Theo dõi trên

Tánh Linh, đi đầu phổ cập bơi...

02/09/2017, 09:12 - Lượt đọc: 66

BT- Đầu năm học 2016 - 2017, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Bình Thuận triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em” đến các cơ sở trường học, nhưng bước đầu gặp khó khăn về cơ sở vật chất - hồ bơi, thiếu đội ngũ giáo viên dạy bơi, thậm chí lãnh đạo một vài địa phương còn gây ách tắc, làm chậm trễ.

                
   Học sinh học bơi tại hồ bơi ở thị trấn    Lạc Tánh, Tánh Linh.

Nhìn lại một năm triển khai, hầu hết các trường THPT trong tỉnh đã đưa chương trình vào hoạt động. Triển khai chương trình này với khối tiểu học và THCS lại càng khó khăn hơn về nhiều mặt, nhưng Phòng GD&ĐT huyện Tánh Linh đã tạo được một bước đột phá đáng ghi nhận. 

Trách nhiệm với  học sinh

Tánh Linh là huyện trung du với nhiều ao đầm, sông suối tự nhiên, lại thêm hiện tượng nông dân đào ao hồ chứa nước tưới cây – hoa màu, nhưng không có rào chắn, biển báo, nên trong thời gian qua đã xảy hiện tượng tử vong do đuối nước với trẻ vô cùng thương tâm, như xã Gia An: 1 học sinh (HS), Huy Khiêm, Nghị Đức: 2 HS, Lạc Tánh: 4 HS, mới đây tại Suối Kiết 3 HS (ba anh em cùng một gia đình). Chính vì thế mà Phòng GD&ĐT đã tham mưu cho chính quyền các cấp từ xã đến huyện, chỉ đạo các trường phối hợp với cha mẹ học sinh, vận động xã hội hóa xây hồ bơi, cử giáo viên đi tập huấn dạy bơi, đưa môn bơi vào giảng dạy trong nhà trường. 

Phải có tình yêu để vượt khó

Bước đầu, Phòng GD&ĐT tổ chức khảo sát tại 48 trường trong toàn huyện (tiểu học và THCS).  Qua đó cho thấy, lượng học sinh không biết bơi chiếm tỷ lệ rất cao, cấp tiểu học: 91,6%, cấp THCS: 81,7%. Khó khăn lớn nhất là cơ sở vật chất – hồ bơi. Phòng GD&ĐT không có khoản ngân sách nào để chi cho hoạt động này. Nhưng với chủ trương và bộ môn hết sức thiết thực với mạng sống của con người, ngành GD&ĐT huyện đã tuyên truyền làm rõ ý nghĩa đó với cha mẹ học sinh, nên được cha mẹ học sinh đồng tình ủng hộ, góp phần đẩy mạnh xã hội hóa những nhu cầu vật chất cho bộ môn dạy bơi trong nhà trường… Kết thúc năm học 2016 – 2017, toàn huyện  xây được 8 hồ bơi cố định, 11 hồ bơi di động, bảo đảm an toàn về kỹ thuật. Chương trình dạy môn bơi đã phủ kín các trường trên toàn huyện từ lớp 1 đến lớp 9.  Riêng Trường tiểu học – THCS Tà Bứa chưa thực hiện được vì địa bàn đi lại của học sinh rất khó khăn, nguy hiểm, quá cách xa nơi có thể đặt hồ bơi. Tổng số học sinh đăng ký  học bơi ở cấp tiểu học chiếm tỷ lệ 85,6%, đến cuối năm học số bơi được 52%; số tham gia đăng ký học bơi cấp THCS 100%, đến cuối năm học số bơi được 62,3%.

 Năm học 2017 – 2018, ngành GD&ĐT huyện sẽ ra sức vận động, giúp đỡ để tất cả những học sinh còn lại tham gia học bộ môn này nhằm phổ cập bơi cho tất cả các trường. Trong quá trình phổ cập, phát hiện những học sinh có năng khiếu bộ môn bơi để bồi dưỡng, lập đội tuyển, sẵn sàng tâm thế để tham gia dự thi do các cấp liên quan tổ chức. 

Chậm trễ là biểu lộ sự hờ hững

Cùng chung hoàn cảnh, nhưng trong 1 năm Phòng GD&ĐT Tánh Linh triển khai thực hiện “Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em” rất hiệu quả như vậy là ngoài trách nhiệm còn có tấm lòng nhân đạo trước sinh mạng của con người, cụ thể là mạng sống của học sinh. Không biết một số huyện và Phòng GD&ĐT khác trong tỉnh nghĩ thế nào mà trong suốt năm học vẫn còn dừng lại ở kế hoạch trên giấy tờ, trong khi chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo, tập trung thực hiện(1). 

Võ Nguyên

(1): Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tánh Linh, đi đầu phổ cập bơi...