương án hai là mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần nhưng được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với 1 đầu điểm thống nhất của toàn bài thi, không tách thành 3 đầu điểm theo từng môn thi thành phần như năm 2017.

Theo Bộ GD-ĐT, việc đưa ra phương án mới đối với bài thi tổ hợp sẽ giúp việc tổ chức thi và chấm thi đơn giản, dần phát triển thành bài thi tích hợp đánh giá năng lực của thí sinh.

Tuy nhiên, nếu theo phương án 2 các trường ĐH dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển sẽ không còn tuyển sinh theo một số khối thi truyền thống (như khối A, A1, B, C cũ) nữa, vì không có điểm thi riêng biệt từng môn lý, hóa, sinh, sử, địa... như trước. 

Dư luận nói gì?

Trước những thông tin này, nhiều người đã không đồng tình. Trên các diễn đàn xã hội nhiều ý kiến tỏ ra bất bình vì việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cứ thay đổi xoành xoạch các phương án thi làm cho học sinh, phụ huynh không thể nào đáp ứng kịp. Nhiều người đặt câu hỏi “có nhất thiết mỗi năm một thay đổi lớn trong thi cử như thế không?”. Điều này đã gây nên tâm lý hoang mang cho chính các em học sinh và phụ huynh nhiều nhất.

Nếu năm học này áp dụng ngay kiểu thi theo phương án 2 mà nội dung đề thi như được công bố trước đây có cả kiến thức của lớp 11 liệu học sinh có kịp thời gian để ôn tập để đạt được kết quả tốt nhất?

Một phụ huynh bức xúc cho rằng: “Đại chấn hưng giáo dục mà quanh đi quẩn lại chỉ là cải cách thi cử hay sao? Cái quan trọng nhất là dạy cái gì và dạy như thế nào, làm sao để dạy được như thế thì không hề được nói đến”.

Trả lời trên Báo Tuổi Trẻ, TS. Lê Chí Thông (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM) cho rằng: “Nếu Bộ GD-ĐT áp dụng theo phương án 2 đối với 2 bài thi tổ hợp trong năm 2018, những thí sinh dự định thi theo các khối thi truyền thống sẽ không có thời gian chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Nếu thực hiện theo phương án 2, điều này có nghĩa là các trường đều phải thay đổi hoàn toàn tổ hợp môn thi mới. Ví dụ như các trường xét tuyển khối A00 (toán, lý, hóa), nếu áp dụng theo phương án 2 với bài thi khoa học tự nhiên bắt buộc thí sinh phải thi thêm môn sinh. Năm 2017, mặc dù thí sinh xét tuyển khối A00 đã phải thi toán và bài thi khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) nhưng trong đó môn sinh thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp, chỉ cần không bị điểm liệt, nhưng với sự thay đổi này yêu cầu phải thi thêm môn sinh để xét tuyển đại học chắc chắn thí sinh không có sự chuẩn bị kỹ và bị thiệt thòi”.

Tiến sĩ Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục & Đào tạo, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng: “Thực ra mỗi một lần thay đổi thì không chỉ phụ huynh, học sinh băn khoăn mà xã hội cũng quan ngại. Là người tham mưu và luôn đồng hành với giáo dục, tôi đề nghị: Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu kỹ để đảm bảo tính ổn định của kỳ thi, ít nhất là trong vài năm. Ổn định từ cách thức tổ chức cho đến nội dung thi”.

Nếu nhìn lại kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 nhiều người đánh giá là thành công, an toàn, đúng quy chế, đặc biệt là gọn nhẹ, giảm áp lực cho thí sinh và gia đình các em. Tiến sĩ Nguyễn Đắc Hưng cũng nhận định: “Kỳ thi năm nay thành công vì đã đạt được những mục tiêu đề ra”. Liệu như thế, có nhất định phải thay đổi như vậy?    

HUYỀN Phan



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thi cử, sao cứ thay đổi xoành xoạch?